Nguyễn Trãi: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi (1380-1442) – niềm tự hào của dân tộc, nhưng vụ án Lệ Chi Viên tru di ba họ của ông cũng là oan khiên lớn nhất lịch sử dân tộc. Vừa qua, nhân ngày giỗ danh nhân, tại khu di tích Lệ Chi Viên, tượng Nguyễn Trãi (do Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ cung tiến) đã được khánh thành.

Danh nhân Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ.

Nhà văn hóa làm kháng chiến

Có hai điều đặc biệt và độc đáo, trở thành những “cột mốc văn hóa” gắn với danh nhân Nguyễn Trãi. Thứ nhất, đó là bức tranh lụa cổ nhất Việt Nam còn giữ được là bức chân dung vẽ Nguyễn Trãi. Bức tranh vẽ năm 1439 khi Nguyễn Trãi mừng thọ 60 tuổi và được lưu giữ trong gia tộc ở Nhị Khê, huyện Thường Tín (Hà Nội). Tháng 12/1959, cháu đời thứ 17 của Nguyễn Trãi đã tặng Bảo tàng Lịch sử Việt Nam bức tranh này. Tranh vẽ bằng màu nước, trên lụa tơ tằm mịn, có kích thước dài 151cm, rộng 92cm. Trong tranh, chân dung Nguyễn Trãi thể hiện nét mặt hiền từ, đôi mắt sáng tinh anh, ngồi trên ngai, đội mũ cánh chuồn màu đen, mặc áo màu xanh có trang trí hai rồng chầu mặt trời, mây, tứ linh; cổ, ngực và vạt tay áo màu cánh sen. Ngai màu nâu trang trí hoa bốn cánh, tay ngai thể hiện cách điệu hình rồng quay ra ngoài, chân quỳ. “Cột mốc văn hóa” thứ hai là tập thơ Quốc âm của Nguyễn Trãi sáng tác. Có thể nói đây là tập thơ bằng chữ nôm cổ nhất trong lịch sử văn học Việt Nam mà chúng ta còn giữ được.

Nguyễn Trãi có lẽ cũng là nhà văn hóa đầu tiên của nước ta đề cập tới nền văn hiến Đại Việt khác hẳn với nền văn hóa Trung Hoa. Khi được vua Lê Thái Tổ truyền chấp bút “Bình Ngô đại cáo”, ông viết: “Duy, ngã Đại Việt chi quốc; Thực vi văn hiến chi bang; Sơn xuyên chi phong vực ký thù; Nam bắc chi phong tục diệc dị”. Dịch nghĩa: “Xét như nước Đại Việt của ta; Thực là một nước văn hiến; Núi sông bờ cõi đã rõ ràng; Phong tục Bắc, Nam cũng khác”. “Bình Ngô đại cáo” trước nay được nhiều người coi là bản Tuyên ngôn độc lập thứ 2 của dân tộc, nhưng có lẽ đó chỉ xét ở khía cạnh độc lập về mặt chủ quyền lãnh thổ chứ chưa xét sâu xa ở khía cạnh chủ quyền văn hiến.

Là nhà văn hóa, nên kế sách kháng chiến chống giặc Minh của Nguyễn Trãi cũng mang đậm chiều sâu của văn hóa. Mưu lược “Bình Ngô sách” mà Nguyễn Trãi dâng Lê Lợi khi ra mắt ở Lỗi Giang hàm chứa trong hai chữ “tâm công”. Đó là tấn công vào lòng người, đập tan ý chí chiến đấu của địch. Lê Lợi nghe theo và dùng làm quân sư. Sau này, các văn kiện lịch sử, binh vận, ngoại giao gửi cho quân Minh được tập hợp thành sách “Quân trung từ mệnh”. Năm 1976, nhà nghiên cứu Trần Văn Giáp cho xuất bản công bố tập “Ức Trai quân trung từ mệnh tập bổ biên” bổ sung 30 bài văn được phát hiện thêm.

Tư tưởng nhân nghĩa

Tư tưởng “nhân nghĩa” có xuất xứ từ Trung Hoa nhưng đã được Nguyễn Trãi điều chỉnh, mang ý nghĩa khác.

