'Nguyệt Hạ'- thêm một lần khai phá nhạc Trịnh của Giang Trang

Những người yêu và hát nhạc Trịnh nhiều nhưng để theo đuổi dài lâu và có tư duy mới như Giang Trang không nhiều. Chỉ nhận mình là một“người-hát-nhạc Trịnh”lặng lẽ và ẩn dật, sau hai concept album“Hạ Huyền 1”“Hạ Huyền 2” ra mắt năm 2012, Giang Trang dần lộ diện và có lượng khán giả ngày càng đông đảo bởi tư duy chơi nhạc Trịnh Công Sơn bền bỉ và vô cùng sáng tạo. Sắp tới đây, vào ngày 17/7 tới, tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace Hà Nội, cùng với hai nghệ sỹ Lê Thu và Lê Thư Hương, Giang Trang sẽ cùng hội tụ thêm một lần khai phá nhạc Trịnh trong đêm nhạc “Nguyệt hạ”.

“Nguyệt hạ” ấn tượng khi hứa hẹn sẽ mang tới cho khán giả- những người quá yêu và quá quen nhạc Trịnh ở một cái nhìn mới mẻ hơn về âm nhạc. Nếu ai ôm một tình yêu đã mặc định về nhạc Trịnh quả là khó nhận thêm một Giang Trang mới mẻ và khai phá nhạc Trịnh. Song nếu mở rộng cảm xúc và đón nhận những cảm nhận mới mẻ, nhiều người có lẽ sẽ yêu Giang Trang.

Còn Giang Trang lại tin rằng nhạc Trịnh là một tấm gương phản chiếu, mà ở đó mỗi người soi vào để nhìn thấy đời và những bài học mà đời mang lại. Mỗi người có một cách hiểu khác nhau về nhạc Trịnh, nhưng khi đã nghe và thấm đẫm những giai điệu, con chữ đó, không ai lại không mong muốn mình được sống “người” hơn trong từng nhịp đập, từng hơi thở. Chính Văn Cao cũng từng nói ở Trịnh Công Sơn, “nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ…”. Và vì thế, sau những cuộc chơi âm nhạc của mình, Giang Trang dần nhận thấy rằng, ở Trịnh Công Sơn có nhiều hơn cả thơ và nhạc. Mỗi bài hát của ông khi được đặt trong một không gian nhất định đều mang những nét xúc cảm cho người nghe. Dường như, Trịnh Công Sơn đã tự định hình cho mình một thế giới riêng, đưa vào trong những bài hát mọi khuôn hình của cuộc sống, có vui, có buồn, có đẹp tươi mà cũng có u hoài.

“Nguyệt hạ” của Giang Trang là hình ảnh chị thể hiện được một góc độ tinh thần không hề nhỏ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn. Đó là ánh trăng mang đậm chất Á Đông, ánh trăng từng xuất hiện trong những áng thơ bất hủ theo thời gian mà những vĩ nhân đã đưa vào để thể hiện tấm lòng mình. Và Giang Trang là người soi mình vào ánh trăng đó để khám phá thêm những tinh túy trong âm nhạc của người nhạc sĩ tài ba.

Trong cuộc chơi với nhạc Trịnh trong lần trở lại này, Giang Trang tiếp tục cùng với những người bạn của mình khai phá nhạc Trịnh ở những chiều không gian khác. Những giai điệu bất hủ của ông sẽ được sắp đặt vào một không gian thân thuộc, với những hình ảnh không còn xa lạ với nhiều người Hà Nội, để qua đó khán giả không còn “nghe” nhạc Trịnh đơn thuần, có thể “nhìn” thấy vẻ đẹp sâu hơn, đa chiều hơn.

“Nguyệt hạ” mới hơn khi hướng đến thể nghiệm không gian sân khấu sắp đặt, nhuốm màu thị giác trong tưởng tượng của đạo diễn trẻ Nguyễn Phi Phi Anh, hòa vào tiếng hát Giang Trang là nền âm nhạc flute (sáo tây) của Lê Thư Hương và tiếng guitar cổ điển của nữ nghệ sỹ Lê Thu… Với “Nguyệt hạ” Giang Trang muốn trở lại nhạc Trịnh Công Sơn trong không gian cổ điển khi kết hợp với sáo tây và guitar cổ điển.

Những tinh tế và rung cảm của mỗi người nghệ sĩ sẽ mang lại điều đặc biệt cho khán giả. Chị nói về sự kết hợp với những người bạn diễn: “Mình không muốn mọi người phải hiểu nhạc Trịnh như cách hiểu của mình. Đối với mình, nhạc Trịnh rất giản dị. Đó là một thứ âm nhạc đặc biệt – thứ âm nhạc có ý, có lời và có hình vẽ. Cái quan trọng nhất mà mình thấy là Trịnh Công Sơn là một nhạc sỹ rất tài năng, đã cảm nhận mọi xúc cảm của đời sống và đưa nó vào ca khúc. Cái quan trọng nhất mà mình cần ở những người bạn có thể hỗ trợ cho mình là những nghệ sỹ có thể cảm nhận sâu sắc về nhạc Trịnh, theo cách của chính họ. Mình tin rằng những nghệ sỹ có sự tinh tế, và rung cảm trong tâm hồn yêu nhạc, yêu cuộc sống, khi chơi nhạc thì sẽ có một sự đồng vọng”.

Dạ Miên

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/nguyet-ha-them-mot-lan-khai-pha-nhac-trinh-cua-giang-trang/