Nhà báo tống tiền DN: 'Bút sắc, lòng trong, tâm sáng' khó lắm thay?

Cứ mỗi lần có tin nhà báo nào đó bị bắt giữ quả tang vì tống tiền cá nhân hoặc doanh nghiệp là anh em trong nghề lại buồn lặng, chán nản.

Thậm chí có người còn cảm thấy ngượng ngùng bởi đồng nghiệp đã làm tổn thương danh dự của những người làm nghề báo Việt Nam.

Thực ra, trong xã hội “lao động là vinh quang”, không có nghề sang hay nghề hèn và nghề nào cũng có người tốt kẻ xấu. Vốn là lực lượng hành nghề có chữ nghĩa, có công cụ truyền thông, có nghề nghiệp trong tay, thì một vụ đồng nghiệp tống tiền sẽ được kích hoạt thành bão gió dư luận; các phóng viên đã không ngần ngại phơi bầy, mổ xẻ, phân tích nguyên nhân, hậu quả, bài học kinh nghiệm, dù rất đau xót.

Thật là đau xót, buồn lo khi làng báo gần đây liên tục nhiều phóng viên bị bắt vì tội... nhận tiền doanh nghiệp. Thật là chán nản và cảm thấy tổn thương khi đồng nghiệp bị bắt quả tang với gói tiền hàng chục triệu, hàng trăm triệu đồng, và dư luận lại được dịp xôn xao bàn luận, thị phi, trách mắng thậm chí sỉ vả người làm báo, nghề báo. Thì đây, toàn là tin nóng động trời đất, xới tung cả làng báo Việt Nam:

Ngày 4.8, Công an tỉnh Đăk Lăk tạm giữ hình sự nhà báo Nguyễn Thế Thắng (VOV ở Tây Nguyên) để điều tra hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”. Tối ngày 6.8, Công an Cần thơ đã bắt quả tang nhà báo Phạm Lê Hoàng Uyển - tạp chí Hướng nghiệp và Hoà nhập vì đòi tiền hai doanh nghiệp bất động sản để gỡ các bài báo viết về "dự án ma" của họ trên báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh. Điều đáng lo ngại là bà Uyển làm việc này không phải một mình. Theo đại tá Trần Ngọc Hạnh - Giám đốc Công an thành phố Cần Thơ: từ lời khai ban đầu của nghi phạm Uyển, có sự tiếp tay của một số người khác và "Hiện nay một mũi trinh sát của Công an thanh phố Cần Thơ đang tiếp cận làm việc với các đối tượng này để làm rõ”.

Trước đó, vào lúc trưa ngày 22.6, nhà báo Lê Duy Phong - Trưởng ban Bạn đọc báo điện tử Giáo dục Việt Nam (Giaoduc.net.vn) cũng bị Công an thành phố Yên Bái bắt quả tang nhận 50 triệu đồng từ một doanh nghiệp và tạm giam vì hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo điều 280 Bộ luật Hình sự. Sau đó vài ngày, công an đã triệu tập một số nhà báo có liên quan để điều tra.

 Phạm Lê Hoàng Uyển. Ảnh: Facebook nhân vật.

Vậy là, chỉ hơn một tháng, không chỉ ba nhà báo có nguy cơ chịu vòng lao lý mà sẽ còn nhiều nhà báo khác rất có thể cũng phải đứng trước vành móng bởi tội... tống tiền. Thật là xót xa cho cái nghề lương thiện có quyền lực viết bài khuyên nhủ, hướng dẫn bạn đọc sống tử tế, và cả làng báo sử dụng cây bút, sử dụng tờ báo như một vũ khí chống nạn tham nhũng đang hoành hành, thì một số vị lại phản nghề, bội bạc với nghề làm chuyện bất lương.

Thủ đoạn của các vị phóng viên tống tiền doanh nghiệp thường là: rung chà cá nhẩy. Lợi dụng thư bạn đọc gửi đến tố cáo doanh nghiệp là điện thoại cho giám đốc mặc cả đưa ra ánh sáng hay là không? Cũng có khi từ nội bộ doanh nghiệp đánh đấm nhau, thông tin tuồn ra thì đám nhà báo làm tiền này cũng nhanh nhảu viết bài in một hai kỳ rồi dừng lại để nghe ngóng. Tội đồ tự tìm đến xin gỡ bài, xin viết bài thanh minh nói lại và kèm theo tiền bạc. Đặc biệt, có trường hợp moi tiền có chủ trương kế hoạch. Thu thập tài kiệu, nhân chứng, viết dài kỳ. Tội đồ cuống lên, lo sợ. Một cú điện thoại từ đâu đó. Thế là gỡ bài. Gỡ 1 bài thì ít tiền, gỡ 2 bài thì tiền gấp đôi, cứ thế mà tăng giá. Chẳng hạn như nhà báo Phạm Lê Hoàng Uyển bị bắt quả tang khi nhận 280 triệu đồng kia thì: " thông báo cho giám đốc doanh nghiệp có liên quan nếu muốn gỡ 3 bài viết trên phải đưa cho Uyển số tiền 700 triệu đồng, nếu chậm thì báo tiếp tục đăng thêm một bài nữa, lúc đó muốn gỡ xuống thì số tiền phải 1 tỷ đồng". Cho nên, chúng ta thấy có những bài đã xuất hiện chình ình trên báo đang gây dư luận xôn xao dữ dội, bỗng dưng biến mất. Đôi khi bạn đọc nhầm lẫn rằng có lệnh gỡ bài; nhưng thực ra lại là một cuộc thương lượng, đi đêm, ngã giá. Tiền bạc có sức mạnh kinh khủng, sai khiến được mọi người như thế.

