Nhà báo Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Thị Thao nói gì về hai buổi ra mắt sách 'sốt sình sịch''

Trên trang Facebok cá nhân, hai nhà báo Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Thị Thao có những quan điểm nhận nhiều sự quan tâm của dư luận về hai buổi ra mắt sách "hoành tráng" vừa diễn ra.

Chỉ cách nhau vài ngày, hai buổi ra mắt sách của hai tác giả Trần Uyên Phương và Phạm Tuấn Sơn đang nhận nhiều sự quan tâm của những đồng nghiệp trong nghề trong đó có nhà văn nhà báo Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Thị Thao.

Trong 2 ngày 14 và 16, hai cuốn sách được hai tác giả kể trên tổ chức họp báo rầm rộ với những ‘chiêu trò’ không giống ai. Tác giả Trần Uyên Phương ra mắt cuốn sách ‘Chuyện nhà Dr Thanh’ khi viết lại những câu chuyện về gia đình mình từ khi cô còn là một cô tiểu thư 'cành vàng lá ngọc' đến tận ngày hôm nay. Điều đáng nói là khác với những lần ra mắt sách của các nghệ sĩ khác, tác giả Trần Phương Uyên tổ chức tại một khách sạn 5 sao, mời nhiều gương mặt nghệ sĩ đến tham dự như NSND Chí Trung, Á hậu Huyền My và rất nhiều gương mặt có quyền thế, các đơn vị truyền thông và có cả những tiết mục ca nhạc đặc sắc.

Tác giả Trần Uyên Phương ra mắt sách 'Chuyện nhà Dr Thanh'.

Còn với cuốn sách ‘Dạy làm giàu, tác giả Phạm Tuấn Sơn còn tỏ rõ sự chịu chơi khi thuê hẳn sân vận động Tự Do tại Thừa Thiên - Huế là nơi họp báo ra mắt sách.

Điểm nhấn của buổi ra mắt sách là màn ông ngồi khinh khí cầu đến độ cao nhất định để rải các bao lì xì tiền cho nhiều người ở sân vận động đón lấy. Trong quá trình thực hiện, bao lì xì bay ra ngoài khu vực sân vận động. Nhiều người nhặt được các phong bì đựng tiền mệnh giá 5.000 và 10.000 đồng ở đường Nguyễn Thái Học, bên sân vận động Tự Do.

Tác giả cho biết tiết mục này được dàn dựng để ghi hình với hơn 150 diễn viên quần chúng. Ông cho rằng êkíp không lường trước việc tiền bay ra khỏi khu vực giới thiệu sách. Nhiều độc giả nhận xét hành động rải tiền thật không phù hợp văn hóa nói chung.

"Là tác giả, đồng thời là người đưa ra ý tưởng rải tiền, tôi xin lỗi các cơ quan chức năng và công chúng vì sự việc đáng tiếc", ông Sơn nói.

Sau 2 sự kiện ra mắt sách kể trên, nhà văn nhà báo Lê Thiếu Nhơn viết: “KHÁT VỌNG RA MẮT SÁCH HOÀNH TRÁNG!

In xong cuốn "Hoa rơi hữu ý", chị Thủy - Giám đốc NXB hỏi mình có muốn làm buổi ra mắt sách không? Mình ậm ừ rồi lắc đầu, bởi hai lý do. Thứ nhất, mình quen ngồi lặng lẽ trước bản thảo, không biết cách xuất hiện trước đám đông để khua môi múa mép. Thứ hai, tác phẩm của mình có giá trị đến đâu mà khoa trương vô lối, không khéo "y phục bất xứng kỳ đức".

Dòng chia sẻ của nhà văn Lê Thiếu Nhơn.

Ý kiến của độc giả trên Facebook Lê Thiếu Nhơn.

Thế nhưng, tình cờ nghe ngóng về hai buổi ra mắt sách mới đây, khiến mình suy nghĩ khác...

Thứ 4, ngày 14-6, cuốn "Chuyện nhà Dr Thanh" ra mắt ở khách sạn 5 sao Sài Gòn, có cả NSND Chí Trung - Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ bay từ Hà Nội vào làm MC và hàng loạt ca sĩ ngôi sao lẫn nhạc sĩ xôi thịt đến hát hò ầm ĩ chúc mừng! Đáng nể! Thứ 6, ngày 16-6, cuốn "Dám làm giàu" ra mắt ở sân vận động Huế. Như báo Tuổi Trẻ tường thuật, tác giả không chỉ bay lơ lửng trên khinh khí cầu mà còn rải tiền từ trời xuống đất để truyền cảm hứng "mưa tài lộc" cho công chúng. Càng đáng nể!

Cũng may mình không làm buổi ra mắt sách, tránh được một phen chết ngượng vì xấu hổ với hai sự kiện ấn tượng kia. Mình rút tỉa được kinh nghiệm: những tác giả chỉ biết cầm bút thì hãy tình nguyện nhường sân chơi sách cho các đại gia, nếu không muốn chuốc lấy ê chề!

