Nhà cao tầng phá vỡ quy hoạch thủ đô

Quy hoạch và quản lý quy hoạch tại Hà Nội đã làm “nóng” Hội nghị tổng kết công tác 2016 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2017 của ngành Xây dựng. Bởi Hà Nội đang thất thủ trong vấn đề giải quyết ùn tắc giao thông, khi có quá nhiều chung cư cao tầng mọc lên trên một tuyến phố, một khu đất hẹp. Nhiều chuyên gia về đô thị cho rằng, chính cách làm quy hoạch chạy theo dự án, theo chiều hướng vì lợi ích nhà đầu tư nhiều hơn lợi ích cộng đồng, đã phá vỡ hàng loạt quy hoạch giao thông, điện, nước tại nhiều khu dân cư.

Cấp phép ồ ạt

Quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị vừa qua đã bộc lộ những lỗ hổng, khiếm khuyết dẫn tới những hệ lụy, do chưa có công cụ quản lý để kiểm soát tốt vấn đề này. Khi chúng ta làm quy hoạch lần đầu làm rất kỹ, rà soát rất nhiều và được nhiều cơ quan, nhiều tổ chức, cả xã hội góp ý tốt, nhưng đến lúc điều chỉnh quy hoạch chỉ có một vài cơ quan, một nhóm cán bộ điều chỉnh.

Ông Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA), cho biết: “Hiện quy hoạch đô thị vẫn làm kiểu chạy theo dự án của các doanh nghiệp (DN). Thí dụ khu đô thị Linh Đàm, khi tôi còn công tác tại Bộ Xây dựng, chúng tôi có đề xuất 2 khu đô thị mới khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội) và khu đô thị Phú Mỹ Hưng (TPHCM) là khu đô thị kiểu mẫu.

Và thực tế khu đô thị Linh Đàm đã được giải thưởng quốc gia về xây dựng. Nhưng vài năm trở lại đây do buông lỏng cho một DN vào xây dựng nhà ở theo xã hội hóa”. Dự án mà Chủ tịch VUPDA nhắc tới tại hội nghị chính là dự án nhà ở giá rẻ do Tập đoàn Mường Thanh xây dựng trên lô đất công cộng rộng khoảng 5ha của Khu đô thị Linh Đàm, gồm 12 tòa nhà chung cư cao 40 tầng. Không chỉ vậy, ngay trong Khu đô thị Linh Đàm, Tập đoàn Mường Thanh còn xây dựng tòa nhà VP6 vượt phép 10 tầng.

Một trường hợp nhà ở cao tầng khác cũng được nêu ra tại hội nghị là dự án nhà ở 10 tòa nhà cao 50 tầng đang được xây dựng tại khu đất triển lãm Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội. Một trường hợp khác phá vỡ quy hoạch tại Hà Nội là việc cấp phép nhà ở cao tầng dọc 2 bên đường Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm.

Theo quy hoạch được duyệt, chỉ trên một tuyến đường dài khoảng 2,1 km có tới 40 dự án chung cư, nhà cao từ 25-35 tầng được cấp phép xây dựng trong thời gian qua. 2 bên tuyến đường này có thể điểm tên hàng loạt tòa cao ốc đã và đang hoàn thành như Tòa tháp The Light Tower, Chung cư Bắc Hà, Tây Hà, Chung cư C14...

Trong 1-2 năm tới, nhiều tòa nhà cao tầng được xây dựng dọc tuyến phố này có dân số bằng cả một phường như dự án Usilk City 13 tòa chung cư cao 25-50 tầng với 2.700 căn hộ, chung cư Hanoi Landmark 51 tầng, Tổ hợp chung cư Roman Plaza 800 căn hộ, Ecolife Capital 760 căn...

Một góc Khu đô thị Linh Đàm.

Phá vỡ quy hoạch

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Hà cho biết, bán đảo Linh Đàm quy hoạch ban đầu rất tốt, không khác gì các nước trên thế giới. Nhưng sau đó đã điều chỉnh trong quá trình cấp phép các dự án nhà cao tầng nên quy hoạch bị phá vỡ.

“Tôi đã trực tiếp đi vào một tòa nhà giá rẻ của Tập đoàn Mường Thanh, đi từ tầng 1 đến tầng 20 bằng thang máy mất 25 phút, đi xuống lại mất khoảng 15 phút nữa, chưa kể đến kết nối hạ tầng bên ngoài, hạ tầng kỹ thuật trong dự án còn kém. Đô thị hóa là quá trình tất yếu của bất kỳ quốc gia nào nhưng nếu không tính toán kỹ sẽ trả giá rất đắt trong thời gian tới” - Bộ trưởng cho biết.

Còn về dự án xây dựng 10 khối nhà cao 50 tầng tại khu đất triển lãm Giảng Võ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh: “Dự án khu Giảng Võ đang thu hút sự quan tâm dư luận, một khu đất như vậy mà xây dựng 10 khối nhà cao 50 tầng cho thấy sức nén của dân số sẽ rất lớn. Quá trình đô thị hóa sẽ có những khu vực có sức nén rất cao, nhưng phải giải quyết bài toán nén dân số, đồng thời với nén hạ tầng thế nào. Dự án đang được triển khai nhưng việc này vẫn chưa giải quyết được thấu đáo”.

Nhận định về quy hoạch của Hà Nội, GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng: “Quy hoạch của Hà Nội đang có rất nhiều vấn đề, trong đó nổi cộm là việc điều chỉnh quy hoạch, hạ tầng không đáp ứng được cho số lượng dân cư tại đó. Quy hoạch đang phát triển theo chiều hướng vì lợi ích tư nhân và nhà đầu tư nhiều hơn là cho lợi ích chung, trong đó có việc xây dựng các chung cư quá lớn, quá cao tầng, làm tăng số lượng dân cư quá lớn so với hạ tầng”.

Còn theo TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, việc trên một trục đường huyết mạch như Tố Hữu tồn tại hàng chục nhà cao tầng là lỗi của những người làm quy hoạch, ngay từ khi đưa tuyến đường vào sử dụng không quy định cụ thể lượng nhà chung cư và chiều cao. Rõ ràng Hà Nội đang thiếu quy hoạch chi tiết cho từng tuyến phố, từng khu đô thị nên chủ đầu tư tha hồ xây cao ốc mà không bị hạn chế số tầng. Khi không có quy hoạch chi tiết, chủ đầu tư mặc sức xin nên mới có chuyện nhà 20 tầng được điều chỉnh lên 50 tầng.

Ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết: "Để chấn chỉnh tình trạng nhà cao tầng phá vỡ quy hoạch đô thị, vừa qua Chính phủ đã có nghị quyết giao Bộ Xây dựng chủ trì rà soát công tác lập quy hoạch, tổ chức lập quy hoạch tại các TP lớn và việc cấp phép xây dựng cho một số dự án chung cư trong nội đô. Bộ Xây dựng đã thành lập đoàn và sẽ có đi kiểm tra trong thời gian tới. Riêng 2-3 dự án nổi cộm ở Hà Nội thì Bộ Xây dựng sẽ kiểm tra ngay trong tuần này".

Gia Bảo

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20170107/nha-cao-tang-pha-vo-quy-hoach-thu-do.aspx