Nguyên nhân NATO e sợ Kaliningrad 'hơn tất cả'

Mới đây phía Nga tuyên bố sẽ tiếp tục triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 và tên lửa đạn đạo Iskander ở Kaliningrad, vùng lãnh thổ phía Tây nằm tách rời Nga, tiếp giáp với Ba Lan và Litva, để đối phó với việc Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu. Động thái này đã làm dấy lên nhiều lo ngại cho NATO, bởi Kaliningrad là một khu vực nhạy cảm nằm ngay giữa trung tâm liên minh này.

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 Triump của Nga.

Nhà phân tích Robert Farley mới đây có bài viết trên tờ The National Interest của Mỹ đã đưa ra nhận định: Một phần lãnh thổ nhỏ của Nga hiện đang nằm "ngay giữa trái tim" của NATO đã khiến liên minh này thực sự lo sợ. Đó chính là Kaliningrad –thành phố không còn được tiếp giáp với Nga từ sau khi Liên Xô tan rã.

Ông Farley cho biết, khi các nước Baltic gia nhập NATO thì Kaliningrad trở thành vùng lãnh thổ “của địch” ở ngay trung tâm của liên minh phương Tây này, khiến cho NATO đặc biệt dễ bị tổn thương và đồng thời có khả năng gây nguy hiểm nếu nhìn từ góc độ quân sự".

Đặc biệt, tác giả còn e ngại việc tái triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 và Iskander-M của Nga. Ông viết: "Nhiều bài phân tích trên tờ National Interest ghi nhận S-400 là một trong những hệ thống phòng không có tính hủy diệt nhất trên thế giới".

Tác giả cũng đặc biệt lưu ý đến một số tính năng của hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga có thể gây khó khăn cho NATO khi cung cấp hỗ trợ phòng không cho các nước Baltic- đặc biệt là đối với các loại tên lửa có phạm vi từ 40 đến 400km.

Nhà phân tích Farley cho biết, riêng với hệ thống Iskander thì vẫn chưa có thông tin chính xác, và mặc dù khó tìm kiếm thông tin về tổ hợp này nhưng có thể nắm được rằng người Nga có thể sản xuất đầu đạn thường và đầu đạn hạt nhân với phạm vi lên tới 400km".

Ông giải thích, nếu Moscow muốn gây áp lực lên các nước NATO, họ có thể biểu dương lực lượng tại những nước này với các vũ khí mới và đáng sợ".

Tổ hợp tên lửa chiến thuật Iskander M của Nga.

Thêm vào đó theo quan điểm của ông thì NATO có khả năng "thực hiện các bước đi chính trị" nhằm gây bất ổn tình hình trong vùng lãnh thổ này mà Moscow không thể kiểm soát được.

Đầu tuần trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại Mỹ John Kirby đã kêu gọi Nga không nên triển khai hệ thống S-400 và Iskander-M ở khu vực Kaliningrad, và cho rằng điều đó có thể gây mất ổn định an ninh khu vực châu Âu. Ông này cũng cho biết Nga có quyền triển khai các hệ thống trên phạm vi lãnh thổ của họ.

Về phần mình, Nga nhiều lần tuyên bố rằng nước này đang tăng cường khả năng phòng thủ để đối phó với việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Châu Âu. Liên quan đến vấn đề này, chủ tịch Ủy ban An ninh và Quốc phòng của Hội đồng liên bang (thượng viện) Nga, Viktor Ozerov tuyên bố Moscow cần tăng cường hệ thống phòng thủ hàng không vũ trụ ở phía Tây. Ông cho biết điều này bao gồm cả việc tăng cường và triển khai hệ thống S-400 và tổ hợp Iskander tại Kaliningrad và thành lập một lực lượng mới tại các khu vực lân cận về phía Tây và phía Nam.

Đức Dũng (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/nguyen-nhan-nato-e-so-kaliningrad-hon-tat-ca-post214704.info