Nguyễn Thị Thu Huệ: 'Nhiều nhà văn loay hoay xuất bản sách'

Theo tân chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, nhiều hội viên lớn tuổi viết tay sáng tác, mang đi đánh máy rồi loay hoay tìm nơi xuất bản sách.

Ban đầu Nguyễn Thị Thu Huệ không có tên trong danh sách 17 người được đề cử vào Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội, nhưng một vài ý kiến cho rằng nên đưa những người năng nổ như chị vào bầu. Với không khí bầu cử dân chủ, nữ nhà văn nhận số phiếu cao nhất vào Ban chấp hành. Chị cũng nhận 100% số phiếu bầu của Ban chấp hành mới vào vị trí Chủ tịch hội.

- Xin chúc mừng chị được tín nhiệm làm Chủ tịch Hội Nhà Văn Hà Nội. Mục tiêu quan trọng mà chị đặt ra trong nhiệm kỳ tới là gì?

- Tôi nghĩ việc đẩy mạnh sáng tác là quan trọng nhất. Chúng tôi sẽ duy trì giải thưởng vì giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội có uy tín. Hội cũng tăng cường kết nạp hội viên chất lượng.

- Với tư cách cá nhân, chị có dự định với công tác Hội?

- Các nhà văn vẫn luôn sáng tác, dài hay ngắn họ vẫn viết. Tôi dự định rằng, các nhà văn đang có đề cương thì mời đi trại sáng tác để hoàn thiện tác phẩm. Hai là các nhà văn lớn tuổi thường viết tay, tôi sẽ tổ chức đánh máy cho các bác. Bởi tôi đang là Giám đốc Trung tâm Bản quyền của Hội Nhà văn Việt Nam, nên khi đánh máy làm bản quyền cho các bác luôn.

Sau đó tôi sẽ mời các nhà xuất bản in sách cho các hội viên. Bởi nhiều bác vẫn sáng tác xong phải đi đánh máy, rồi không biết gửi đi xuất bản ở đâu. Các nhà xuất bản hiện nay còn phải kinh doanh, theo cơ chế thị trường họ in sách bán được theo xu thế xã hội. Sách văn học bán ít lắm, chỉ vài người sống được nhờ viết sách. Nên phải hỗ trợ các bác hội viên lớn tuổi.

Cá nhân tôi nghĩ, tôi sẽ làm việc đó trước. Bởi nói gì thì nói, nhà văn sẽ rất hạnh phúc khi được cầm cuốn sách của mình trên tay.

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ là người năng nổ, được kỳ vọng sẽ làm nên những thay đổi tích cực trong Hội Nhà văn Hà Nội. Ảnh: Tần Tần.

- Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội là một trong những hoạt động nổi bật ở nhiệm kỳ trước, tới nay sẽ được duy trì ra sao?

- Tất nhiên chúng tôi sẽ duy trì giải thưởng. Như bài phát biểu tại Đại hội, tôi đã nói Hội sẽ hướng tới đoàn kết và tôn trọng sự khác biệt. Nên giải thưởng có thể vừa ý hội viên này, không vừa ý hội viên kia, nhưng đó là sự khác biệt thì phải tôn trọng.

- Một trong những vấn đề của Hội là hội viên quá già, tuổi trung bình là 60, chị có kế hoạch gì phát triển người trẻ?

- Bây giờ người viết trẻ nhiều, sáng tác của họ đa dạng, được xã hội đón nhận. Ban chấp hành sẽ có trách nhiệm mời nhà văn trẻ, các cây bút mới có tài tham gia Hội, chứ không chờ họ làm đơn xin vào Hội nữa.

- Trong báo cáo của Phó Chủ tịch hội Nguyễn Sĩ Đại, khoảng một nửa hội viên sáng tác nghiệp dư, vậy làm sao để tăng tính chuyên nghiệp trong Hội?

- Vấn đề này Ban chấp hành mới phải bàn thảo. Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng tạo điều kiện cho nhà văn đi thực tế, có thời gian tập trung cho sáng tác.

Sáng tạo là công việc của mỗi cá nhân. Nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực tạo điều kiện để xuất bản tác phẩm hội viên trước đã. Còn tác phẩm có là đỉnh cao hay nghiệp dư, đó là do cá nhân từng người.

- Hội Nhà văn Hà Nội có nhiều hội viên đến từ nhiều vùng miền, vậy phải làm thế nào để tăng tính Hà Nội trong các tác phẩm của hội viên?

- Đó là một trong những mục đích số một của ban chấp hành lần này. Trong cuộc họp trước khi ra mắt Ban chấp hành mới, các anh các chị cũng nói thủ đô ngày càng phát triển, có bao nhiêu điều xảy ra hàng ngày. Vai trò, trách nhiệm của hội viên trong Hội đứng trước cuộc sống mới phải viết sao cho tác phẩm đứng cùng thời đại, cao hơn là đứng cùng thời gian.

- Đánh giá nhiệm kỳ trước, chị thấy Ban chấp hành mới kế thừa được những gì?

- Chúng tôi kế thừa được rất nhiều. Công việc từ các anh trong nhiệm kỳ cũ để lại có nhiều thành tựu. Chúng tôi sẽ kế thừa các hoạt động từ nhiệm kỳ trước như: tổ chức đi dã ngoại, sáng tác, tổ chức các buổi trò chuyện, thưởng thức nghệ thuật để phong phú đời sống văn hóa cho hội viên, tổ chức đại hội nhà văn trẻ, quan tâm đời sống nhà văn…

Với số lượng ít người, toàn nam giới, ban chấp hành cũ đã làm rất trách nhiệm, chu toàn, trong đó vai trò của cựu chủ tịch Phạm Xuân Nguyên rất lớn.

- Chị có thấy thiệt thòi khi Ban chấp hành làm việc không lương cho Hội?

- Cá nhân tôi không thấy khó hay thiệt thòi. Mà tôi chỉ lo làm sao Ban chấp hành đáp ứng được nguyện vọng, niềm tin của hội viên. Làm sao để hơn 3 năm nữa tổng kết lại sẽ không phải xấu hổ. Đã hứa rồi, là phải làm.

- Chị đang giữ nhiều trọng trách, như công việc ở Đài Truyền hình, Giám đốc Trung tâm Bản quyền Hội Nhà văn Việt Nam, chị làm sao để đảm đương công việc mới?

- Nói hơi riêng một chút, công việc gia đình tôi đã ổn định, tôi đã lên bà nội rồi. Nếu tôi sắp xếp công việc tốt, có 7 anh chị em trong Ban chấp hành, rồi có những cánh tay nối dài cho Ban chấp hành nữa, thì tôi nghĩ mọi việc sẽ ổn thỏa thôi.

Tần Tần

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nguyen-thi-thu-hue-nhieu-nha-van-loay-hoay-xuat-ban-sach-post770158.html