Nhà báo điều tra cần tỉnh táo, lạnh lùng khi kiếm tìm sự thật

Phóng viên Kiên Trung bước vào nghề báo khi còn ngồi trên giảng đường. Từ những năm 2000, anh cộng tác cho một số tờ báo và tạp chí.

Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền (năm 2007), anh bắt đầu công việc của người phóng viên tại tờ báo điện tử VietNamNet từ đó đến nay. Trải qua 10 năm làm báo chuyên nghiệp, phóng viên Kiên Trung đã và đang tạo dựng cho mình chỗ đứng trong lòng bạn đọc bởi những loạt bài điều tra, phóng sự mang đậm hơi thở đời sống xã hội.

“Con dao pha”…

Đồng nghiệp nhận định, Kiên Trung giống như con dao pha, được phân công viết ở mảng nào cũng thấy… hợp, viết say sưa, từ văn hóa tới phóng sự, điều tra, xã hội… Còn anh tự nhận xét, mình tâm huyết hơn đối với các vấn đề thời sự, các vấn đề điều tra… để phơi bày những thông tin còn đang được che dấu, để từ đó làm cho xã hội tốt đẹp hơn.

Kiên Trung chia sẻ: “Khi đứng trong guồng quay của tòa soạn thì bất kể phóng viên nào cũng phải tuân thủ quy trình làm báo một cách nghiêm ngặt, khoa học. Đấy là sự phân công của cơ quan, tổ chức, tuy nhiên, sự phong phú của các thể loại mà mình đã từng qua, mình nghĩ, quan trọng nhất là mình muốn xem sự thích nghi của bản thân như thế nào, liệu ngòi bút của mình có đa dạng, linh hoạt hay không. Còn một lý do khác, làm nghề báo, tôi không nghĩ có sự phân định rạch ròi trong các thể loại. Lĩnh vực mình được cơ quan phân công, mình có trách nhiệm ở lĩnh vực đó nên chắc chắn phải viết nhiều hơn. Còn người viết báo, không có sự phân định ở các thể loại, mà thể loại nào cũng có tính báo chí, cũng có thể làm được”.

Quan niệm về nghề báo và người làm báo, anh cho biết: người làm báo là người phải có khả năng xử lý tất cả thông tin, dù nó ở thể loại nào. Còn về thế mạnh, phóng viên Kiên Trung làm sâu, làm nhiều về thể loại phóng sự và phóng sự điều tra, phản ánh các vụ việc thời sự, các vấn đề nóng của xã hội.

“Mỗi mảng đề tài có một cái hay riêng, nó tạo cho mình động lực. Ví như, viết phóng sự xã hội, lang thang vùng này vùng khác, vừa khám phá để cho mình những trải nghiệm, từ đó mở rộng lăng kính cho mình, sau đó, có sự rung cảm, chia sẻ… để truyền những cảm xúc đó sang người đọc qua tác phẩm. Còn điều tra, đó là cảm giác của một người thích khám phá, phải làm xiếc trên một sợi dây, nó cho mình sự tỉnh táo, tập trung, lạnh lùng khi kiếm tìm sự thật. Nếu gọi cái mình thích làm và làm nhiều là thế mạnh, sở trường, thì tôi sẽ nói, thế mạnh của tôi là ở thể loại điều tra, phóng sự và thời sự”- nhà báo Kiên Trung trải lòng.

Nhà báo điều tra chuyên nghiệp

Phóng viên Kiên Trung đã giành được nhiều giải thưởng cao từ Giải Báo chí Quốc gia, Giải thưởng của Bộ TT&TT, Bộ Tài nguyên Môi trường… quan niệm, một phần quan trọng để có những bào viết hay, có sự quyết định của đề tài.

