Nguyên nhân gây giật mi mắt và cách khắc phục

Giật mi mắt là hiện tượng khá phổ biến. Thông thường, hiện tượng này chỉ xảy ra ở mi dưới nhưng đôi khi mi trên cũng có thể bị. Phần lớn sẽ tự hết, nhưng cũng có khi kéo dài hàng tuần và thậm chí hàng tháng.

Dưới đây là những nguyên nhân có thể gây giật mi mắt:

Căng thẳng

Khi bị căng thẳng, cơ thể mỗi người sẽ phản ứng theo các cách khác nhau. Giật mi mắt có thể là một dấu hiệu của căng thẳng, đặc biệt là khi có liên quan tới các rối loạn thị lực như mỏi mắt.

Mệt mỏi

Thiếu ngủ, cho dù vì căng thẳng hay vì lý do khác có thể gây giật mi mắt. Ngủ một giấc có thể có lợi cho bạn.

Mỏi mắt

Căng thẳng liên quan tới thị lực có thể xảy ra, ví dụ như khi bạn cần đeo kính hoặc vừa thay kính. Thậm chí các rối loạn thị lực nhẹ có thể cũng khiến cho mắt mệt mỏi, gây giật mi mắt. Hãy đi kiểm tra thị lực và đeo kính nếu cần.

Caffein

Quá nhiều caffein có thể gây giật mi mắt. Hãy giảm lượng cà phê, trà, sô cô la và đồ uống có ga (hoặc chuyển sang loại đã khử cafffein) trong 1 hoặc 2 tuần để xem có hết không.

Khô mắt

Nhiều người bị khô mắt đặc biệt là sau độ tuổi 50. Khô mắt cũng rất phổ biến ở những người sử dụng máy tính, dùng một số loại thuốc nhất định (thuốc kháng histamin, thuốc chống trầm cảm v.v…) hoặc đeo kính áp tròng. Nếu bị mệt mỏi và căng thẳng, bạn cũng có nhiều nguy cơ bị khô mắt. Phục hồi độ ẩm trong mắt có thể ngăn ngừa giật mi mắt.

Dị ứng

Những người bị dị ứng mắt có thể bị ngứa, sưng và chảy nước mắt và bị giật mi mắt. Thuốc nhỏ mắt kháng histamin hoặc thuốc viên có thể được khuyến nghị sử dụng cho những trường hợp bị giật mi mắt.

Rượu

Nếu thường xuyên bị co giật mi mắt hãy cố gắng kiêng uống rượu một thời gian. Rượu có thể cũng khiến mi mắt bị co giật.

Mất cân bằng dinh dưỡng

Thiếu các dưỡng chất như magiê có thể gây giật mi mắt. Hãy bổ sung những thực phẩm giàu magiê trong chế độ ăn.

Giật mi mắt không liên quan tới các rối loạn thần kinh ảnh hưởng tới mi mắt như co quắp mi (không thể mở được mắt) hoặc giật nửa mặt. Những tình trạng này ít xảy ra và cần được chẩn đoán và điều trị. Đôi khi giật mi kéo dài có thể được điều trị bằng tiêm Botox để giúp ngăn ngừa co cơ.

BS Nhật Nguyệt

(Theo THS)

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/nguyen-nhan-gay-giat-mi-mat-va-cach-khac-phuc-n124991.html