Nhà báo Trương Anh Ngọc: 'Nên dẹp ngày khai giảng vì không còn ý nghĩa như xưa'

Nhà báo Trương Anh Ngọc cho rằng ngày khai giảng hiện nay không cần thiết vì đã không còn giá trị là ngày đầu tiên trẻ đến trường, không còn ý nghĩa thực sự như ngày xưa nữa.

Sắp đến ngày khai giảng 5/9, nhiều người đặt câu hỏi có cần nữa không ngày khai giảng khi hiện nay, ngày khai trường lại không phải là ngày đầu tiên học sinh tới trường. Nhiều năm trở lại đây, ngày tựu trường lại là những ngày tháng 8.

Trong khi đó, ngày lễ khai giảng 5/9 lại được tổ chức mang tính hình thức, phô trương khiến cả học sinh và phụ huynh đều chán nản.

Xung quanh chuyên đề "Liệu có cần ngày khai giải năm học mới" của VTC News, nhà báo Trương Anh Ngọc đã bày tỏ quan điểm khiến dư luận chú ý.

 Dư luận đang tranh cãi gay gắt liệu có cần nữa không ngày khai giảng năm học mới?

Dư luận đang tranh cãi gay gắt liệu có cần nữa không ngày khai giảng năm học mới?

"Có còn cần ngày khai giảng nữa không khi học sinh ở nhiều nơi vào đầu tháng 8 đã đến trường, và nhiều nơi thực ra đã học ngay trước ngày 5/9?

Tôi nghĩ là không cần nữa, nên dẹp ngày khai giảng luôn, một khi bây giờ nó không còn có giá trị là ngày đầu tiên trẻ đến trường, không còn có ý nghĩa thực sự như ngày xưa nữa

Nhà báo Trương Anh Ngọc

Tôi nghĩ là không cần nữa, nên dẹp ngày khai giảng luôn, một khi bây giờ nó không còn có giá trị là ngày đầu tiên trẻ đến trường, không còn có ý nghĩa thực sự như ngày xưa nữa.

Ai đó sẽ nói ngày đó vẫn cần thiết. Trước hết, đó là ngày toàn dân đưa trẻ đi học, và sau đó là dịp để bọn trẻ ăn mặc đẹp, các trường tổ chức hoành tráng, cha mẹ các cháu và chính các cháu cảm thấy sung sướng, vì được đến trường.

Thực ra nếu chỉ vì như thế, ngày 5/9 cũng chẳng còn giá trị thực tiễn nữa, một khi người ta có thể cho trẻ mặc đẹp hàng ngày, chụp ảnh chúng rồi post lên mạng khi nào mình thích.

Một lễ khai giảng đơn thuần là vì mục đích hình thức như bao lễ lạt chúng ta đã thấy nhan nhản hàng ngày trên báo hoặc tivi, để các lãnh đạo đọc diễn văn và hứa hẹn thành tích (luôn là thế), để quay phim chụp ảnh, thì thực ra lại càng không cần thiết nữa.

Sự ham mê với kiến thức của đám trẻ, tình yêu trường lớp của chúng không phải ở ngày khai giảng hoành tráng đến đâu, mà ở việc chúng được học thế nào, bạn bè và cô giáo chúng cũng như chương trình học ra sao.

Chia sẻ của nhà báo Trương Anh Ngọc nhận được hơn 2.600 lượt thích và 154 lượt chia sẻ, 168 lượt bình luận trên Facebook.

Khai giảng sau khi bọn trẻ đã đến trường từ tháng 8 thực chất chỉ là câu chuyện hoàn toàn vô nghĩa mà người ta đã làm thành thói quen, khi kỳ nghỉ hè của bọn trẻ bị cắt ngắn, khi người ta tìm cách nhồi nhét cho trẻ chương trình mới từ sớm hoặc nghĩ đến trường là cách để ôn luyện bài cũ.

Bài liên quan

Tranh cãi gay gắt: Có cần nữa không ngày khai giảng năm học mới?

Tôi cũng không hiểu mấy suy nghĩ rằng cho trẻ đến lớp sớm là để chúng nhanh chóng quen bạn bè, thầy cô trước khi học thật (chúng không thể quen với điều đó sau ngày khai giảng 5/9 hay sao?).

Trừ những lý do đặc biệt buộc phải khai giảng sớm và học ngay, tôi nghĩ đã đến lúc phải nhìn lại một cách thiết thực về ngày khai trường.

Một khi người ta bắt con bạn phải đến trường nhiều tuần trước lễ khai giảng, đấy là lúc cái lễ đó chẳng có ý nghĩa gì nữa. Nếu cơ quan chủ quản về giáo dục cũng chỉ coi đấy là hình thức, phải tổ chức cho có, như một thói quen, chính họ cũng phải nhìn lại mình để thay đổi.

Bởi việc học không phải là hình thức, điểm số cao cũng không phải chỉ là những con số để khoe thành tích. Học là để thấm vào con người, để tạo ra những thế hệ tốt cho đất nước.

Tôi mong thế hệ ấy sau này sẽ làm thế nào đó để con cái chúng không phải khổ sở vì chuyện học, mà sẽ lấy việc đến trường làm vui. Chúng sẽ không còn bị bệnh hình thức và giáo điều như bây giờ. Khi ấy, chúng sẽ có những ngày hè trọn vẹn và chỉ đi học sau khi chính thức có khai trường".

Video: Thầy hiệu trưởng ở Hà Nội nhảy hiphop trong lễ khai giảng

>>> Đọc thêm: Tranh cãi gay gắt: Có cần nữa không ngày khai giảng năm học mới?

Nguồn VTC: http://vtc.vn/nha-bao-truong-anh-ngoc-nen-dep-ngay-khai-giang-vi-khong-con-y-nghia-nhu-xua-d345429.html