Nhà báo Hàn Ni (Báo SGGP) tác giả loạt bài về 'cafe xin chào': 'Thấy sai mà không lên tiếng cũng là một tội ác'

Chuyện các nhà báo làm điều tra bị hành hung, đe dọa, mua chuộc, vu vạ… là điều khó tránh khỏi. Đặc biệt, với nữ nhà báo việc đối mặt với hiểm nguy lại càng không dễ dàng. Chưa kể, chuyện đi đêm về hôm, chuyện gia đình chồng con bị đe dọa, chuyện khó hoàn thành vai trò người phụ nữ trong gia đình càng nặng nề hơn…

Nhà báo Hàn Ni: “Đừng để những cái sai rơi vào im lặng”.

Nhà báo Hàn Ni: “Đừng để những cái sai rơi vào im lặng”.

Duyên nợ với “Xin chào”

Cái tên Hàn Ni gắn liền với vụ án “Xin chào”. Đầu năm 2016, vụ án “Xin chào” thực sự đã tạo nên một tâm chấn mạnh mẽ trong làng báo chí nói riêng và dư luận cả nước nói chung. Điều đáng nói, người đã tạo nên điều đó là một nữ nhà báo với vẻ bề ngoài dịu dàng, thân thiện nhưng ẩn chứa bên trong là một bản lĩnh thép với trái tim nóng và cái đầu lạnh trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Nói về hành trình đến với loạt bài điều tra gây tiếng vang trên, nhà báo Hàn Ni chia sẻ: “Tôi không tiếp nhận vụ việc qua đường báo chí mà là trong một buổi “trà dư tửu hậu” với bạn bè. Hôm đó, trong một bữa cơm tối, người bạn đang công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy có tâm sự: “Bữa nay đi khám bệnh mà phải ngồi cả buổi với bà bệnh nhân bị cao huyết áp”. Hỏi ra mới biết, nữ bệnh nhân đó vừa trải qua một cú sốc tâm lý khá lớn. Bà chính là mẹ ông Tấn (chủ quán Xin Chào). Câu chuyện của bà xoay quay những nỗi uất ức, nghẹn đắng về cậu con trai sắp phải hầu tòa vì một lý do rất đỗi hài hước. Với cái máu nghề nghiệp luôn sục sôi trong người mỗi khi nghe thấy chuyện bất bình, tôi hỏi dồn người bạn. Để minh chứng cho những lời mình nói, anh bác sĩ đã gọi về bệnh viện để xin địa chỉ kèm số điện thoại liên lạc của nữ bệnh nhân đang mang trong mình câu chuyện kì lạ trên”.

Trở về sau cuộc gặp gỡ, nhà báo Hàn Ni bắt tay vào việc tìm hiểu ngọn ngành câu chuyện về vụ án “Xin chào”. Thông qua các mối quan hệ quen biết, chị bắt đầu tiếp cận với những văn bản, tài liệu đầu tiên bao gồm: Kết luận điều tra của cơ quan Công an, cáo trạng của Viện kiểm sát và biên bản xử phạt. Tuy nhiên, với từng đó tài liệu, vẫn chưa đủ để có thể đưa ra một đánh giá nào về vụ việc. Với kinh nghiệm của một nhà báo chuyên làm mảng điều tra, chị hiểu rằng, đằng sau các vụ án có vấn đề nhiều khi lại nằm trong chính các bút lục. Bằng những nỗ lực không ngừng, cuối cùng tổng cộng 300 trang hồ sơ về vụ án trên đã nằm trong tay nữ nhà báo Hà Ni.

Đúng dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, trong khi người người, nhà nhà lên kế hoạch đi đây đi đó thì nhà báo Hàn Ni chọn cho mình công việc nghiên cứu hồ sơ. “Những chi tiết quan trọng trong hồ sơ, tôi tô màu rồi dán lên tường. Càng đọc, càng thấy có quá nhiều vấn đề vô lý. Nhưng để chắc rằng mình không đánh giá chủ quan, tôi hẹn gặp hai người bạn (một làm trong ngành công an, một làm ở tòa án) để nghe thêm ý kiến đánh giá về toàn bộ sự việc. Đến khi đã chắc chắn với các nhận định của mình, tôi quay về nhà, quyết định viết bài. Tôi cố gắng diễn đạt thật ngắn gọn để giúp bạn đọc dễ hiểu nhất, nhưng cũng không bỏ sót chi tiết quan trọng nào. Kết thúc bài viết, công cụ đếm chữ trên chiếc máy tính xách tay báo dung lượng là 1.900 từ. Không thể tiếp tục cắt chữ để nén thêm thông tin câu chuyện liên quan đến số phận pháp lý của một con người, tôi đề xuất tòa soạn phá lệ đăng dài hơn quy định”, nhà báo Hàn Ni tâm sự.