Ôi, nỗi thèm thuồng ra mắt sách hoành tráng... Đành u uất gào lên "em có một ước ao, em có một khát khao... làn da trâu... làn da trâu... ".

P/S: Tác giả với một bao tiền mang lên khinh khí cầu để ném xuống mảnh đất cố đô thơ mộng bên bờ sông Hương”.

Nhà báo Nguyễn Thị Thao cũng có ý kiến riêng về sự việc này:

''Sinh nhật, mình nhận được lời chúc qua FaceBook: "nhanh quá, con đã 41 tuổi, ảnh con năm 2 tuổi rất đáng yêu" kèm theo bức ảnh bà già bế mình cách đây 39 năm.

Mình nhắn lại ngắn gọn "con cảm ơn", rồi ngồi lặng đi, nước mắt cứ thế ứa ra, giàn giụa. Trong sâu thẳm, mình rất muốn nói nhiều điều tình cảm với bà, nhưng không thể.

Dòng chia sẻ của nhà báo Nguyễn Thị Thao.

"Tình yêu cha mẹ dành cho con là vô hạn, tình yêu con dành cha mẹ là hữu hạn". Chu Dung Cơ, trong tâm sự tuổi già đã đúc kết. Ngẫm lại, mình thấy đúng, gần như chưa bao giờ mình thể hiện bằng lời nói, thậm chí khi dành hàng vạn chữ cho người đời, thì mình cũng chưa viết nổi một trang giấy thể hiện tình cảm của đứa con cho cha mẹ.

Hôm qua trong Sài Gòn, mình nhận được lời nhắn, qua GEM chơi không? Ở đây đang diễn ra buổi lễ rất náo nhiệt. Lễ ra mắt sách của một cô gái viết về cha mình.

Sách có tựa đề "Chuyện nhà Dr Thanh" do cô con gái cả Trần Uyên Phương viết về cha mình - ông Trần Quí Thanh. Sách dày hơn 200 trang và được tác giả cho biết đã ấp ủ 10 năm nay.

Mình tự nhiên bật cười. Rồi từ chối.

Tối qua, mình cũng dự một buổi ra mắt sách, sách về một thiên tài quân sự Việt Nam, đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Buổi lễ chỉ gói gọn trong phạm vi các tác giả, đại diện gia đình Đại tướng và một số nhà báo thân thiết. Ngồi cùng bàn mình là người con gái của Đại tướng, một phụ nữ ngoài 60 tuổi, nhỏ bé và hiền lành. Suốt buổi giới thiệu sách, bà im lặng, nhưng quan sát kĩ, thấy trong khóe mắt bà luôn ánh lên khi nhóm nghiên cứu nhắc đến những kỉ niệm về ông.

Cuối buổi, bà đứng lên cảm ơn nhóm tác giả đã xuất bản cuốn sách về cha mình, bà nói, qua cuốn sách, bà hiểu thêm về cha mình ở những góc khuất khác mà chính bản thân bà chưa biết, bởi Đại tướng mất khi bà và các anh chị em còn quá nhỏ, cảm ơn góc nhìn từ hậu thế của nhóm tác giả trẻ về người cha của mình. Lời bà nhẹ nhàng và giản dị nhưng không giấu nổi niềm tự hào về cha mình.

Sẽ là khó so sánh tình cảm của mình, cô gái ngàn tỉ Trần Uyên Phương hay con gái một Đại tướng, ai yêu quý cha mẹ mình hơn.

Và mình cũng chưa đọc cuốn sách viết về ông Trần Quí Thanh. Nhưng quả thực, đọc qua những lời giới thiệu, một người con viết về cha mình như một vĩ nhân khi ông còn sống, viết về những mối tình của cha mình như một nhân chứng, viết về quá trình gian khổ của cha xây dựng cơ nghiệp, mặc dù đến nay đế chế đó trị giá hàng ngàn tỉ đồng, thì vẫn có gì đó gờn gợn trong suy nghĩ của người đọc.

Cái gờn gợn nằm ở sự khoa trương của lễ ra mắt, nằm ở lời giới thiệu nhân vật cha mà như một vĩ nhân đương thời, nằm ở những tin đồn vô cùng xấu của ông đối với con cái, về sở thích bài bạc và rượu chè. Và về ... ruồi.

Dĩ nhiên, lòng yêu cha mẹ của con cái là thứ không nên mang ra cười cợt, bất kể cách thể hiện thế nào và bất kể đó là ai. Nên có lẽ, mình sẽ mượn ai đó cuốn này đọc để xem cảm giác mình có đúng không?

Dù khác biệt về văn hóa, về vùng miền, về vị trí xã hội ... thì tự cổ chí kim, tình yêu con cái dành cho cha mẹ, càng nói ra thì càng thiếu. Phỏng ạ.

Phía dưới bình luận, nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm của hai nhà báo nói trên.

Tuấn Anh

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/giai-tri/nha-bao-le-thieu-nhon-nguyen-thi-thao-noi-gi-ve-hai-buoi-ra-mat-sach-sot-sinh-sich-189597/