Nguyên tắc nộp hồ sơ xét tuyển ĐH năm 2016 để có cơ hội trúng tuyển cao

Việc lựa chọn cách thức nộp hồ sơ theo con đường nào cũng nên được cân nhắc, thí sinh cần tìm hiểu kỹ, vì mỗi cách thức sẽ có điểm khác nhau.

Chọn trường an toàn

Trong ngày hội tư vấn tuyển sinh tại Hà Nội, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, việc nộp hồ sơ để có cơ hội trúng tuyển cao, điều đầu tiên thí sinh cần biết được nguyên tắc nộp hồ sơ làm sao để nộp cho đúng.

Phó Cục trưởng thông tin thêm, tất cả thông tin hướng dẫn cho thí sinh đều nằm ở trên trang thông tin của các sở GD&ĐT, các trường Đại học, Cao đẳng… vì vậy thí sinh cũng nên tham khảo trước khi nộp hồ sơ xét tuyển.

Những điểm quan trọng thí sinh cần lưu ý đó là phải căn cứ vào những ngành nào yêu thích của thí sinh, sau đó căn cứ vào kết quả thi, so sánh điểm trúng tuyển của các ngành đó với năm trước rồi quyết định làm sao cho phù hợp nhất. Thí sinh nên sử dụng 4 nguyện vọng trong 2 trường để chọn ngành để có cơ hội trúng tuyển cao.

Ngoài ra, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cũng khuyên thí sinh hoàn toàn có thể yên tâm bởi với chỉ tiêu tuyển sinh, số trường nhiều như vậy thí sinh hoàn toàn có nhiều cơ hội trúng tuyển.

Nếu điểm cao thì trúng tuyển vào top trên, điểm khá vào trường trung bình… miễn là thí sinh tỉnh táo lựa chọn, Phó Cục trưởng nhấn mạnh.

Thí sinh cần sáng suốt lựa chọn trường để xét tuyển. Ảnh minh họa

Cũng tại buổi tư vấn, TS Vũ Viết Bình, Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, một số phụ huynh chia sẻ họ tìm kiếm phương án xét tuyển như “chơi chứng khoán”, tức là phải chọn một trường an toàn để “chắc chắn đỗ” nhưng vẫn chọn một nguyện vọng vào một trường mà cả bố mẹ và con cùng yêu thích, nhưng không tự tin. Nếu được vào trường yêu thích thì rất vui nhưng lại không dám đặt đó là nguyện vọng số 1.

Lời khuyên mà TS Vũ Viết Bình dành cho các phụ huynh và thí sinh là cần dựa vào sở thích, năng lực và sở trường thực sự của học sinh để lựa chọn chứ không nên coi việc chọn phương án xét tuyển là việc “chơi chứng khoán”. Vì có thể may mắn thí sinh đỗ vào một ngành nào đó, nhưng không phù hợp với năng lực và mong muốn thì đó không phải lựa chọn tốt.

Thời gian của mỗi đợt xét tuyển

Theo quy định của Bộ GD-ĐT bắt đầu từ ngày 1/8 các trường ĐH sẽ chính thức nhận hồ sơ xét tuyển.

Xét tuyển nguyện vọng 1:

Thí sinh dùng mã số trong giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét tuyển nguyện vọng 1 để đăng ký vào 2 trường ĐH hoặc CĐ, mỗi trường thí sinh được đăng ký tối đa 2 ngành. Thời gian ĐKXT và xét tuyển là 12 ngày.

Theo đó, trường công bố kết quả trúng tuyển trước ngày 04/9/2016

Nếu trúng tuyển và có nguyện vọng học thì thí sinh nộp Giấy chứng nhận kết quả thi đến hết ngày 09/9/2016 (tính theo dấu bưu điện nếu nộp bằng thư chuyển phát nhanh).

Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1, không được đăng ký ở các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Xét tuyển các nguyện vọng bổ sung:

Các đợt xét tuyển sau đó: Thời gian ĐKXT và xét tuyển mỗi đợt là 10 ngày; mỗi thí sinh ĐKXT mỗi đợt vào tối đa 03 trường, mỗi trường tối đa 02 ngành đào tạo.

Trường công bố kết quả trúng tuyển trước ngày 23/9/2016.

Thí sinh nộp Giấy chứng nhận kết quả thi đến hết ngày 28/9/2016 (tính theo dấu bưu điện nếu nộp bằng thư chuyển phát nhanh).

Để tránh nhầm lẫn khi thực hiện đăng ký xét tuyển trực tuyến, Bộ GD&ĐT đề nghị Hiệu trưởng các trường, Giám đốc các sở GDĐT thông báo rộng rãi cho thí sinh và phụ huynh biết để truy cập trực tiếp vào địa chỉ trang thông tin điện tử đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ trực tuyến năm 2016: http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn

Lưu ý: Trong mỗi đợt xét tuyển, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng ĐKXT hay rút hồ sơ.

An Thiên (TH)

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/nguyen-tac-nop-ho-so-xet-tuyen-dh-nam-2016-de-co-co-hoi-trung-tuyen-cao-d19313.html