Nhà báo Thái Duy: Trọn đời làm báo Mặt trận

Trong số những người làm báo Mặt trận, ông là trường hợp đặc biệt. Ông tham gia làm báo Cứu Quốc, gây dựng báo Giải Phóng và trở về viết báo Đại Đoàn kết cho đến tận bây giờ. Vào báo Cứu Quốc từ sau Cách mạng Tháng 8, gắn bó với Cứu Quốc suốt những năm kháng chiến chống Pháp. Hòa bình về Hà Nội được một thời gian thì vượt Trường Sơn vào Nam, làm phóng viên chiến trường cho báo Giải Phóng. Sau ngày đất nước thống nhất, ông lại trở về với Đại Đoàn kết.

Bác Hồ tiếp đoàn Đại biểu Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam
năm 1966 tại Phủ Chủ tịch. Từ phải qua: Nhà văn Trần Đình Vân (Thái Duy),
Bác Hồ, nhà văn Phan Tứ và nhà thơ Tố Hữu.

Chức vụ to nhất của cuộc đời ông là 2 chữ: Phóng viên.

Gọi điện để thuyết phục rằng sắp kỷ niệm 75 năm ngày ra đời báo Cứu Quốc, cháu muốn đến phỏng vấn bác. Ông giãy nảy lên từ chối. Bảo thế cháu sẽ tự viết. Ông cương quyết: Viết về tôi làm gì, đi viết về người khác. Rồi nghe tôi nì nèo, cuối cùng ông nói: Tùy cô.

Đặt máy xuống mới nghĩ cũng khó thật. Viết về ông bao nhiêu cũng chưa đủ. Cho nên, trong bài viết này, chỉ có 2 chuyện của nhà báo Thái Duy thôi. Lần ông đi viếng đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp và việc ông in sách “Khoán chui hay là chết”.

1. Đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp là lần hiếm hoi ông đồng ý một cách rất dễ dàng khi tôi gọi điện đề nghị được phỏng vấn. Hôm ấy, còn chưa đến lễ viếng chính thức Đại tướng, mới chỉ có nhà 30 Hoàng Diệu mở cửa cho nhân dân vào. Biết là chiều hôm trước ông đã đến 30 Hoàng Diệu, buổi sáng hôm ấy tôi gọi điện đến nhà bảo cháu sẽ qua thì nhà báo Thái Duy dặn cứ ngồi ở tòa soạn chờ, ông sẽ tự đến. 10h chưa thấy ông, tôi gọi điện, nghe người nhà bảo ông đi từ sáng rồi, đoán chắc ông lại đi qua 30 Hoàng Diệu. Quả nhiên, 10h30 ông mới về tới tòa soạn, mí mắt mọng nước : Mấy hôm nay ngày nào tôi cũng đi bộ dọc đường Hoàng Diệu, đến đám tang không thấy buồn, mà thấy vui quá, qua Đại tướng thấy nhân dân vĩ đại. Đời tôi không ngờ sau đám tang Bác Hồ lại được chứng kiến một lần toàn dân làm quốc tang, toàn dân đoàn kết đến như vậy.

Thú thực, biết tình cảm sâu nặng ông dành cho Đại tướng, nhưng mấy ngày hôm ấy, nhìn những cơn xúc động của một ông già ở tuổi xấp xỉ 90, chúng tôi chỉ lo ông ốm. Buổi phỏng vấn ngay tại tòa soạn báo Đại Đoàn kết với nhà báo Thái Duy về Đại tướng Võ Nguyên Giáp hôm ấy diễn ra trong tâm trạng đầy lo lắng của chúng tôi. Ông nhiều lần xúc động. Đã có lúc tôi định dừng câu chuyện lại. Nhưng rồi nhìn ông vẫn say sưa muốn nói về Đại tướng nên lại nghĩ không nên dừng. Cuối cùng, đó là một bài phỏng vấn in dài 2 trang báo. Còn ông, sáng hôm sau nữa vẫn đủ sức khỏe xếp hàng vào viếng Đại tướng ở Nhà tang lễ Quốc gia.

Hôm ấy, còn nhớ ông kể : “Những người tuổi như tôi thì đều được gần Đại tướng, biết ông và kính trọng ông, một người có phẩm chất tuyệt vời! Ngày trước, tôi là người chấp bút những bài viết của Đại tướng về đại đoàn kết dân tộc, đem đến để ông sửa, ông sửa kỹ lắm. Cá nhân tôi và các bạn tôi, từ lâu rồi đã thấy, sau Bác Hồ là cụ Giáp. Thế nhưng tôi vẫn chưa dám nghĩ 100% như vậy, nay tôi cũng như nhiều bạn già khác kinh ngạc, phải đến tận nơi để chứng kiến thì thấy nhân dân cũng nghĩ như chúng tôi.”