Thời nào, nghề nào cũng có người tốt kẻ xấu, nhưng chẳng hiểu tại sao thời bây giờ nhiều nhà báo lợi dụng nghề nghiệp kiếm chác, tống tiền, cưỡng đoạt tài sản nhiều hơn ngày thời trước? Cắt nghĩa thế nào thời cả nước chiến tranh, nhiều nhà báo tay súng tay bút ra trận; có những phóng viên chiến trường bị thương hoặc hi sinh bên máy quay phim, bên máy ảnh lúc đang tác nghiệp giữa hai làn đạn. Có phóng viên nào nghĩ đến một ngày nào đó đi qua chiến tranh rồi trở về sẽ đi viết ngợi ca một hợp tác xã nông nghiệp, một nhà máy, một công ty nào đó để nhận săm lốp, hay bánh kẹo, hoặc gạo nếp cá ao không? Có nhà báo nào ở phía sau dọa một ông chủ tịch xã, một giám đốc nhà máy, một anh trưởng phòng thương nghiệp sẽ viết bài đánh những sai sót của họ không? Rõ ràng là, một thời chiến tranh đạn bom mù trời, máu đổ đầu rơi mà không thấy nhà báo nào bị bắt giam vì tội... tống tiền. Nhưng bây giờ thì không thiếu, bây giờ thì hậu sinh nhưng không khả úy. Đành rằng, mỗi thời mỗi khác, “mọi sự so sánh đều là khập khễnh”, nhưng không đặt cái nọ cạnh cái kia thì biết cái nào dài ngắn, xấu tốt?!

Thực ra, thời bây giờ cũng có dăm bảy đường làm báo, có người hay kẻ dở. Cũng hành nghề báo thời hiện đại, nhưng nhiều phóng viên ngoi ngóp, lặn lội ra biên giới vùng sâu vùng xa, đêm ngủ không màn, ngày đi bộ leo dốc canh gác từng cột mốc chủ quyền, hoặc ra tận Trường Sa chịu cái nắng nóng, thiếu nước ngọt, rau xanh ăn ở cùng bộ đội để phản ánh đời sống và tinh thần nghị lực người lính bảo vệ lãnh thổ tổ quốc, thì lại có nhà báo bàn phím máy lạnh, chạy rông nhận phong bì, lại có kẻ tống tiền doanh nghiệp làm tổn thương danh dự người làm báo cả nước... là vì sao?

Chung quy cũng tại lòng tham. Lòng tham con người cũng giống như cái túi không có đáy, bao nhiêu tiền bạc cũng không đủ. Nhà tư tưởng Tuân Tử quan niệm: “Nhân chi sơ tính bản ác”. Trong mỗi con người đều có bản năng cái ác cái xấu, nên phải trừ khử, mà trước hết phải giáo dục, rèn luyện để đè bẹp, nhấn chìm cái xấu, cái ác không nổi lên. Lòng tham cũng là thói xấu của con người. Tham chức quyền, tham vật chất, tham tiền bạc,... Có loại người cứ thấy tiền thì mắt sáng lên và làm mọi cách để những đồng tiền ấy trôi về và đọng lại túi mình. Để thỏa lòng tham thì có người ăn cắp, ăn trộm, có kẻ tham nhũng, và cũng không thiếu kẻ lợi dụng chức quyền, nghề nghiệp để dọa nạt vơ vét, bòn rút tiền bạc của người lao động, của doanh nghiệp, mà các vị nhà báo tống tiền cá nhân, doanh nghiệp là một ví dụ.

Phạm Lê Hoàng Uyển (trái) tại cơ quan điều tra (ảnh Tuổi trẻ Online)

Tôi đồ rằng: Các vị nhà báo dọa nạt, tống tiền doanh nghiệp bị bắt có thể xảy ra một trong hai trường hợp:

Một là, “đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma”. Chuyện vòi vĩnh, đe nẹt doanh nghiệp để kiếm chác vốn thường xuyên, nhưng số may mắn, hoặc quá khôn lanh, vía to nên doanh nghiệp quá bết bát ấy sợ hãi không dám tố giác. Không bị phát hiện, thì cứ bình chân như vại làm ăn hết vụ này đến vụ khác. Bỗng một ngày, hết may mắn bởi lưới trời lồng lộng thưa mà khó lọt.

