Nhà báo Đỗ Phượng: Cứu Quốc là tờ báo tôi được sinh ra

Hầu như tất cả các lần gọi điện xin phỏng vấn, nghe xưng tên là phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Đỗ Phượng – nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, hiện đang là Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam – đều đồng ý trả lời.

Nhà báo Đỗ Phượng và nhà báo Trần Mai Hạnh. (Ảnh: VietNamplus).

Thực sự là với một bậc lão thành, đã từng là lãnh đạo cấp cao trong nghề báo, mà chỉ nghe thưa là phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Đỗ Phượng đã đồng ý hẹn giờ gặp, không cần hỏi nội dung cuộc phỏng vấn thì chắc chắn phải có lý do nào đặc biệt, phóng viên mới được ưu ái thế. Và tới tận lần phỏng vấn gần đây nhất, khi tôi đem thắc mắc này ra hỏi, ông cười sảng khoái: “Tớ đã làm báo Cứu Quốc mà. Tất cả mọi kỹ năng làm báo, tớ đều học được trong thời gian làm báo Cứu Quốc. Cứu Quốc là tờ báo tớ được sinh ra”.

Vậy là, dù đã từng đảm nhận những trọng trách cao với nhiều vinh quang về nghề nghiệp, những tháng ngày làm nghề ở tờ báo Cứu Quốc Liên khu 3 đầy gian khổ vẫn là quãng thời gian đầy tự hào đối với nhà báo Đỗ Phượng. Ở đó như ông nói, ông bắt đầu bằng công việc của một phóng viên, học hỏi những kỹ năng làm báo. Đó là những năm 1950, ở tờ Cứu Quốc những bậc đàn anh đi trước như nhà văn Bùi Huy Phồn cùng nhiều người khác đã giải thích cho ông hiểu một cách sâu sắc về các thể loại báo chí; công nhân nhà in thì chỉ cho cách xếp chữ, lên trang, cách làm ảnh…Dễ hiểu vì sao nhắc đến Đại Đoàn Kết, đến Cứu Quốc ông lại xem đó như một phần máu thịt thân thiết của mình.

Trải qua một đời làm báo với nhiều năm liền làm Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, nhà báo Đỗ Phượng vẫn nhớ như in với những kỷ niệm khi làm tờ báo Cứu Quốc. Đó là cái lần in báo Cứu Quốc Liên khu 3, chính ông đã tự rà soát, đọc, chỉnh sửa bản in bài xã luận do ông viết. Đó là bài xã luận về sắc lệnh giảm tô và cải cách ruộng đất. Dù đã rất cẩn thận, nhưng khi báo in ra vẫn sai một từ. Chính xác hơn, ông kể, chỉ là sai một cái dấu nặng lại thành ra dấu hỏi. Nghĩa là ông viết sắc lệnh là “trợ lực” cho cuộc đấu tranh của người dân, thì bản in đã thành “trở lực”. Sai một cái dấu, nội dung đã mang một nghĩa khác. Bản in ra đã phải thu hồi lại vào sáng hôm sau, còn cái lỗi sai một cái dấu “chết người” ấy đã trở thành bài học mà sau này ông thường xuyên nhắc lại trong những buổi nói chuyện với phóng viên trẻ và sinh viên báo chí. Nhưng cũng bởi trưởng thành từ một phóng viên, thấu hiểu sự khắc nghiệt của nghề báo, ông cảm thông sâu sắc với công việc tòa soạn và hiểu rằng đôi khi vẫn có những lỗi morat không mong muốn xảy ra. Điều này đòi hỏi sự cẩn thận cao độ trong nghề nghiệp là vì vậy.

Tò mò hỏi về mối quan tâm của ông với thông tin trên mạng xã hội ngày nay và cái khó, nhất là áp lực cạnh tranh của các tờ báo bây giờ so với thời làm Cứu Quốc, nhà báo Đỗ Phượng bày tỏ:

“Theo tôi, với báo chí chính thống bây giờ phải xác định từng tờ báo nên nói cái gì, trong phạm vi gì. Mỗi tờ báo có một chức trách. Có những tờ báo cần phải được cởi mở. Chúng ta cần phải cung cấp rộng rãi thông tin cho nhân dân. Cái người ta cần, người ta không tìm thấy ở báo chí chính thống nên người đọc phải tìm chỗ khác để đọc. Do đó những tin tức trên các mạng xã hội có "đất” sống. Ví dụ, tôi có nhiều băn khoăn trăn trở về vị trí của tờ báo Mặt trận ngày nay. Tờ báo đã có nhiều tiến bộ nhưng chưa như đáng lẽ… Đáng lẽ trong điều kiện hiện nay, báo Đại Đoàn Kết phải có vị trí tốt hơn. Trong số những tờ báo đứng đắn, nghiêm chỉnh ngày nay, Đại Đoàn Kết có lợi thế và tư thế của tờ báo Mặt trận, tổ chức chính trị đoàn kết và tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân… Điều mà các tờ báo khác, ở vị trí khác không có được.

Ngay từ năm 1991, tôi đã có bài phát biểu trước Trung ương về "Internet – triển vọng và nguy cơ”. Tại đó, tôi cho rằng phải thấy mặt phải là internet cực kỳ hữu ích trong việc cung cấp thông tin và việc phát triển internet là cần thiết. Bản thân truyền thông xã hội không xấu, vấn đề là phải có hướng dẫn, chứ không phải quản lý bằng biện pháp hành chính. Công bằng mà nói, cả thế giới đang phải chịu về sự nhiễu loạn của những thông tin trên internet, thật - giả lẫn lộn.