Mọi người luôn ở bên

Nữ nhà báo Hàn Ni tiếp các bạn đọc. ảnh: T.G

Chia sẻ về những khó khăn, hiểm nguy khi tham gia những vệt bài điều tra, nữ nhà báo Hàn Ni thật thà nói: “Bất cứ nghề nghiệp gì cũng có những khó khăn, vất vả của nó. Ngay từ lúc đầu lựa chọn nghiệp viết lách, tôi đã tự dặn lòng mình phải biết đấu tranh cho lẽ phải, bởi thấy sai mà không nói thì đó cũng chẳng khác nào một tội ác. Riêng ở vụ án “Xin chào”, trước khi đi vào tìm hiểu và khởi đăng loạt bài, có luồng ý kiến cho rằng sự việc đụng chạm tới nhiều cán bộ, lãnh đạo có chức, có quyền, nếu đi tới cùng sẽ nguy hiểm tới bản thân và gia đình. Nghe vậy, tôi chỉ nở một nụ cười và không bình luận gì thêm. Bởi quan điểm sống cũng như nguyên tắc nghề nghiệp của tôi rất rõ ràng, nếu sợ thì không làm, nếu đã làm thì sẽ dám chấp nhận. Thật ra, mục tiêu bài viết của tôi là nêu lên những vấn đề bất cập khi một điều luật mà khiến cho người thi hành có thể hiểu khác nhau thì sẽ rất nguy hiểm. Và mục tiêu bài viết của tôi cũng chỉ bảo vệ người dân tránh khỏi oan ức chứ không có ý “đánh” người này người kia nên nếu sau bài viết có người làm sai thì người đó nhận lấy bài học kinh nghiệm chứ chẳng ai lại đi trả thù vì cái sai của mình. Trong các vụ án hình sự, để bảo vệ cái đúng thì sẽ có một bên làm sai. Hơn ai hết, những người tiến hành tố tụng hiểu rõ điều đó. Nếu họ trả thù tôi vì tôi làm sáng tỏ vụ việc, thì trong cuộc đời làm việc mỗi cán bộ ngành tư pháp đấu tranh với hàng trăm, hàng ngàn vụ án, hổng lẽ đều bị trả thù”.

Điều quan trọng, sau tất cả, bên cạnh nhà báo Hàn Ni luôn có gia đình cùng bạn bè, đồng nghiệp luôn ở bên động viên, hỗ trợ cho những cuộc chiến vì lẽ phải của chị. Về phía lãnh đạo Báo Sài Gòn Giải Phóng xưa nay vẫn luôn thận trọng với bài viết. Do vậy, sau loạt bài quán cà phê “Xin chào”, bạn đọc tin tưởng và gửi gắm nhiều hồ sơ vụ việc hơn. Đó chính là niềm tin của bạn đọc vào tờ báo.

Khi ngày 21/6 đang cận kề, với vai trò là một nữ nhà báo làm mảng điều tra, để vừa hoàn thành công việc tòa soạn giao, vừa hoàn thành trách nhiệm, nghĩa vụ của người vợ, người mẹ, nhà báo Hàn Ni đã gửi đôi lời nhắn nhủ tới bạn bè đồng nghiệp: “Trách nhiệm với từng câu chữ, từng nội dung bài viết – đó là nhiệm vụ của người cầm bút. Còn với người viết điều tra, phải chịu nhiều áp lực, nhưng cái sướng của nghề là góp phần đem lại công bằng, làm sáng tỏ các vụ việc sai trái. Do vậy, việc học luật với người viết điều tra là điều cần thiết, học không có nghĩa là tới trường mà thường xuyên đọc, nghe, trao đổi với giới chuyên môn và up-date pháp luật. Riêng với nhà báo nữ, có ai bảo lo cho gia đình mà không làm được việc đâu, nếu hết lòng với cuộc đời thì quán xuyến được hết. Gia đình với sự nghiệp không phải là hai việc đem ra đánh đổi nhau, mà là sự dung hòa, nếu dung hòa tốt thì vẹn cả đôi đường”.

Ngày 18/8/2015, ông Tấn bị Công an huyện Bình Chánh ra quyết định xử phạt do bán cà phê giải khát, ăn sáng... khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Gần một tháng sau, công an lại kiểm tra quán và cho rằng ông Tấn kinh doanh khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Tấn sau đó bị khởi tố về hành vi “Kinh doanh trái phép”.

Cách chức những cán bộ làm sai

Sau khi báo chí phản ánh về việc ông Nguyễn Văn Tấn (chủ quán Cà phê Xin Chào) bị khởi tố, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp chỉ đạo Chủ tịch UBND TP.HCM khẩn trương kiểm tra, làm rõ vụ việc. Thủ tướng cũng có ý kiến đề nghị Viện trưởng VKSNDTC kiểm tra thông tin liên quan đến việc xử lý hình sự về hành vi kinh doanh trái phép đối với ông Nguyễn Văn Tấn. Ngày 23/4, Viện trưởng VKSNDTC đã kết luận hành vi của ông Tấn không phạm tội kinh doanh trái phép. Viện trưởng Viện KSND TP HCM đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác với ông Lê Thanh Tòng, Phó Viện trưởng Viện KSND quận 6 (nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Bình Chánh) và Kiểm sát viên Hồ Văn Son (người trực tiếp tiến hành tố tụng vụ án này). Cũng liên quan đến vụ án này, Đại tá Nguyễn Văn Quý - Trưởng Công an huyện Bình Chánh đã bị kỷ luật bằng hình thức cách chức. Ông Quý là người ký quyết định khởi tố bị can và kết luận điều tra đối với ông Nguyễn Văn Tấn về hành vi Kinh doanh trái phép. Hai phó Đội trưởng Đội cảnh sát kinh tế và chức vụ Công an huyện Bình Chánh cũng bị kỷ luật. Trong đó, thiếu tá Nguyễn Hoàng Tuân bị cách chức, đại úy Lê Cảnh Tuân bị cảnh cáo.

X.Thắng – Đ.Lực

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nha-bao-han-ni-bao-sggp-tac-gia-loat-bai-ve-cafe-xin-chao-thay-sai-ma-khong-len-tieng-cung-la-mot-toi-ac-2017062009113973.htm