Nhà khoa học, tác giả 'trắng tay' vì khó thu phí bản quyền

Hiện nay, nhiều nhà khoa học, nhiều tác giả có những sản phẩm trí tuệ là sản phẩm đặc biệt nhưng bị sử dụng mà không thu phí bản quyền.

Trong thời gian gần đây, vấn đề thu phí bản quyền tác giả và các quyền liên quan đã thu hút được sự quan tâm sâu sắc của công luận. Những vấn đề về thu tiền bản quyền âm nhạc trong bệnh viện, bãi đỗ xe…gây nên nhiều tranh cãi, dù phía trung tâm Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam thực hiện theo đúng các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ - nơi nào dùng âm nhạc để kinh doanh thì phải trả tiền tác quyền.

Tại hội thảo góp ý về quyền tác giả và quyền liên quan diễn ra vào ngày 26/7 tại Hà Nội, vấn nạn vi phạm bản quyền tràn lan một lần nữa được các đại biểu nhắc lại.

Ông Hoàng Trọng Quang, chủ tịch Hiệp hội quyền sao chép đặt câu hỏi, vì sao những sản phẩm trí tuệ là sản phẩm đặc biệt nhưng hiện nay rất nhiều nhà khoa học, nhiều tác giả cuối đời lại hai bàn tay trắng vì tác phẩm của họ bị sử dụng nhưng rất khó thu phí bản quyền.

Ông lấy ví dụ trường hợp nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có nhiều đóng góp vô giá cho kho tàng âm nhạc dân tộc nhưng lại sống trong nghèo đói? Nếu những tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được thế chấp sẽ có khoản tiền bồi thường nhất định cho cuộc sống.

Nhà khoa học, tác giả 'trắng tay' vì khó thu phí bản quyền. Ảnh minh họa

NSND Thanh Hoa đồng tình, bởi trí tuệ từ các lĩnh vực khoa học kỹ thuật đến văn học nghệ thuật bị coi thường nhiều quá. Các đại biểu đồng tình việc phải để người dân, người sáng tạo hiểu rõ hơn và tuân thủ pháp luật về sở hữu trí tuệ cũng như quyền tác giả, quyền liên quan. Thanh Hoa nhấn mạnh cần tuyên truyền ý thức sử dụng phải trả phí cho người sáng tạo-không hạn hẹp chỉ nhìn vào một nhà văn, nhạc sỹ nào mà bất cứ sản phẩm nào mang tính sáng tạo. “Luật phải cụ thể, nếu không người dân làm sao thực hiện được”, NSND Thanh Hoa, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc nói.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đồng tình với ý kiến của một số đại biểu khác cho rằng không nên chỉ điều chỉnh trong lĩnh vực văn học nghệ thuật và phải mở rộng ra các lĩnh vực khoa học kỹ thuật.

“Phải quy định rõ trường hợp nào không phải trả tiền, trường hợp nào phải trả phí bản quyền. Không thể có chuyện người làm ra sản phẩm trí tuệ lại sống trong nghèo khổ”, ông Hùng nói. Việc thực hiện chính sách bản quyền chặt chẽ chính là cách khuyến khích sáng tạo, ông Hùng nói.

Ông Đặng Đình Long, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển cho rằng phải đề cập đầy đủ hơn về quyền tác giả, quyền liên quan ở lĩnh vực văn học nghệ thuật. Theo ông Long, giá trị của công nghiệp văn hóa ở Mỹ chiếm hơn 10% GDP, còn ở Hàn Quốc hiện lên tới 20%, cho nên không có lí do gì xem nhẹ giá trị lĩnh vực này ở Việt Nam.

PGS. TS Đoàn Năng, nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Khoa học - Công nghệ cho rằng, không nên để tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan xây dựng biểu mức tiền quyền tác giả, quyền liên quan, mà cần có sự tham gia của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cùng Bộ Tài chính để xây dựng khung biểu mức.

Ngoài tính minh bạch trong thu và chi trả tiền tác quyền, các đại biểu tham gia hội thảo còn đưa ra góp ý với Cục Bản quyên tác giả (Bộ VHTTDL), khi soạn thảo nghị định thay thế Nghị định 100/2006/NĐ-CP về thu phí quyền tác giả và các quyền liên quan cần nhấn mạnh hơn nữa đến các quyền liên quan, việc làm tác phẩm phái sinh, sao chép tài liệu, giáo trình khoa học... để đảm bảo mọi sản phẩm trí tuệ của tác giả đều được pháp luật bảo hộ.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTT&DL) nêu quan điểm “sửa các quy định để đảm bảo quyền lợi cho tác giả”. Về góp ý liên quan tới các tác phẩm và công trình khoa học, ông Hùng cho rằng không phải do không để ý, tuy nhiên có một số vướng mắc liên quan tới luật, muốn làm được phải sửa luật. Ông Hùng nhắc tới hướng xây dựng luật bản quyền tác giả độc lập để giải quyết đầy đủ, dứt điểm toàn diện những bất cập vừa qua.

Hùng Cường (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/nha-khoa-hoc-tac-gia-trang-tay-vi-kho-thu-phi-ban-quyen-d126160.html