Năm 1991, tôi đã cảnh báo cái đó, kể cả các nước tiên tiến cũng bó tay cho nên mình phải tiên liệu được”.

- Thưa ông, có nghĩa là quản lý thông tin bằng kỹ thuật hoàn toàn không phải là biện pháp?

Muốn quản lý được không phải bằng cách hành chính, quản lý bằng kỹ thuật càng không phải là cách. Vấn đề chính là quản lý con người.

- Có lẽ ý ông quay trở lại vấn đề mấu chốt là nền tảng của giáo dục, công dân phải chấp hành pháp luật. Bởi lượng người sử dụng internet hiện nay rất lớn, chúng ta không thể gặp gỡ tiếp xúc để hướng dẫn họ nên hoặc không nên viết gì trên internet?

- Thông tin trên mạng theo tôi hiện nay đang rất tốt ở chỗ nó giúp chúng ta hiểu được các luồng dư luận xã hội khác nhau. Nhưng tôi vẫn cho rằng phải có hướng dẫn. Tôi quan tâm nhiều đến phương pháp hướng dẫn. Chúng ta đều biết là người tham gia thông tin trên mạng là những người có kiến thức, có suy nghĩ, có quan điểm. Chúng ta tôn trọng các ý kiến khác nhau, thậm chí là trái chiều. Nhưng mỗi một người dân phải có trách nhiệm với đất nước, với dân tộc. Báo chí cũng như vậy. Cái này hoàn toàn có thể được chứ. Tôi tin tưởng vào người Việt Nam mình, luôn có trách nhiệm với đất nước, với dân tộc. Chúng ta phải xem lại cách tiếp cận của chúng ta. Phải có những bộ phận nghiên cứu thông tin trên mạng để định ra xem trong xã hội hiện nay có những xu hướng nào, những quan điểm thế nào. Rồi từ đó có gặp gỡ, tiếp xúc với từng nhóm dư luận khác nhau. Ví dụ phải nghiên cứu để làm rõ những xu hướng, chúng ta mới biết được thanh niên hiện nay nghĩ thế này, trí thức nghĩ thế kia…

Ngay ở các nước cởi mở nhất, tự do ngôn luận vẫn phải có những chế định. Tự do trong phạm vi tư duy thì không sao. Nhưng không được có xúc phạm cá nhân. Xúc phạm cá nhân là vi hiến. Các nước họ quản lý theo pháp luật.

Trao đổi đến đây, nhà báo Đỗ Phượng lại nhắc đến Cứu Quốc ngày xưa. “Ngày xưa, Cứu Quốc có vị trí đặc biệt, có những thời kỳ tờ báo gần như là tiếng nói chính thức của Đảng và nhân dân, chứ không chỉ riêng là tiếng nói của Mặt trận”.

Nói vậy, rồi cũng chính ông lại tự giải thích rằng mỗi một thời kỳ có những đặc điểm khác nhau cũng khó để mà so sánh. “Thực tế bây giờ đã khác xa ngày xưa. Đối tượng của khối đại đoàn kết đã khác trước và việc huy động sức mạnh toàn dân cũng đã khác trước. Sứ mệnh đoàn kết trước kia là tập hợp nhân dân đi theo con đường của mình, hiến của cải vật chất, hy sinh xương máu để giải phóng dân tộc. Còn ngày nay các tầng lớp nhân dân đã thay đổi, nếu bây giờ vẫn cứ tiếp tục nói đến các tầng lớp nhân dân như trước năm 1986 thì không còn trúng nữa. Bởi vậy mà ngay cả công việc Mặt trận tập hợp các tầng lớp nhân dân phải có quan điểm mới phù hợp với thời điểm mới, phù hợp với phân tầng tầng lớp nhân dân mới”.

Nói như thế để thấy đoàn kết dân tộc ngày nay không giống với thời kỳ Mặt trận Việt Minh chỉ có mỗi nhiệm vụ sản xuất và đánh giặc, bây giờ thì cũng sản xuất nhưng tình hình phức tạp vô cùng, vì lợi ích của mỗi cá nhân đã thay đổi rất lớn, vì chúng ta khó có thể biết cụ thể những lợi ích, những yêu cầu, những khó khăn của từng doanh nghiệp, từng bộ phận nhân dân. Bởi vậy, làm báo bây giờ cũng không giống thời Cứu Quốc của Mặt trận Việt Minh, ông Đỗ Phượng cười pha trò: “Bây giờ mà giao cho tớ làm chắc mình chịu, không làm nổi”.

Tôi có nhiều băn khoăn trăn trở về vị trí của tờ báo Mặt trận ngày nay. Tờ báo đã có nhiều tiến bộ nhưng chưa như đáng lẽ… Đáng lẽ trong điều kiện hiện nay, báo Đại Đoàn Kết phải có vị trí tốt hơn. Trong số những tờ báo đứng đắn, nghiêm chỉnh ngày nay, Đại Đoàn Kết có lợi thế và tư thế của tờ báo Mặt trận, tổ chức chính trị đoàn kết và tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân… Điều mà các tờ báo khác, ở vị trí khác không có được.

Nhà báoĐỗ Phượng

Cẩm Anh

Từ khóa

nhà báo đỗ phượng cứu quốc tờ báo sinh ra

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/nha-bao-do-phuong-cuu-quoc-la-to-bao-toi-duoc-sinh-ra/134958