Nhà Bè xây dựng “huyện học tập”

Trong cộng đồng học tập ở huyện Nhà Bè có nhiều tấm gương không ngừng vượt khó học chữ, kiếm nghề… Họ là những nhân tố tích cực góp phần cổ vũ, xây dựng phong trào “huyện học tập” đang được phát động sôi nổi, hiệu quả ở khắp các cơ sở xóa mù, trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), trung tâm dạy nghề, khu dân cư…

Lãnh đạo huyện Nhà Bè trao bằng khen tặng các “Gia đình hiếu học” tiêu biểu ở địa phương.

Gia đình nghèo khó, anh chị em đông, không có điều kiện đến trường nên việc học những con số, mặt chữ đầu đời với chị Nguyễn Thị Thanh Hương ở xã Phú Xuân cứ xa dần theo năm tháng. Không biết chữ thì khổ lắm, làm việc gì cần tới đọc, viết, chị Hương cũng phải nhờ cậy chồng con hay hàng xóm. Chị kể, có lần ra văn phòng của ấp tham gia bầu cử nhưng do không biết đọc nên cứ loay hoay, lúng túng tìm tên mình trên bảng niêm yết cử tri mà thấy ngượng ngùng, mặc cảm.

Chị Hương mong muốn biết chữ nhưng ngặt nỗi, suốt ngày cứ phải tất bật để lo cuộc sống gia đình. “Mà ở tuổi 30, trẻ thì không còn trẻ, già thì chưa già, đi học ê, a cứ thấy kỳ kỳ sao ấy”, chị Hương tâm sự. Đến năm 2009, khi tham gia vào Hội Nông dân của ấp, chị Hương nhận được sự động viên, giúp đỡ từ các chị em trong hội, vậy là chị quyết tâm xóa mù chữ. Mỗi tuần ba buổi, sau những giờ làm lụng, chị Hương lại đến lớp nắn nót tập viết, đánh vần với từng con chữ. Những ngày đầu theo học, chị Hương thấy lúng túng, khó khăn lắm. Khó hơn cả làm việc đồng áng hay gia công may vá. Nhiều lúc thấy nản, chị định bỏ cuộc. Nhưng thấy thầy, cô giáo nhiệt tình, nhất là sự “hậu thuẫn” của ba đứa con thường xuyên chỉ bài giúp mẹ, chị Hương thấy mình phải cố gắng hơn. Sau khi xóa được mù chữ, chị học tiếp lớp 4, lớp 5 và đã hoàn thành chương trình giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ. Chị Hương cho biết, biết chữ đi đâu cũng thấy mình tự tin, xem báo, ti-vi cũng thấy hay hơn, học hỏi được nhiều hơn để dạy dỗ con cái.

Theo học tại Trung tâm GDTX huyện Nhà Bè, Nguyễn Minh Thuận ở xã Xuân Thới là một học sinh giàu nghị lực. Thuận chia sẻ, qua thông tin các báo, đài, em hiểu rõ rằng xã hội luôn tiến lên không ngừng, ai không học sẽ bị lùi lại. Học là việc phải thường xuyên, liên tục. Có nhiều cách để vào đời khác nhau, có thể là con đường học đại học chính quy hay nhiều hình thức học khác và em đã chọn Trung tâm GDTX của huyện để học tập.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, việc học tập của Thuận gặp nhiều vất vả, trở ngại, nhiều khi có nguy cơ bỏ dở giữa chừng. Với ý chí quyết tâm học để thoát nghèo, bớt khổ, nên ngoài giờ lên lớp, Thuận tranh thủ đi phụ bán cà-phê, bán cơm để kiếm tiền theo học. Sau ba năm theo học và tốt nghiệp bậc trung học ở trung tâm GDTX, kỳ thi đại học vừa rồi Thuận đã đỗ vào khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh. Thành tích bước đầu của Nguyễn Minh Thuận là phần thưởng xứng đáng, là nền tảng để em tiếp bước trên con đường lập thân, lập nghiệp.

Mới đây, huyện Nhà Bè được thành phố chọn làm lễ khai mạc phát động “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” lần thứ ba theo chủ đề “Học để làm cho mình và cộng đồng thêm hạnh phúc”. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Trần Hải Yến đây là dịp để tiếp tục nâng cao ý thức người dân về việc học tập suốt đời, xóa bỏ mọi rào cản, tăng cường cơ hội học tập cho mọi tầng lớp nhân dân; phát hiện và nhân rộng những mô hình mới, những nhân tố tích cực trong quá trình triển khai xây dựng xã hội học tập.

Với việc chú trọng xây dựng địa phương thành “huyện học tập”, đến nay, Nhà Bè đã có hệ thống cơ sở giáo dục tương đối đa dạng và đầy đủ, gồm 68 cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, sáu trường đạt chuẩn quốc gia, một trung tâm GDTX của huyện và bảy trung tâm giáo dục cộng đồng tại thị trấn và các xã. Đây là điều kiện thuận lợi để mọi người dân thuộc mọi lứa tuổi ở địa phương tham gia học tập suốt đời. . .

Bài và ảnh:LÊ MẠNH

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/tphcm/tin-chung/item/24528002-nha-be-xay-dung-%e2%80%9chuyen-hoc-tap%e2%80%9d.html