Chữ “Nhân”, theo tư tưởng Khổng Tử, Mạnh Tử là một quan niệm siêu hình, nó chỉ trình độ cao nhất của sự tu dưỡng con người, tự thân nó chứa đựng mọi giá trị khác về đạo đức. Trái lại, chữ “Nhân” của Nguyễn Trãi lại cụ thể, chỉ sự hy sinh vì quyền lợi chung của người dân. Tư tưởng “nhân” của Nguyễn Trãi ăn sâu vào thế hệ sau này, như các chiến sĩ cách mạng như Nguyễn Thái Học từng nói khi quyết định khởi nghĩa: “Không thành công, cũng thành nhân”. Về chữ “Nghĩa” theo quan niệm Khổng – Mạnh là chỉ hành động nên làm những việc nhằm duy trì đạo lý, lẽ phải. Khi Nguyễn Trãi viết: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” thì tư tưởng này hoàn toàn khác với tư tưởng nho giáo Khổng – Mạnh.

Tại sao lại chiến đấu, hy sinh vì quyền lợi của dân, để dân được yên vui?. Theo quan niệm Khổng – Mạnh thì người quân tử có nghĩa là phải chiến đấu và hy sinh cho vị hoàng đế, vị vương hầu, khanh tướng đã nuôi dưỡng mình, mà không tính đến quyền lợi của người dân. Lẽ phải và đạo đức là như thế. Do đó, để hiểu thêm về chữ “Nhân nghĩa” cần hiểu thêm về quan niệm của chữ “Trung”. Trong khi đạo Khổng quan niệm “trung quân” (trung với vua) thì ở Đại Việt là “Trung với nước”.

Tư tưởng “nhân nghĩa” hành động, hy sinh vì người dân còn chi phối đến cả quan niệm về chữ “hiếu”. Đạo Khổng không phân biệt ra “tiểu hiếu” và “đại hiếu” như Đại Việt. Nguyễn Phi Khanh đã khuyên con trai Nguyễn Trãi nên quay về dùng tài cứu nước như thế mới là đại hiếu, còn đi theo mình về triều đình Trung Hoa để chăm sóc cha chỉ là tiểu hiếu.

Nhân nghĩa với người dân nước mình là lẽ phải hiển nhiên. Nhưng “Nhân nghĩa” của Nguyễn Trãi còn đi xa hơn. Để yên dân thì buộc phải “điếu phạt” trừ bạo. Nhưng khi kẻ thù đã lâm vào bước đường cùng, bị vây hãm thì thay vì “làm cỏ” cho hả giận thì Nguyễn Trãi lại mở lượng hiếu sinh cho kẻ thù, chỉ để nước được hòa bình, dân được yên ổn. Ông viết: “Nghĩ kế nước nhà trường cửu, tha cho mười vạn hùng binh. Gây lại hòa hảo cho hai nước, dập tắt chiến tranh cho muôn đời” (Chí Linh sơn phú). Và khi hòa bình, được sai làm lễ nhạc, Nguyễn Trãi cũng tâu vua: “Dám mong Bệ hạ rủ lòng yêu thương và chăn nuôi muôn dân, khiến cho trong thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu”.

Vén sương mù Lệ Chi Viên

Bi thảm thay một người trọn đời chủ trương thực hành thuyết “nhân nghĩa” lại bị quy kết tội giết vua. Lệ Chi Viên – hiện trường vụ án nơi vua Lê Thái Tông băng hà nằm trên mảnh đất ven đê sông Thiên Đức (sông Đuống) xưa nay thuộc thôn Đại Lai, xã Đại Lai huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Sống trên mảnh đất lịch sử, nhà văn Vũ Thế Thược nói: Đến thời Lê, hành cung Yên Hà (khúc sông yên bình) thời Lý được đổi tên là Lệ Chi viên vì trồng nhiều vải. Vị trí đặt hành cung vô cùng tiện lợi trong khoảng địa lý và giao thông từ kinh đô tới vùng Đông Bắc bằng đường thủy qua Lục đầu giang. Sau vụ án vườn vải, hành cung bị phá hủy. Tên gọi liên quan cũng bị gọi chệch đi: Vườn vải thành Vườn rậm, Vườn Rợm. Nhưng có một số tên gọi thì giữ nguyên như: Ba Tòa, Ba Đống, Vườn Câu, Vườn Bài, Vườn Quan… Trong suốt thời kỳ mấy trăm năm, khu hành cung bị bỏ hoang.

