Nguyên nhân khiến mùa bão 2017 quá khốc liệt với Đại Tây Dương

4 siêu bão Harvey, Irma, Jose và mới nhất là Maria đều gia tăng cường độ nhanh chóng mặt ngay trước khi đổ bộ đất liền. Hiện tượng dị thường và đáng sợ này đang được mổ xẻ.

Sức mạnh hủy diệt của bão cấp độ 5 Với sức gió lớn hơn 250 km/h, bão cấp độ 5 có sức hủy diệt kinh hoàng và có thể thổi bay hầu hết nhà cửa trong khu vực ảnh hưởng.

Thông thường, một cơn bão mất từ vài ngày đến một tuần để chuyển từ bão nhiệt đới thành siêu bão. Tuy nhiên, nếu hội tụ đủ điều kiện, thời gian để nó lớn mạnh thành siêu bão cấp 3/5 có thể chỉ được tính bằng giờ.

4 siêu bão Harvey, Irma, Jose và gần đây nhất là Maria đều có điểm chung là nhanh chóng mạnh lên ngay trước khi đổ bộ đất liền. Quá trình này được gọi là gia tăng cường độ nhanh (rapid intensification). Cơ quan Dự báo bão quốc gia Mỹ định nghĩa gia tăng cường độ nhanh là hiện tượng xảy ra khi bão có sức gió tăng thêm ít nhất 55 km/h trong vòng 24 giờ.

Trường hợp của Maria được coi là điển hình của việc bão chịu tác động của gia tăng cường độ nhanh. Siêu bão đã lập kỷ lục về tốc độ nâng cấp.

"Maria từ áp thấp nhiệt đới phát triển thành siêu bão cấp 5 chỉ trong 2 ngày rưỡi", phó giám đốc Cơ quan Dự báo bão quốc gia Mark DeMaria cho biết. "Lịch sử chưa từng ghi nhận cơn bão nào có quá trình nâng cấp nhanh đến vậy".

Siêu bão Maria khi đạt cấp mạnh nhất. Ảnh: NOAA.

Siêu bão Maria khi đạt cấp mạnh nhất. Ảnh: NOAA.

Điều kiện hoàn hảo

Các nhà khoa học chưa khám phá được hết những bí ẩn quanh sự gia tăng cường độ nhanh của bão, nhưng họ khẳng định môi trường thuận lợi là yếu tố then chốt. Gia tăng cường độ nhanh có xu hướng xảy ra khi bão đi qua vùng nước ấm, sâu, không khí ẩm và ít gió cản. Nhiệt độ nước biển lý tưởng cho bão là hơn 30 độ C trên bề mặt, càng xuống sâu nước càng ấm.

Theo Climate Signals, chỉ riêng ở khu vực vịnh Mexico nơi bão Harvey hình thành, nhiệt độ nước biển đã ấm hơn mức trung bình từ 1,5 đến 4 độ C.

Những gì thế giới chứng kiến trên vùng biển Đại Tây Dương năm nay có nhiều điểm tương đồng với đợt bão kinh hoàng hồi năm 2005. Khi đó các cơn bão cũng tìm được đầy đủ "động cơ" và "nhiên liệu" để tăng tốc và nâng cấp một cách chóng mặt, không gì cản nổi.

Hiện tượng dị thường

Bão chỉ có thể gia tăng cường độ nhanh khi tất cả những điều kiện trên được hội tụ, nên "hiện tượng này không hề phổ biến, với xác suất xảy ra chỉ rơi vào khoảng 5%", DeMaria cho hay.

Nhiệt độ nước biển ở Đại Tây Dương từ ngày 3/9 đến 6/9. Đồ họa: NASA.

Thế nhưng, mùa bão năm nay đã chứng kiến hiện tượng này đến 4 lần liên tiếp:

Tối 24/8, Harvey còn là bão cấp 1, sức gió 136 km/h. Một ngày sau, khi đổ bộ Texas, nó đã là siêu bão cấp 4 với sức gió 209 km/h.

Sáng 4/9, Irma đạt cấp 3 cùng sức gió 193 km/h. 24 giờ tiếp theo, Irma trở thành siêu bão cấp 5 mang theo gió mạnh 290 km/h vào đất liền.

Ngày 7/9, Jose từ bão cấp 1 với sức gió 145 km/h phát triển thành siêu bão cấp 4, sức gió 240 km/h.

Còn siêu bão Maria hồi đầu tuần nhảy từ cấp 1 lên cấp 4 chỉ trong nửa ngày và tiếp tục gom gió để đạt sức gió hơn 260 km/h một ngày sau.

Các chuyên gia cho rằng biến đổi khí hậu với sự ấm lên của Trái Đất chính là nguyên nhân khiến các cơn bão ngày càng nguy hiểm. "Cách đây không lâu, gia tăng cường độ nhanh còn là một thuật ngữ ít được nhắc đến, chỉ có người nghiên cứu sâu mới đề cập", Gabriel Vecchi, chuyên gia về bão tại Đại học Princeton nói. "Nhưng giờ thì khái niệm này đã trở nên quen thuộc, nó hiện hữu rõ ràng".

Mức độ nguy hiểm

Bão gia tăng cường độ nhanh rất nguy hiểm bởi nó thường biến thành siêu bão cấp 3 trở lên. Điều này đặt ra những kịch bản xấu nhất cho các vùng trên đường di chuyển của bão. Bão diễn biến khó lường và mạnh lên với tốc độ chóng mặt khiến cơ quan dự báo và chính quyền không kịp cảnh báo người dân hoặc chuẩn bị kỹ càng.

Một phần chuỗi đảo Florida Keys trơ trọi sau siêu bão Irma. Ảnh: AP.

"Chúng tôi được thông báo đón siêu bão cấp 5 rất muộn", Thủ tướng Dominica Roosevelt Skerrit nói với CNN về Maria, siêu bão tàn phá hơn 90% công trình ở đảo quốc. "Chúng tôi vẫn tưởng đó là siêu bão cấp 3 ngay trước khi nó đổ bộ".

Mức độ tàn phá của những siêu bão này đều ở mức khổng lồ và để lại hậu quả lâu dài cho các khu vực chúng quét qua. Gió mạnh, lốc xoáy, những cột sóng lớn, mưa như trút, ngập lụt và lở đất là những gì mà người dân phải đối mặt trong và hậu các siêu bão. Nhiều đảo thuộc vùng Caribe bị hủy hoại gần như hoàn toàn.

Tuy vậy, việc dự báo bão gia tăng cường độ nhanh là rất khó bởi các mô hình dự báo hiện có chưa nhận biết được tất cả những biến chuyển xảy ra, mà điển hình là trường hợp bão Harvey hồi tháng trước, khi nó đột ngột phát triển thành siêu bão cấp 4 trước khi tấn công Texas.

Đại Tây Dương và mùa mưa bão kinh hoàng năm 2017 Mùa mưa bão năm 2017 trên Đại Tây Dương chứng kiến sự càn quét của hàng loạt cơn bão mạnh với sức gió khủng khiếp, gây thiệt hại hàng tỷ USD.

Hoa Hạ

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nguyen-nhan-khien-mua-bao-2017-qua-khoc-liet-voi-dai-tay-duong-post781636.html