Nhà hát Lớn Hà Nội rộng cửa đón các đơn vị nghệ thuật: Người xem 'vào cuộc' cùng người diễn

Những tràng pháo tay vang dội cả khán phòng biểu diễn của Nhà hát Lớn đã chứng tỏ những tình cảm nồng nàn của người dân Thủ đô khi đến với chương trình Âm nhạc và các trích đoạn Chèo truyền thống mẫu mực của Nhà hát Chèo VN.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trao đổi với đạo diễn Thanh Ngoan và các nghệ sĩ

“Ăn no rồi lại nằm khoèo, nghe giục trống Chèo bế bụng đi xem/ Chẳng thèm ăn chả ăn nem, thèm ăn cơm tẻ thèm xem hát Chèo”, sau câu ca dao chẳng biết có tự bao giờ về chèo của NSND Lê Khanh là hơn 120 phút thăng hoa của các nghệ sĩ Nhà hát Chèo VN trong khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội chật kín người xem cùng với sự hiện diện của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện và các Thứ trưởng Lê Khánh Hải, Vương Duy Biên, Đặng Thị Bích Liên.

Xứng tầm một thương hiệu chèo “xịn”

Khán giả cũng như “lên đồng” với nghệ thuật chèo với biết bao cung bậc cảm xúc. Lúc đồng cảm với sự khao khát nồng nàn của Thị Màu, lúc bị cuốn đi cùng câu hát tình tứ “Đào liễu có một mình. Em đi đâu hỡi cô nàng ơi, Đào liễu có một mình” bằng sự dí dỏm, trẻ trung và trữ tình của những chàng trai, cô gái làng Chèo.

Khi lại rộn rã, giòn tan trước trò diễn cực vui của trích đoạn Thị Màu – Nô – Phú Ông trong vở chèo Quan Âm Thị Kính. Rồi lại bị hút hồn theo nữ NSƯT Kim Liên với những phút "lên đồng" thăng hoa qua Giá Ông Hoàng Mười – Cô bé Đông Cuông. Toàn bộ phần sau của chương trình được dành để tôn vinh nghệ thuật âm nhạc chèo truyền thống và các nhạc công được tha hồ tung tẩy với đàn tranh, đàn nguyệt, trống đế, tiêu…

NSƯT Vân Quyền không giấu nổi cảm xúc vui mừng của người truyền dạy cho một số trò là diễn viên đảm đương các vai chính trong các trích đoạn của chương trình lần này. Chị chia sẻ: “Lớp nghệ sĩ, nhạc công biểu diễn ngày hôm nay trên sân khấu đã chứng tỏ được bản lĩnh vững vàng cũng như thương hiệu của Nhà hát Chèo VN. Tuy còn trẻ nên kỹ năng chưa đạt tới sự chỉn chu, điêu luyện nhưng các em đã vô cùng sáng tạo cho vai diễn của mình, phả được hơi thở của cuộc sống hôm nay vào các nhân vật chèo truyền thống đời hơn, sống động hơn. Phần Năm cung chèo cũng đã có nhiều phá cách sáng tạo dựa trên những nhân vật, những nét nhạc của truyền thống nhưng được dàn dựng, phối khí mới cũng rất ấn tượng”.

Một chương trình chèo được đánh giá là “xịn” bởi cách dàn dựng và diễn xuất có chất lượng đã thực sự ghi điểm cho sân khấu truyền thống ở đêm diễn thứ 3 trong chủ trương đưa nghệ thuật truyền thống vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn.
Ai bảo khán giả quay lưng lại với chèo?

Chứng kiến cảnh người con trai cõng ông bố già 86 tuổi mang tên Ngô Hiếu bị gãy cổ xương đùi không đi được, sải bước tiến vào Nhà hát để xem mới thấy hết được sự say chèo của một bộ phận khán giả, đặc biệt là khán giả có tuổi. Cụ ông Ngô Hiếu cho biết: “Trước kia tôi đã từng đi Bê và công tác ở Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị. Con gái tôi làm ở Báo Hà Nội mới mời bố mẹ một đôi vé để vào xem. Tôi không ngờ nghệ thuật chèo giờ phát triển đến như vậy. Các nghệ sĩ, nhạc công hôm nay đã thực sự nâng cấp cho nghệ thuật chèo phù hợp với hơi thở cuộc sống hiện đại từ cách dàn dựng cho tới trang phục biểu diễn và họ diễn cũng rất tuyệt vời”.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện và lãnh đạo Bộ tặng hoa các nghệ sĩ sau đêm diễn

