Nhà đầu tư: Giá điện mặt trời 11,2-13,2 cent/kWh là có lãi

“Chúng tôi đã chuẩn bị 30 triệu đô la Mỹ, đất mua sẵn tại Bình Thuận, giấy phép đã được cấp, thiết bị sẵn sàng cho một dự án điện mặt trời 24 MW, điều chúng tôi chờ đợi duy nhất là giá bán điện mặt trời từ dự án lên lưới được quy định cụ thể để có quyết định triển khai cuối cùng”, ông Diệp Bảo Cánh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng Mặt trời đỏ (Red Sun) chia sẻ tại hội thảo về chương trình hỗ trợ phát triển điện mặt trời tại miền Nam diễn ra sáng nay 23-11.

Tấm pin năng lượng mặt trời được lắp đặt tại một trường tiểu học ở Củ Chi, TPHCM - Ảnh: Văn Nam

Ông Cánh cho rằng không chỉ riêng Red Sun mà rất nhiều nhà đầu tư dự án điện mặt trời hiện vẫn đang án binh bất động, chờ đợi giá mua điện do nhà nước quy định ở mức nào để đưa ra định hướng đầu tư.

Ông Diệp Bảo Cánh cũng nhận định với khung giá mua điện mặt trời đang được các bộ ngành dự thảo ở mức 11,2-13,2 cent/kWh là mức tương đối tốt, có lãi để có thể hấp dẫn nhiều nhà đầu tư vào Việt Nam phát triển nguồn năng lượng sạch này.

Còn theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM tại hội thảo sáng nay thì: “Năm nay đã có nhiều tín hiệu lạc quan cho phát triển điện mặt trời với sự xuất hiện nhiều nhà đầu tư như dự án của Thành Thành Công, Tập đoàn Sông Hồng, Tôn Hoa Sen… và nhiều nhà đầu tư ngoài nước từ Thái Lan, Đức với quy mô mỗi dự án 30-100 MW”.

Tuy nhiên, ông Tước cho rằng giữa tín hiệu lạc quan bước đầu đến thực tế triển khai vẫn còn một bước dài phía trước bởi các nhà đầu tư phải đối mặt với sự thiếu hụt trong chính sách về quy hoạch, quy định khung giá mua điện, vô vàn khó khăn trong thủ tục đầu tư như quy hoạch sử dụng đất ở các địa phương, cấp đất… Những khó khăn này còn kéo dài 3-5 năm nữa.

Trước những khó khăn trước mắt này, ông Tước cho biết các nhà đầu tư có thể chọn cách hợp tác đầu tư dự án điện mặt trời thay thế nguồn điện lưới tại các khu công nghiệp, nhà máy, nhà hàng, khách sạn… vốn là những đối tượng đang mua điện từ EVN cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cách làm này có thể sẽ hiệu quả hơn việc bỏ vốn đầu tư một dự án trang trại điện mặt trời (solar farm).

Còn ông Gavin Smith, Giám đốc Công ty Dragon Capital qua trao đổi với TBKTSG Online tại hội thảo cho biết hiện Dragon Capital đang nhắm đến việc rót khoảng 15 triệu đô la Mỹ đầu tư vào 14 dự án điện mặt trời vừa trải qua bước nghiên cứu tiền khả thi. 14 dự án này nằm trong chương trình hỗ trợ phát triển điện mặt trời tại miền Nam, dự kiến được triển khai tại TPHCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương với tổng lượng điện sản xuất hàng năm khoảng 18 triệu kWh.

Dù kế hoạch của Dragon Capital là sẽ rót vốn vào nhiều dự án bởi tiềm năng điện mặt trời các tỉnh phía Nam rất dồi dào, nhưng ông Gavin Smith vẫn băn khoăn trước những bất lợi đối với nhà đầu tư tại Việt Nam mà trước tiên là giá điện thấp.

Nếu so với vài nước trong khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam chưa thể sánh bằng Thái Lan hay Philippines vốn đang rất hấp dẫn các nhà đầu tư, mặc dù đã qua vài lần điều chỉnh giảm nhưng giá mua điện mặt trời tại Thái Lan đang ở mức 16 cent/kWh. Ngoài ra, Indonesia, Malaysia hay Bangladesh cũng là những nước có khung giá điện mặt trời khá hấp dẫn nhà đầu tư, ông Gavin Smith so sánh.

Việt Nam rất có lợi thế tận dụng nguồn năng lượng mặt trời vì nằm trong dải phân bổ ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong năm trên bản đồ bức xạ mặt trời thế giới. Tuy nhiên, việc tận dụng nguồn năng lượng này hiện nay vẫn còn hạn chế.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/154236/nha-dau-tu-gia-dien-mat-troi-112-132-centkwh-la-co-lai.html/