Theo anh: “Thông tin báo chí là để hướng tới người đọc. Quan niệm, nhận thức xã hội của bạn đọc có thay đổi hay không, và thay đổi như thế nào khi tiếp nhận thông tin đó, là quyền và phụ thuộc vào mỗi cá nhân tiếp nhận. Còn mong muốn của người làm báo, đấy là chia sẻ và mong muốn xã hội tốt hơn. Một hiện tượng tiêu cực được phản ánh trong bài điều tra, tôi mong muốn các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết, xử lý để “nhặt sâu” cho xã hội. Một bài phóng sự xã hội, cái hay của đề tài quyết định 50% sự thành công của bài báo, và đương nhiên, con người có tính hiếu kỳ, tò mò, họ sẽ thích đọc những bài viết về một hiện tượng lạ như thế.

Sản phẩm báo chí của mình được đông đảo bạn đọc biết đến, đó là niềm hạnh phúc của người làm báo. Mình cũng không ngoại lệ. Đó là sự khích lệ lớn để mình có thêm nhiệt huyết, để không bao giờ có sự ái ngại khi vác ba lô lên đường…

Anh chia sẻ thêm, năm 2007, tôi lên bản Tả Phìn, Sa Pa (tỉnh Lào Cai) để viết bài về một nhóm người dân tộc Dao đỏ bản địa, họ thành lập công ty sản xuất nước tắm từ bài thuốc tắm cây rừng do ông bà, tổ tiên để lại. Trước khi vào, tôi chỉ nghĩ một điều, chuyện này liên quan đến làm ăn kinh tế, thì chắc chắn vấn đề lợi nhuận của họ đặt lên hàng đầu, vì từ trước đến giờ, có quá nhiều sản phẩm mang tên “đặc sản vùng miền” bị thương mại hóa, bị lợi dụng để người ta kiếm lời. Cơ chế thị trường khiến con người ta phải cạnh tranh và nghĩ ra thủ đoạn để làm giàu…

Thế nhưng, khi tiếp xúc với những người dân tộc, hiểu suy nghĩ của họ, thấy cách làm của họ, thấy cơ sở vật chất để làm doanh nghiệp của họ, tôi thấy mình đã “vơ đũa cả nắm”, bởi không phải ai cũng có “dã tâm” như thế. Những người Dao đỏ ở bản Tả Phìn, họ muốn giữ lại bài thuốc quý báu của cha ông, muốn tài sản “phi hiện vật” mà ông bà của họ để lại cho họ, sẽ là “của hồi môn” để người Dao bản Tả Phìn có thể làm giàu, đủ lo cho cuộc sống của mình, không để Nhà nước phải lo lắng cho mình… Một kỷ niệm nho nhỏ ấy, tôi thấy chính mình cũng đã phải thay đổi nhận thức, suy nghĩ. Đương nhiên, những năm làm nghề tiếp sau đó, tôi cũng đã thấy mình “khôn” hơn rồi.

Trả lời câu hỏi, nhận định đề tài quyết định tới 50% thành công của bài viết. Vậy, ở các thể loại báo chí khác, mỗi bài báo hay có phụ thuộc quá nhiều vào đề tài không hay do cách khai thác và nhìn nhận của phóng viên? Phóng viên Kiên Trung cho biết: Đó là do cách khai thác của phóng viên. Cái “hay” của đề tài chỉ quyết định 30% cái “hay” của bài viết. Giống như, cho anh một bát bột mì chất lượng, không phải ai cũng làm được cái bánh mì ngon. Có chiếc bánh bị cháy, bị sống, có chiếc thơm, ngon… Đấy là do bàn tay nhào nặn của mỗi người.

Viết báo cũng như vậy. Những vụ việc như thiên tai, cháy nổ, sạt hầm lở núi, lật xe, cháy tòa tháp đôi của EVN… ảnh hưởng đến sinh mạng của hàng trăm con người, báo chí cùng đổ xô đưa tin, thì đương nhiên, đó là việc phản ánh thời sự từng giây từng phút, để người đọc biết được những gì đang diễn biến hệt như họ đang có mặt. Đó là yêu cầu của thể loại thời sự tường thuật.

Những đề tài lạ, hấp dẫn như con baba khổng lồ 46kg ở Tây Bắc, chuyện những dị nhân, cầm hoa dị thảo… sẽ chỉ khơi gợi sự tò mò của độc giả. Khi họ hết tò mò, thì câu chuyện đó cũng chỉ thành chuyện buôn dưa lê ở quán trà đá vỉa hè mà thôi.