Bác Nguyễn Thanh Hà (83 tuổi), chồng đã 84 tuổi nhà ở tận Dịch Vọng, Hà Nội đã bắt taxi đi tới Nhà hát Lớn để được xem chèo. Bác Hà nói: “Tôi mê chèo từ khi chưa lấy chồng. Vì vậy nếu có cơ hội để xem chèo tôi sẽ không bỏ qua. Ngày hôm nay trên sân khấu của Nhà hát Lớn vẫn là các trích đoạn mà tôi đã từng xem nhưng cảm xúc rất mới và tuyệt vời bởi các nghệ sĩ diễn rất giỏi, sân khấu cũng rất đẹp. Các cháu múa mềm lắm, hát cũng rất ngọt. Thưởng thức chèo trong không gian ở Nhà hát Lớn khiến người xem có cảm giác sang trọng hơn, chất lượng hơn”.

Vẫn biết khán giả đến với chèo, mê chèo thường là lớp người đã có tuổi thế nhưng vẫn có những gương mặt thanh niên, sinh viên hiện diện trong khán phòng. Cô sinh viên năm thứ 4 Trường ĐH Kinh tế thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội Đào Mai Hương rất chăm chú xem cùng mẹ. “Em thường xem các chương trình ca nhạc nhẹ, em cũng đã được nghe hát chèo ở phố cổ. Thi thoảng được nghe hát chèo cũng cảm thấy rất thú vị. Vậy là thêm một điểm diễn chèo truyền thống để người xem có thể lựa chọn. Diễn chèo ở Nhà hát Lớn trong không gian lịch sự, theo em rất phù hợp với đối tượng khán giả quốc tế. Em nhất định sẽ giới thiệu cho các bạn nước ngoài của em”.

Nhà hát Lớn, "bà đỡ" cho những tác phẩm nghệ thuật chất lượng

Xin được chiếc vé mời hiếm hoi trong chương trình, Ngọc Anh đang học lớp diễn viên chèo do Nhà hát Chèo VN phối hợp với Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội vô cùng phấn khởi. “Nhìn các anh chị nghệ sĩ của Nhà hát Chèo diễn được khán giả yêu quý, trân trọng bằng những tràng pháo tay không ngớt, em thấy mình có thêm động lực để gắn bó với con đường diễn viên chèo mà mình đang dấn thân”.

Trong cả ba chương trình diễn trong đợt đầu ra quân của kế hoạch công diễn các tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao tại Nhà hát Lớn đều thấy có vợ chồng họa sĩ, NSND Doãn Châu. Mang một chút băn khoăn hỏi ông về việc đưa chèo vốn thường diễn các chiếu chèo sân đình vào một sân khấu sang trọng với kiến trúc của phương Tây như Nhà hát Lớn liệu có độ chênh.

Họa sĩ, NSND Doãn Châu nói một cách hình ảnh: Hãy tưởng tượng xem chèo ở Nhà hát Lớn giống như việc các ông đồ viết thư pháp trên giấy. Những chữ “tâm”, chữ “phúc” được viết bằng chữ Nho, chữ Hán trên giấy rất mộc mạc nhưng nếu được lồng kính, để trang trọng sẽ có một giá trị rất khác. Cũng là món khoai lang dân dã của người dân bình thường nhưng khi được bóc vỏ và đặt lên những đĩa bát sang trọng lại trở thành một món ăn đặc biệt đối với người thưởng thức. Theo tôi, sân khấu to hay nhỏ đều có những cái hay riêng và với chèo, một loại hình nghệ thuật độc đáo như Chèo thì vẫn phát huy được giá trị”.

Ba đêm diễn kín chỗ, người xem ngồi từ đầu cho đến khi kết thúc chứng tỏ khán giả không thờ ơ với những chương trình nghệ thuật có chất lượng cao, nhất là khi nó được biểu diễn ở "thánh đường" sang trọng như NHL Hà Nội. Đó chính là những tín hiệu vui, rất vui tạo thêm quyết tâm cho những người đang trên con đường kéo khán giả trở lại với nghệ thuật, với sàn diễn sang trọng bậc nhất của VN.

Một số hình ảnh tại buổi diễn:

Những tràng pháo tay không ngớt dành tặng các nghệ sĩ

Thúy Hiền-ảnh Trần Huấn

Theo Báo Văn hóa

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/nha-hat-lon-ha-noi-rong-cua-don-cac-don-vi-nghe-thuat-nguoi-xem-vao-cuoc-cung-nguoi-dien-208698.html