Nhà đầu tư “dọa” đóng cầu Hạc Trì

Công ty Cổ phần BOT cầu Việt Trì (Phú Thọ) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ: Kế hoạch - Đầu tư (KHĐT), Tài chính, Giao thông - Vận tải (GTVT) xin dừng hoạt động cầu Hạc Trì bắc qua Sông Lô.

Sẽ đóng cửa cầu Hạc Trì?

Lý do mà đơn vị này xin dừng hoạt động của cầu Hạc Trì là vào ngày 1.8.2016, Cục Quản lý đường bộ 1 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) đã chỉ đạo Công ty quản lý bảo trì 238 phá dỡ các ụ nổi, rào chắn (một phần hệ thống giao thông cầu Việt Trì cũ). Theo Công ty Cổ phần BOT cầu Việt Trì (nhà thầu thi công) thì đây là hệ thống kỹ thuật, được cơ quan có thẩm quyền lắp đặt để ngăn chặn tình trạng ôtô cố ý lưu thông qua cầu Việt Trì cũ nhằm mục đích đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông khi cầu Việt Trì cũ không còn đảm bảo an toàn cho việc lưu thông.

Các ụ nổi, rào chắn này được “mọc lên” từ sau khi công trình cầu Hạc Trì đưa vào sử dụng ngày 7.12.2015 và Cty CP BOT Cầu Việt Trì được Bộ GTVT cho phép thu phí theo phương án tài chính đã được các cơ quan chức năng phê duyệt và GTVT ký kết đồng thời tổ chức phân luồng giao thông khu vực có hệ thống biển báo cấm ôtô qua cầu Việt Trì cũ. Nhưng trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều xe ôtô vẫn cố tình đi bằng Cầu Việt Trì cũ để tránh phí.

Các trụ bê tông được dựng lên trên đường lên cầu Hạc Trì.

Nhà đầu tư ra tối hậu thư

Theo đại diện Cty CP BOT cầu Việt Trì, từ ngày 1.8, khi dỡ bỏ ụ nổi phân luồng, đại đa số xe ôtô lưu thông qua cầu Việt Trì cũ khiến doanh thu thu phí sụt giảm không đảm bảo chi phí cho chủ đầu tư. Theo phương án đã được phê duyệt, một năm cầu Hạc Trì phải đạt 138 tỉ đồng (khoảng 11,5 tỉ/tháng), nhưng thực tế thu phí hiện nay chỉ đạt từ 7 đến 8 tỉ đồng/tháng. Với doanh thu này thì không đủ lương cho người lao động và trả lãi ngân hàng cùng các chi phí quản lý, khai thác cầu chứ chưa nói gì đến việc thu hồi vốn đầu tư. Nếu tình trạng này kéo dài thêm thì Cty có thể sẽ bị phá sản và sẽ kéo theo hàng trăm người lao động đứng trước nguy cơ thất nghiệp.

Cũng theo đại diện của Cty CP BOT cầu Việt Trì, trong quá trình xây dựng phương án tài chính, nhà đầu tư chỉ được tính toán giảm trừ các chế độ vé phí ưu tiên do Bộ Tài chính phát hành và không có nghĩa vụ phải miễn, giảm phí cho người dân vùng lân cận. Tuy nhiên, khi đi vào khai thác thu phí, các cấp chính quyền từ Bộ tới địa phương yêu cầu nhà đầu tư phải miễn, giảm phí cho người dân lân cận dự án. Trên tinh thần thiện chí, hài hòa, đơn vị đã thực hiện chính sách miễn 100% phí cho người dân phường Bạch Hạc; giảm 60% cho xã Sông Lô và TP.Việt Trì đối với xe ôtô con lưu thông qua cầu Hạc Trì và thực hiện nhiều chính sách xã hội tại địa phương…

Do vậy, với sự an toàn khi tham gia giao thông của nhân dân, vì quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp dự án, Cty CP BOT cầu Việt Trì kiến nghị các cấp lãnh đạo có các phương án và hình thức phù hợp để cấm triệt để việc các phương tiện ôtô lưu thông trên cầu Việt Trì cũ; trả lại nguyên hiện trạng (ụ nổi, rào chắn) là hệ thống kỹ thuật phân luồng giao thông tại cầu Việt Trì cũ, đảm bảo thu hồi vốn theo cam kết khi kêu gọi thực hiện dự án đối với nhà đầu tư đồng thời có các biện pháp hỗ trợ, bảo trợ an ninh trật tự đảm bảo an toàn tài sản tính mạng cán bộ công nhân viên Cty. “Trong thời gian 15 ngày, nếu các cơ quan có thẩm quyền không giải quyết triệt để vụ việc để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nhà đầu tư, trong đó hệ lụy đến hàng trăm người lao động địa phương, đối tác, nhà thầu, ngân hàng thì công ty xin được dừng hoạt động cầu Hạc Trì để giải quyết vụ việc rõ ràng thấu đáo”- tối hậu thư của Cty CP BOT cầu Việt Trì viết.

Đổ hết lên đầu dân là không được

Về việc nhà thầu ra tối hậu thư và dọa đóng cửa cầu Hạc Trì, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh đưa ra quan điểm: Không thể nào chấp nhận được những nhà đầu tư kiểu đó. Anh đóng cầu cũng được, chứ đừng thách đố với Nhà nước. Tiền đầu tư xây cầu anh đi vay ngân hàng thương mại, suy cho cùng cũng là tiền của dân gửi vào mà bây giờ còn đi thách đố.

Trước đó, tại hội nghị tổng kết về đầu tư theo hình thức BOT do Bộ GTVT tổ chức, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - Trần Đình Thiên cũng đã chỉ ra việc mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và người dân về cơ bản liên quan đến cung cầu. Theo ông Thiên, nếu có lựa chọn, có 2 con đường, thì người dân sẽ cân nhắc lợi ích đi đường nào. Ở đây, chính là việc người tiêu dùng bỏ phiếu để nhà đầu tư tính toán xem phương án đầu tư nào là tối ưu nhất với họ. Nhưng thực tế lại có vấn đề về độc quyền. Cụ thể là chỉ có một tuyến đường hay 2 tuyến thu phí cả hai thì cần có sự can thiệp của Nhà nước để chi phí không làm tổn hại đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp, người dân đảm bảo được thu nhập.

Tháng 7.2016 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Phú Thọ đánh giá toàn diện an toàn của cầu Việt Trì cũ, xây dựng phương án lưu thông trên cầu cũ đảm bảo an toàn cho cầu, thuận lợi cho người dân. Ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng là rất đúng, đó là kiểm tra lại chất lượng cầu Việt Trì cũ. Hay là các bên bắt tay nhau để đóng cửa cầu Việt Trì cũ để dồn người dân đi vào cầu Hạc Trì. Không thể nói khơi khơi bảo cầu xuống cấp rồi đóng cầu, bắt dân đi cầu mới là không được. “Doanh nghiệp kinh doanh thì phải tính được lời lãi thế nào, chứ bây giờ tính nhầm lại đổ hết lên đầu dân là không được”- ông Thanh nhấn mạnh.

Trang Khanh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nha-dau-tu-doa-dong-cau-hac-tri-40956.html