Nhà đầu tư lạc quan vào hàng hóa, trừ vàng

Giá hàng hóa đã có 8 tuần tăng liên tiếp - chuỗi tăng lâu nhất kể từ năm 1996. Riêng với vàng, nhà đầu tư lại bi quan và giảm đặc cược xuống thấp nhất kể từ tháng 8 năm ngoái.

Nhà đầu tư đang rất lạc quan đối với hàng hóa nguyên liệu và đã tăng đặt cược vào xu hướng giá lên tuần thứ 3 liên tiếp trước thị trường kết thúc tháng 1 tăng ấn tượng nhất kể từ năm 2006 nhờ kinh tế toàn cầu phục hồi trong bối cảnh nỗ lực kích thích tăng trưởng của các ngân hàng trung ương.

Theo dữ liệu từ Ủy ban giao dịch hàng hóa kỳ hạn Mỹ (CFTC), các quỹ phòng hộ và các nhà quản lý quỹ tiền tệ khác đã tăng thêm 5,6% đặt cược vào 18 hàng hóa kỳ hạn và quyền chọn trên thị trường Mỹ trong tuần đến ngày 29/1/2013, lên 800.738 hợp đồng – cao nhất kể từ ngày 11/12/2012.

Các nhà quản lý quỹ đặc biệt tăng mạnh đặt cược đối với giá bông nhất kể từ tháng 10/2010. Nắm giữ dầu thô được duy trì đà tăng tuần thứ 7 liên tiếp – chuỗi thời gian dài nhất kể từ năm 2006, thời điểm CFTC bắt đầu thống kê số liệu.

Trong tháng 1, chỉ số S&P’ GSCI của 24 hàng hóa nguyên liệu đã tăng 4,5% - là tháng 1 tăng tốt nhất kể từ năm 2006. Lĩnh vực sản xuất ở Trung Quốc mở rộng tháng thứ 4 liên tiếp trong khi số người thất nghiệp tại Mỹ tăng và cam kết tiếp tục duy trì gói 85 tỷ USD mua trái phiếu của Fed nhằm hỗ trợ nền kinh tế đã giúp hàng hóa trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư.

Riêng tuần trước, giá hàng hóa tăng 2,5% và là tuần tăng thứ 8 liên tiếp – chuỗi tăng dài nhất kể từ năm 1996. Chỉ số MSCI của chứng khoán toàn cầu chỉ tăng 0,7% trong khi chỉ số đồng USD giảm 0,8% và lợi suất trái phiếu hạ 0,1%.

Dù giá hàng hóa thời gian qua tăng ấn tượng song các dự báo về tương lai lại chỉ ra xu hướng ngược lại. Theo quỹ đầu tư First Asset Investment Management có trụ sở tại Toronto thì nhu cầu hàng hóa sẽ không tăng kịp nguồn cung do giá tăng trong 4 năm qua đã thôi thúc người nông dân ở khắp nơi cùng với các nhà khai mỏ tăng sản xuất. Còn theo các nhà phân tích tại Barclays và Macquarie thì sản lượng nhôm, đồng, chì, kẽm, đường, cà phê và bông trong năm nay sẽ cao hơn nhu cầu.

Trở lại với báo cáo của CFTC, đặt cược vào dầu thô tuần trước đã tăng thêm 6,2% lên 218.204 hợp đồng – cao nhất kể từ ngày 1/5/2012. Giá dầu đã tăng 2% và có tuần tăng thứ 8 liên tiếp – dài nhất kể từ tháng 8/2004.

Đặt cược vào dầu sưởi tăng 15% lên 33.427 hợp đồng – cao nhất kể từ tuần đến ngày 16/10 năm ngoái.

Nhà đầu tư tuy nhiên giảm 24% đặt cược vào vàng xuống còn 82.081 hợp đồng – thấp nhất kể từ 14/10/2012. Giá vàng tháng 1 giảm 0,8% - tháng giảm thứ 4 liên tiếp vì kinh tế thế giới hồi phục làm giảm nhu cầu an toàn trong vàng.

Đặt cược vào 11 mặt hàng nông sản tăng 13% lên 401.135 hợp đồng – tuần tăng nhiều nhất kể từ 10/7/2012. Chỉ số GSCI theo dõi giá của 8 mặt hàng nông sản tăng 1,2% trong tuần.

Đặt cược vào giá bông tăng tăng thêm 8,5% lên 164.434 hợp đồng trong khi vào đậu tương tăng 7,4% lên 105.017 hợp đồng – cao nhất 5 tuần. Những lo lắng về thời tiết khô hạn ở Argentina sau hạn hán nghiêm trọng tại Mỹ hồi năm ngoái khiến thị trường lạc quan rằng giá sẽ tăng rất mạnh.

Còn theo dữ liệu của EPFR Global, trong tuần trước các quỹ quản lý tiền tệ đã rút ra 68 triệu USD khỏi các quỹ hàng hóa, trong đó riêng mặt hàng vàng và kim loại quý bị rút ròng 379 triệu USD.

Phương Thảo

Theo Bloomberg

Nguồn CafeF: http://cafef.vn/hang-hoa-nguyen-lieu/nha-dau-tu-lac-quan-vao-hang-hoa-tru-vang-2013020407302628ca39.chn