Thế nhưng, những câu chuyện tưởng như chả có gì đáng làm, và có làm cũng không phải ai cũng viết được, như tâm tư của một thiếu nữ người dân tộc đang ở tuổi lớn, tuổi yêu, cô ấy nhìn cuộc sống như thế nào, cách nhìn nhận của cô ấy so với một thiếu nữ dưới thành phố có gì khác biệt… Nếu viết được, lột tả được, thì bạn sẽ có một bài viết cực hay. Bạn đọc sẽ chia sẻ với bạn, sẽ tri kỷ với chính nhân vật bạn viết và tri kỷ với người viết. Đó là tính nhân văn của một tác phẩm báo chí”.

Hay loạt bài “Núi rác thải Y tế chềnh ềnh giữa làng ung thư” được thực hiện từ thời điểm tháng 8/2016. Đây là loạt bài phản ánh sự việc các hộ dân thu gom rác thải của một loạt các bệnh viện trên địa bàn các tỉnh Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên… về tập kết tại làng nghề tái chế Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh.

Làng nghề tái chế Văn Môn nằm trong danh mục các làng nghề ô nhiễm, độc hại của tỉnh Bắc Ninh và cũng là làng nghề ô nhiễm bậc nhất Việt Nam, với các xưởng cô nhôm xả khói bụi gây ô nhiễm đời sống của người dân địa phương. Rất nhiều người dân tại đây đã mắc bệnh ung thư, và khốn khổ với căn bệnh này.

Thời điểm thực hiện tuyến bài, phóng viên Kiên Trung đã trực tiếp thâm nhập thực tế để tiếp cận “núi” rác thải y tế được tập kết ở khu vực bãi rác thải sinh hoạt của làng. Những đống vỏ chai thuốc, ống truyền dịch, chai đạm… được vứt bỏ lộ thiên xếp cao như núi. Một số khác đã được phân loại thủ công riêng rẽ theo chất liệu thủy tinh/lọ nhựa và đóng trong các bao tải dứa xếp chồng lên nhau cáo quá 2 đầu người.

Khu vực này nằm ở rìa làng, dù gần khu dân cư đông đúc nhưng ít người qua lại, vì nó thuộc khu vực bãi rác - địa điểm mà nhắc đến cũng ít người muốn qua.

Kiên Trung nhớ lại, để có được thông tin đầy đủ, xác thực, tôi đã nhiều ngày “cắm chốt” ở khu vực gần bãi rác thải y tế này để tìm được bằng chứng, đó là xe tải chở rác thải y tế từ các nơi thu gom và đổ tại đây. Phương tiện này là của một chủ thu gom cũng sinh sống tại xã Văn Môn. Theo định kỳ vài ngày một lần, rác thải y tế thu gom từ các bệnh viện trong và ngoài khu vực, tập kết tại khu vực bãi rác dân sinh, được phân loại và sau đó mang về xưởng “sơ chế” được xây dựng tại nhà riêng của chủ thu gom này, cũng ở trong địa bàn xã.

Để tìm ra được nguồn gốc, xuất xứ của những đống rác thải y tế này, bằng kỹ năng nghiệp vụ, tôi đã có được các hóa đơn mua bán rác thải ý tế của chủ thu gom và các bệnh viện cung cấp, gồm nhiều bệnh viện lớn ở các tỉnh thành lân cận, từ Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Phú Thọ… Đây là căn cứ xác đáng để chứng minh được, đường đi của rác thải y tế mà lẽ ra theo quy định, phải được phân loại, xử lý ngay từ trong các bệnh viện.