Đại Việt sử ký toàn thư ghi sớm nhất về vụ án: “Tháng 8, ngày 4, vua đến vườn Lệ Chi huyện Gia Định, bỗng bị bệnh ác rồi băng. Trước đây, vua thích vợ của Thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, người đẹp văn chương hay, gọi vào cung làm Lễ nghi học sĩ, ngày đêm hầu bên cạnh. Đến khi đi tuần miền Đông, về đến vườn Lệ Chi, xã Đại Lai trên sông Thiên Đức, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng. Các quan bí mật đưa về, ngày 6 đến kinh sư, nửa đêm đem vào cung mới phát tang. Mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua”.

Nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra mức độ chênh lệch tuổi tác để bác bỏ chuyện vua ham sắc dục với Nguyễn Thị Lộ. Lúc đó, vua 18 tuổi, Nguyễn Thị Lộ (45 đến 50 tuổi).

Giả thiết chính Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh và bè lũ quan lại cùng phe đã dàn dựng vụ án ngày một thêm cơ sở. Chứng cứ là vợ chồng Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ dám che giấu, nuôi dưỡng Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao và hoàng tử Lê Tư Thành khỏi sự truy sát. Lúc đó, Nguyễn Thị Anh cần dàn dựng vụ án để diệt khẩu vì bí mật: Bang Cơ không phải con của vua Lê Thái Tông đã bị hai hoạn quan Đinh Phúc, Đinh Thắng – chuyên ghi chép ngày giờ vua ăn nằm với các hoàng hậu, cung phi tiết lộ. Sau khi tru di ba họ Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, hai hoạn quan cũng bị giết vì liên quan tới vụ án.

Sự thật đã được phơi bày ngay sau đó qua Chiếu lên ngôi của vua Lê Nghi Dân: “Diên Ninh (vua Lê Nhân Tông, tức Lê Bang Cơ) tự biết mình không phải con của tiên đế”.

Vụ việc này được củng cố thêm qua cuốn Ngọc phả họ Đinh trong phần “Bút ký Hồng Mai” của Thái tử Lân Quốc công Đinh Liệt triều Lê. Xin dẫn một bài thơ: “Nhung Tân hà hữu Tống thai tinh; Lục nguyệt khai hoa quái dị hình; Niên nguyệt nhật thời Thăng Đính ký; Hoàng bào ô nhiễm vạn niên thanh”. Bài thơ chữ Hán và nói lái để che dấu này được dịch nghĩa là: “Nhân Tông không phải máu Nguyên Long; Sáu tháng hoài thai cảnh lạ lùng; Năm, tháng, ngày, giờ Đinh Thắng chép; Hoàng bào dơ bẩn tiếng ngàn năm”.

Và 22 năm sau vụ thảm án, vua Lê Thánh Tông đã chiêu tuyết cho Nguyễn Trãi. Ngày nay, chúng ta có thể đặt câu hỏi: Tại sao một vụ án động trời như thế lại có thể xảy ra?. Không có lẽ quy định pháp luật thời đó lỏng lẻo, nhiều khẽ hở?. Thực ra đây không phải là nguyên nhân nếu phe Thái hậu Nguyễn Thị Anh công tâm. Thực tế lịch sử, trước khi diễn ra thảm án Lệ Chi Viên, thì đã có những vụ thảm án các đại công thần khai quốc triều hậu Lê đối với: Thái úy Hữu Tướng quốc là Trần Nguyên Hãn, Thái bảo Phạm Văn Xảo, Tể tướng Lưu Nhân Chú, Đại tư đồ Lê Sát, Đại đô đốc Lê Ngân… Bản thân chính Nguyễn Trãi cũng từng bị bắt giam vì nghi có liên quan tới Trần Nguyễn Hãn… cho nên, trong bối cảnh nhiễu loạn, nghi kỵ (thuyết âm mưu) và lũ quan sâu bọ thấy cần phải loại bỏ chướng ngại của mình thì điều gì cũng có thể xảy ra…

Từ Khôi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/nguyen-trai-viec-nhan-nghia-cot-o-yen-dan/125810