Nhà khoa học Nhật Bản đoạt giải Nobel Y học nhờ khám phá cơ chế tự thực bào

Yoshinori Ohsumi - một nhà sinh học Nhật Bản vừa được trao giải Nobel Sinh lý học và Y khoa năm nay, nhờ công trình nghiên cứu làm sáng tỏ cách thức các tế bào của cơ thể xử lý và tái chế chất thải, một khám phá có thể sẽ mở đường cho những nghiên cứu khác về phương pháp điều trị bệnh thần kinh hoặc các căn bệnh khác.

Ngoài ra, những hiểu biết về quá trình này cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tìm hiểu về nhiều quá trình sinh lý khác, chẳng hạn như phản ứng của cơ thể trước tác nhân gây nhiễm trùng. Với những phát hiện quan trọng của mình về sự tự thực bào “autophagy”, phần thưởng mà tiến sĩ Ohsumi nhận được là số tiền 8 triệu kronor Thụy Điển (tương đương 933.000 USD).

Autophagy hay “tự thực” là hiện tượng xảy ra khi các tế bào bị thoái hóa và tự tái chế chính nó. Nhờ “autophagy", các tế bào biến chất thải thành nhiên liệu có thể tạo ra năng lượng, đồng thời đặt lên những viên gạch nhằm làm mới các thành phần của tế bào. "Ông ấy đã cho thấy các tế bào được trang bị những nhà máy tái chế tinh vi”, Juleen Zierath, một thành viên của ủy ban trao giải Nobel, cho biết. "Đó là một giải thưởng rất đẹp."

Ngoài việc tìm ra cơ chế của “tự thực", nhà sinh vật học được sinh ra ở Nhật vào năm 1945 cũng đã xác định được gen chi phối quá trình này, sẽ là tiền đề cho các nhà khoa học nghiên cứu về những gì sẽ xảy ra khi autophagy bị xáo trộn. Việc autophagy gián đoạn được cho là có liên quan đến bệnh Parkinson, tiểu đường loại 2 và các rối loạn khác, giáo sư Zierath cho biết.

Ảnh: thestar

Mặc dù autophagy là khái niệm đã được biết đến từ hơn 50 năm qua, tầm quan trọng của nó đã không được công nhận suốt một thời gian dài, cho đến khi Tiến sĩ Ohsumi công bố nghiên cứu của mình về chủ đề này năm 1990. Tiến sĩ Ohsumi cho rằng ông đã tập trung nghiên cứu một chủ đề không thu hút được số đông các nhà khoa học ở giai đoạn ban đầu. "Nguyên tắc cơ bản của tôi là tôi muốn thực hiện những điều mà người khác không làm”, Tiến sĩ Ohsumi chia sẻ về quan điểm của mình sau khi giải thưởng được công bố.

Tiến sĩ Ohsumi cho biết “autophagy” từng là một chủ đề "không nhận được nhiều sự chú ý" khi ông lần đầu tiên tìm hiểu nó nhiều thập kỷ trước, có lẽ bởi vì chức năng xử lý "rác thải" các tế bào không phải là quá trình hấp dẫn như các vấn đề khác trong sinh học. "Tái chế chất dinh dưỡng là chức năng cơ bản nhất của autophagy”, ông nói. "Suy thoái luôn luôn xảy ra trong cơ thể chúng ta. Cuộc sống không tồn tại mà không có mối quan hệ song song giữa suy thoái và tổng hợp".

Trong quá trình nghiên cứu, Tiến sĩ Ohsumi không khám phá quá trình “tự thực” trên các tế bào của con người. Thay vào đó, hàng ngàn chủng nấm men đã được ông phân tích. Thường được sử dụng như những “đại diện tiêu biểu” cho tế bào của con người trong phòng thí nghiệm, các tế bào nấm men vẫn đặt ra những thách thức nhất định cho các nhà khoa học bởi vì kích thước quá nhỏ của nó, giáo sư Zierath nhận định.

Tiến sĩ Ohsumi vì thế đã phải nuôi cấy nấm men đột biến, sau đó tìm cách để kích hoạt quá trình autophagic khi các tế bào nằm dưới kính hiển vi của mình. "Ông đã tạo ra một giải pháp thực sự khéo léo để nghiên cứu các tế bào”, cô nói.

Thomas Perlmann - tổng thư ký Ủy ban trao giả Nobel cho biết ông đã có cơ hội nói chuyện với Tiến sĩ Ohsumi qua điện thoại và thông báo về giải thưởng. "Ông ấy có vẻ ngạc nhiên”. Giáo sư Perlmann nói. "Điều đầu tiên ông ta nói là 'Oh!'"

Năm ngoái, giải Nobel Y học đã được trao cho những khám phá liên quan đến liệu pháp mới nhằm chống lại bệnh mù sông, giun chỉ bạch huyết và bệnh sốt rét, những căn bệnh ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người mỗi năm.

Tham khảo: WSJ

Nguồn Tinh Tế: http://tinhte.vn/threads/nha-khoa-hoc-nhat-ban-doat-giai-nobel-y-hoc-nho-kham-pha-co-che-tu-thuc-bao.2647306/