Nhà giáo, nhà sử học - một đời tâm huyết với nghề

Cả cuộc đời gắn liền với mái trường ĐH Tổng hợp Hà Nội từ khi thành lập, GS.NGND Vũ Dương Ninh đã để lại trong tâm trí các thế hệ học trò hình ảnh của một người thầy giản dị, nhẹ nhàng mà sâu sắc. Ông là một nhà nghiên cứu tâm huyết, say sưa và cẩn trọng trong công việc, cũng như đời sống hàng ngày. Những câu chuyện, kỷ niệm mà ông chia sẻ đã phần nào thể hiện cuộc hành trình hơn nửa thế kỷ nghiên cứu và giảng dạy lịch sử của ông…

GS.NGND Vũ Dương Ninh, SN 1937 trong một gia đình trí thức. Sau khi trường ĐH Tổng hợp Hà Nội được thành lập năm 1956, GS Vũ Dương Ninh là sinh viên khóa I, là bạn đồng học của các nhà giáo, nhà sử học nổi tiếng như: GS.NGND Phan Đại Doãn, PGS.NGND Lê Mậu Hãn, PGS.NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ, PGS Phạm Thị Tâm... Vốn ham thích và có khiếu về khoa học tự nhiên, nhưng như một sự lựa chọn và an định của số phận, thầy đã học Sử, yêu Sử, giảng dạy, nghiên cứu Lịch sử và đã thành danh trên lĩnh vực Sử học. Sau khi tốt nghiệp ĐH, cùng với một số bạn đồng khóa, thầy Vũ Dương Ninh ở lại khoa Lịch sử, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội công tác. Trong điều kiện đất nước đang diễn ra cuộc chiến tranh ác liệt, Khoa Lịch sử và nhà trường phải đi sơ tán ở nhiều nơi, điều kiện học tập, tài liệu tham khảo, đời sống vật chất... đều thiếu thốn nhưng thầy và các thành viên trong khoa và bộ môn vẫn nuôi dưỡng một quyết tâm lớn, học thêm ngoại ngữ, mà chủ yếu là con đường tự học, để có thể sử dụng được các nguồn tài liệu bằng tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Anh. Trong khói lửa của chiến tranh, trên những chiếc bàn tre dưới ánh đèn dầu không đủ sáng, dưới những mái lán nứa và sự đùm bọc, chở che của bà con nơi sơ tán..., từng phần của cuốn Giáo trình Lịch sử thế giới được biên soạn và ứng dụng trong việc giảng dạy cho sinh viên. Vừa làm vừa học, vừa giảng dạy vừa tích lũy kinh nghiệm, qua thực tiễn gian khó, thầy cùng các bạn đồng nghiệp đã từng bước trưởng thành và trở thành những hạt nhân cốt lõi trong việc xây dựng một số ngành học của trường cũng như nhiều trường ĐH ở phía Nam sau khi đất nước thống nhất.

Dù đã gần 80 tuổi nhưng với GS.NGND Vũ Dương Ninh, con đường ông chọn đi vẫn chưa dừng lại. Ảnh: Đ.Sơn

Nhiều năm là Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử thế giới và Phó Chủ nhiệm khoa Lịch sử, thầy Vũ Dương Ninh đã đem bầu nhiệt huyết khoa học của mình góp công đào luyện nên nhiều lớp học trò chuyên về Lịch sử thế giới và các vấn đề quan hệ quốc tế. Năm 1995, từ một ngành học của khoa Lịch sử, trước những yêu cầu phát triển mới của đất nước, GS Vũ Dương Ninh là một trong những người khởi xướng và thành lập nên ngành nghiên cứu quốc tế. Đến nay, ngành học này đã trở thành khoa Quốc tế học thuộc Trường ĐH KHXH&NV, ngày càng khẳng định vị thế là một trung tâm đào tạo và nghiên cứu về quan hệ quốc tế ở nước nhà.

Là một nhà giáo, nhà sư phạm có thâm niên của trường ĐH Tổng hợp Hà Nội và ngành giáo dục ĐH, vào đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, nhà giáo Vũ Dương Ninh được Nhà nước cử đi làm chuyên gia giáo dục ở Madagascar. Sau chuyến đi thỉnh giảng thành công, trong bối cảnh đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, GS Vũ Dương Ninh đã được mời tham gia nhiều hội thảo quốc tế, chương trình phối hợp nghiên cứu, giảng dạy ở Pháp, Hà Lan, Nhật Bản, Hồng Kông, Thái Lan, Singapore... Cùng với chức trách của một nhà giáo, GS Vũ Dương Ninh còn dành nhiều tâm huyết cho công tác nghiên cứu khoa học. Vấn đề tìm hiểu các mối quan hệ quốc tế, đặc biệt là xác định vị thế của Việt Nam trước những biến động sâu sắc của tình hình thế giới đã thực sự trở thành một chủ đề nghiên cứu hấp dẫn của thầy. Theo quan niệm của GS, hiểu mình, hiểu thế giới, nắm bắt đúng các khuynh hướng vận động và phát triển của thế giới là một trong những nhân tố cốt lõi cho việc hoạch định các chính sách phát triển của mỗi quốc gia và hội nhập quốc tế.

Bằng trí tuệ và lao động miệt mài của mình, GS Vũ Dương Ninh đã nêu một tấm gương cho các học trò cùng những người cộng sự về tinh thần trách nhiệm với công việc và sự nghiêm túc trong khoa học. Thời gian qua, cùng với việc chủ biên các bộ giáo trình cơ bản, GS.Vũ Dương Ninh còn đồng thời là người chịu trách nhiệm chính trong việc biên soạn 5 cuốn sách nghiên cứu về Lịch sử thế giới cận đại, Lịch sử quan hệ quốc tế cận đại, Lịch sử văn minh thế giới, Phong trào cải cách ở một số nước Đông Á giữa thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, Biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc và là tác giả của cuốn chuyên khảo công phu Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam (1940-2010)… GS Vũ Dương Ninh cũng đã chủ trì nhiều đề tài khoa học cấp Bộ và ĐH quốc gia về quan hệ Việt Nam - ASEAN, quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Đến nay, GS. Vũ Dương Ninh cũng đã hoàn thành và công bố hơn 150 bài nghiên cứu được công bố trên các tạp chí chuyên ngành. Các kết quả nghiên cứu đó là sự đóng góp cho việc chuẩn bị những luận cứ khoa học cho một số cơ quan nghiên cứu và hoạch định chính sách tham khảo.

Với uy tín và ảnh hưởng khoa học, GS Vũ Dương Ninh từng đảm trách cương vị chủ tịch và Ủy viên nhiều hội đồng thẩm định công trình khoa học, hội đồng xây dựng chương trình phát triển và định hướng nghiên cứu của một số cơ quan khoa học, Hội đồng chức danh giáo sư ngành Lịch sử - khảo cổ học – dân tộc học, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam... Trong mỗi công việc, GS luôn đòi hỏi chặt chẽ về chất lượng khoa học, đồng thời thể hiện cái nhìn lạc quan, nhân bản, giàu chất tư duy thực tiễn. Do có những đóng góp tiêu biểu, GS Vũ Dương Ninh đã được Nhà nước tặng nhiều danh hiệu cao quý: Nhà giáo Ưu tú (1994), Nhà giáo Nhân dân (2002), Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhì (2000) và Huân chương Lao động hạng Nhất (2004), Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng (2007)...

Đài Sơn

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/giao-duc/nha-giao-nha-su-hoc-mot-doi-tam-huyet-voi-nghe-115746