Xác lập thêm chứng cứ, phóng viên đã tự trang bị khẩu trang, găng tay y tế để “soi” từng lọ thuốc, ống tiêm… vẫn còn có dấu của bệnh viện sử dụng chúng. Từ những thông tin tự điều tra được, phóng viên sử dụng làm bằng chứng, hình ảnh để chất vấn với các bệnh viện – các đơn vị trực tiếp ký hợp đồng “thuê” cơ sở tư nhân chưa đủ năng lực, pháp nhân này đứng ra “xử lý” rác thải y tế thay cho các bệnh viện tuyến tỉnh này. Đồng thời, câu hỏi cũng được đặt ra đối với các cơ quan chức năng quản lý lĩnh vực y tế trên địa bàn có các bệnh viện nói trên…

Song song với các hợp đồng xử lý rác thải trái pháp luật này, theo quy định của Bộ Y tế, Bộ tài nguyên Môi trường, mỗi bệnh viện hoặc cụm bệnh viện đều phải có hệ thống xử lý rác thải y tế tại chỗ. Tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang… cũng phê duyệt phương án, ngân sách để xây dựng các khu lò xử lý rác thải y tế cho các bệnh viện.

Thời điểm triển khai tuyến bài, những ngày nắng như mùa hè tiếp nối những ngày mưa trước đó, khiến núi rác thải y tế này bốc mùi ô nhiễm, chủ yếu là các loại hóa chất đã bị biến dạng, chuyển đổi do tác động của thời tiết ngoài trời lâu ngày.

Sau khi VietNamNet đăng tải tuyến bài, các cơ quan chức năng đã vào cuộc. Sở Y tế, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh Bắc Ninh), Sở Tài nguyên Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên Môi trường cùng vào cuộc. Các bệnh viện liên quan ngay sau đó đã chấm dứt hợp đồng thanh lý rác thải y tế với cơ sở tư nhân này; Phòng Cảnh sát Môi trường yêu cầu cơ sở tư nhân phải di dời hàng chục tấn rác thải y tế về tập kết tại các nhà máy xử lý rác thải theo đúng tiêu chuẩn, trả lại không gian sống cho người dân; xem xét rút giấy phép hoạt động kinh doanh của đơn vị này…

Tuyến bài VietNamNet phản ánh đã được sự quan tâm, ủng hộ của dư luận, tạo hiệu ứng tốt cho xã hội, góp phần cải tạo môi trường sống cho người dân Văn Môn nói riêng, và quan trọng nhất, nó góp phần giúp cơ quan chức năng làm tốt hơn trong vai trò quản lý ngành, lĩnh vực của mình.

Trước đó, loạt bài điều tra Hiệu trưởng Sầm Đức Xương và đường dây môi giới, lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên tại Hà Giang từ năm 2009; Loạt bài công tác quản lý, cấp phép, khai thác khoáng sản trái phép tại một loạt các tỉnh miền núi Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Nghệ An, Tuyên Quang… Loạt bài Phản biện dự án giao thông thủy kết hợp làm thủy điện trên sông Hồng… đã tạo hiệu ứng xã hội cao.

Nhà báo Nguyễn Kiên Trung (bút danh: Kiên Trung, Thái Bình, Di Linh) sinh ngày 09/3/1982, tại Thái Bình. Tốt nghiệp Học viện Hành chính Quốc gia (chính quy, 2005) và Học viện Báo chí Tuyên truyền (Chính quy, 2007). Đã từng công tác tại các báo: Lao động Thủ đô; Tạp chí Thế Giới mới; Báo Thể thao Văn hóa. Từ năm 2007 đến nay, anh gắn bớ với Báo VietNamNet – tờ báo điện tử đầu tiên ở Việt Nam.

Năm 2017, anh vinh dự là một trong 400 Gương mặt điển hình tiên tiến thi đua Toàn quốc.

Các giải Báo chí đã nhận: Giải B Báo chí quốc gia 2014 về “Loạt xe quá tải phá nát những cung đường”; Giải A, B, C do Liên Chi hội Nhà báo Thông tin và Truyền thông; Bộ Tài nguyên Môi trường trao tặng trong các năm: 2010 đến nay; Giải B Báo chí Quốc gia về đề tài Môi trường (Hội Báo xuân Toàn quốc 2017); Giải B Báo chí quốc gia về Loạt bài “Núi rác thải y tế chềnh ềnh giữa làng ung thư” (năm 2016).

Ngô Xuân Lộc

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/nha-bao-dieu-tra-can-tinh-tao-lanh-lung-khi-kiem-tim-su-that-p50418.html