2. Năm 2013, nhà báo Thái Duy xuất bản cuốn “Khoán chui hay là chết” (NXB Trẻ ấn hành). Đó hơn 300 trang sách tập hợp những bài báo của ông đã in trên báo Đại Đoàn kết tập trung chủ yếu trong 2 năm 1980, 1981 về một chủ đề: Khoán “chui” trong nông nghiệp. Thời điểm của những bài báo đó là thời điểm “đêm trước của Đổi mới”. Sau này, vấn đề khoán trong nông nghiệp mà trước đó phải xé rào làm chui đã trở thành chủ trương lớn, những cá nhân dũng cảm xé rào đã được ghi nhận, được tôn vinh. Nhưng 300 trang sách về một câu chuyện đã thuộc về lịch sử lại nóng bỏng tính thời sự của ngày hôm nay về lòng Dân, ý Đảng, về hạnh phúc và cơm no áo ấm cho nhân dân…

Tôi được ông gửi tặng cho cuốn sách. Đọc xong cũng có viết một bài giới thiệu ngắn trên báo nhà. Ông gọi điện phàn nàn: Cô cứ viết quá, tôi lại xấu hổ với mấy ông bạn già.

Sở dĩ trong bài viết này, tôi muốn nhắc lại cuốn sách một lần nữa là để nói về cuộc đời làm phóng viên của Thái Duy. Vào thời điểm nhà báo Thái Duy viết về “khoán chui” – bối cảnh lịch sử của cuốn sách, ông đã ở độ tuổi ngoài 50. Tức là lúc ông đã trải qua những ngày làm báo Cứu Quốc trong kháng chiến chống Pháp, trải qua suốt những ngày vượt Trường Sơn vào Nam làm phóng viên báo Giải Phóng viết “Sống như Anh” (bút danh Trần Đình Vân), trải qua thời kỳ làm phóng viên ở chiến trường Lào…. Vậy mà ở tuổi ngoài 50, chỉ trong 2 năm 1980-1981, ông viết hàng trăm bài báo trải đều ở khắp các địa phương trong cả nước. Bài nào cũng ngồn ngộn thông tin, không phải ngồi một chỗ viết, mà xuống tận từng cách đồng, từng hợp tác xã, gặp từng người nông dân… Hàng trăm bài báo đăng trên báo Đại Đoàn kết 2 năm 1980-1981 ấy phản ánh và chứng minh thực tế: Nơi nào dân “xé rào” làm “khoán chui”, tức là không áp dụng “khoán việc” theo kiểu đánh kẻng đi làm, mà khoán việc, khoán hộ thì nơi đó đời sống nhân dân ấm no, sung túc.

Lúc ấy đã ở độ tuổi ngoài 50, đã trải qua những gian khổ và vinh quang nghề nghiệp, quen biết và thân thiết với nhiều lãnh đạo cấp cao trong suốt 2 cuộc kháng chiến, mà ở ông không hề có một chút tâm lý “công thần”. Ông suốt đời mình chỉ viết và chỉ làm một việc mà ông say mê là làm phóng viên. Suốt 2 cuộc kháng chiến, ông luôn ở “mũi nhọn” của một tòa soạn báo, tức là nơi chiến trường gian khổ ác liệt nhất. Còn sau ngày đất nước thống nhất, phóng viên Thái Duy tiếp tục đi tiên phong với những đề tài gai góc nhất đặt ra trong đời sống xã hội những năm đất nước bao cấp với những dự cảm mới về cuộc sống nhân dân.

Dù công cuộc “khoán chui” được bắt đầu từ Bí thư Kim Ngọc ở Vĩnh Phúc từ tận năm 1966, dù Hải Phòng cũng đã là địa phương đi đầu trong khoán hộ, dù “khoán chui” đã có được sự ủng hộ của cá nhân những đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, nhưng đến những năm đầu thập kỷ 1980, thời điểm Thái Duy viết những bài báo về khoán chui, cuộc đấu tranh giữa 2 cách làm vẫn gay gắt, quyết liệt. Không khí cả nước lúc ấy vẫn là khí thế hừng hực của “làm chủ tập thể”. Trong cuốn sách, nhà báo Thái Duy viết: “Không thể chịu đói nghèo mãi, một số hợp tác xã nông nghiệp khoán ruộng của tập thể cho hộ xã viên, lặng lẽ chuyển sang khoán hộ, nơi nào khoán hộ cũng giấu huyện, giấu tỉnh nên gọi là “khoán chui”. Trên cấm khoán chui rất nghiêm ngặt, một số đảng viên bị khai trừ, một số đảng viên bị kỷ luật, nhưng khoán chui đã là một xu thế không thể đảo ngược”.

Nhắc lại như thế để thấy tính chất tiên phong của báo Đại Đoàn kết, đã đi đầu trong việc ủng hộ cách làm này ở một số địa phương. Nhà báo Thái Duy trong cuốn sách, nhiều lần nhắc đến vai trò của Tổng biên tập Lê Điền lúc ấy.

3. Suốt đời chỉ làm báo Mặt trận không làm việc gì khác, chưa từng chuyển cơ quan nào, chưa từng đảm nhận một chức vụ nào, phóng viên Thái Duy trở thành một tên tuổi được kính trọng trong làng báo. Nếu nói theo ngôn ngữ của ngày hôm nay ông là một tác giả “best seller” với cuốn sách “Sống như Anh” từng in hàng triệu bản, từng dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, từng tái bản rất nhiều lần. Cả đời mình chắc ông phải từng viết tới vạn bài báo mà rất nhiều trong số ấy từng làm cho Cứu Quốc – Giải Phóng – Đại Đoàn kết trở nên hấp dẫn bạn đọc.

Cẩm Thúy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/nha-bao-thai-duy-tron-doi-lam-bao-mat-tran/129508