Hai là, tay bút quá yếu, nếu có nổi tiếng chẳng qua nhờ sự kiện, sự kiện qua đi thì cái tên cũng bị quên và suốt đời không có tiền. Nhà báo giỏi thì bao giờ cũng sống được bằng ngòi bút. Kiến văn rộng, sâu. Bút lực mạnh. Giọng báo có cá tính. Bạn đọc nhiều. Các tòa soạn chào mời, chèo kéo. Được tôn trọng. Nhuận bút cao. Sống đoàng hoàng bằng ngòi bút sáng tạo chân chính. Đủ lòng tự trọng và say mê để toàn tâm toàn ý viết báo, vừa nói được cái chí, cái tình, cái hoài bão của mình với bạn đọc, mà tiền bạc lại rủng rỉnh. Cảm xúc và thời gian đâu để hoài phí dành cho chuyện lê la, gặp gỡ, tính toán kiếm chác bòn rút tiền doanh nghiệp. Với lại, lòng tự trọng của nhà báo lớn lắm, tiền bạc nào của tiểu nhân đem ra đo được lòng quân tử? Chỉ có loại nhà báo năng lực viết kém, dặt dẹo không sống nổi với ngòi bút, cộng với lòng tham vô đáy mới lợi dụng nghề moi tiền của người khác.

Nhà báo, hãy sống bằng ngòi bút chân chính của mình.(ảnh Internet)

Phóng viên điều tra làm chuyện pháp luật cấm, nhưng nghiệp vụ làm báo quá yếu, kỹ năng sống quá tồi nên mới bị doanh nghiệp sỏ mũi. Đã là phóng viên điều tra thì có lúc phải mai danh ẩn tích, đi không khói, nói không tiếng, linh cảm tốt để không bị cài bẫy sa cơ. Phóng viên điều tra gì mà dọa nạt, bắt ép doanh nghiệp đưa tiền ngang nhiên dưới ánh mặt trời trong bữa nhậu. Nghiệp vụ kém và còn cả tin, hoặc quá tự tin nữa. Cứ tưởng ngòi bút của mình là quyền nghiêng thiên hạ, ai cũng phải hãi sợ răm rắp tuân theo. Cái giống đã ăn được của người vài lần rồi là sinh kiêu ngạo, coi trời bằng vung, cứ nghĩ người có sai lầm khuyết điểm sẽ cúc cung tận tụy hầu hạ, dâng biếu.

Vả lại, các vị nhà báo làm báo đồng nghĩa với làm tiền ấy không biết rằng: Người ta đã là doanh nhân lãnh đạo điều hành một doanh nghiệp hoặc chuỗi doanh nghiệp thì cũng “không phải dạng vừa đâu”. Cũng đổ mồ hôi sôi nước mắt, cũng lấm láp, đau đớn, bị vùi dập, chết đi sống lại ở thương trường khốc liệt đấy. Thời bây giờ làm ăn đâu chỉ có một mình, người nọ dựa vào kẻ kia, rồi các mối quan hệ doanh nhân – quan chức... đủ mạnh để triệt hạ một con người, một đối thủ kinh tế khác. Cho nên, mấy anh phóng viên, mấy chị nhà báo trong mắt họ, so với kỹ năng và mưu cơ của họ, thì... không to đâu. Họ sợ lẽ phải, sợ làm sai, sợ pháp luật, nhưng sẽ sẵn sàng dùng mưu mẹo để bảo toàn danh tiếng hoặc cứu vãn uy tín của mình. Muốn không phải đối đầu với các doanh nhân không phải dạng vừa đâu, các nhà báo chỉ nên đối thoại và sống chân tình với nhau, đừng đem nghề báo ra dọa nạt người khác. Vỏ quýt dày thì có móng tay nhọn mà.

Người làm báo yêu cầu đầu tiên để hành nghề là... trung thực. Trung thực không chỉ trong chữ nghĩa hành nghề, mà cả ở các mối quan hệ ngoài đời. Hành nghề mà có tấm lòng trung thực và nghiệp vụ giỏi thì thông tin đúng, ngược lại thì đưa tin sai. Sai sẽ kéo theo hàng loạt cái sai khác, ảnh hưởng đến số phận một con người, đến một cộng đồng. Ngoài đời mà không trung thực thì dễ dẫn đến lợi dụng nghề để mưu lợi kiếm chác bất minh. Trên trang báo, sự trung thực và giả dối đôi khi cũng khó phân biệt, nếu như chữ nghĩa qua bàn tay của một tác giả khéo nghề. Ngoài đời, sự giả dối cũng khó nhận diện, nếu như cái sai này được cái xấu khác tiếp tay. Hầu hết các vụ nhà báo tống tiền cá nhân, hay doanh nghiệp đều do phía bị moi tiền phản đòn, sử dụng chiêu trò cũ rích “gậy ông lại đập lưng ông” rất hiệu quả. Nhà báo, hãy sống bằng ngòi bút chân chính của mình.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Nhà văn Sương Nguyệt Minh

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/nha-bao-tong-tien-dn-but-sac-long-trong-tam-sang-kho-lam-thay-212116/