Nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm: 'Trước khi thành ông nọ bà kia, các em phải có tuổi thơ hạnh phúc'

Các phụ huynh hãy trả lại tuổi thơ cho các em, để các em trước khi thành ông này bà nọ thì được làm những đứa trẻ bình thường có một tuổi thơ hạnh phúc và đáng nhớ.

Gần đây trên mạng xã hội truyền nhau một bài viết của một phụ huynh “xin cho con được học dốt”. Nội dung phản ánh tình trạng áp lực căng thẳng trong học hành thi cử của học sinh Việt Nam hiện nay.

Học sinh có ít thời gian và không gian để vui chơi, hoạt động ngoài trời, mà phải dành toàn bộ thời gian cho việc học nhưng hiệu quả được rất thấp. Khi bài viết của phụ huynh được đưa ra đã xuất hiện khá nhiều ý kiến trái chiều.

GS Vũ Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Hồng Hà - Nguyễn Khuyến (Hà Nội) đã chia sẻ với VTC News quan điểm cho rằng, áp lực thi cử học hành ở nước ta hiện nay chủ yếu do chính phụ huynh tạo ra.

Học sinh cần đươc dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động khác (Ảnh học sinh trường tiểu học Nguyễn Khuyến – Hà Nội tham quan Bảo tàng Mỹ thuật)

Nếu bố mẹ không khăng khăng muốn con mình có điểm tốt nhất, vào trường chọn lớp chọn thì đã không tạo ra áp lực học hành lên con trẻ như vậy.

Đồng nghiệp của tôi là giáo viên mấy chục năm giảng dạy môn Toán ở trường phổ thông, mặc dù có thừa điều kiện chạy trường cho con, nhưng nhất quyết cho con học trường gần nhà, một ngôi trường không tên tuổi mà không ai chạy vào cả.

Rốt cuộc, cháu học rất tốt, nhẹ nhàng không áp lực, lớn lên theo đuổi đam mê của mình giành được học bổng toàn phần đi học thạc sỹ ở Mỹ.

Tại sao các bậc phụ huynh ở các thành phố lớn dù mất vài nghìn USD cũng nhất quyết chạy cho con vào những trường mang danh trường điểm. Thậm chí, nhiều phụ huynh cũng không biết rằng học ở ngôi trường đó sẽ có lợi ích gì cho con mình .

Khi học sinh được vào một ngôi trường không có toàn học sinh xuất sắc, áp lực sẽ giảm rất nhiều. Rõ ràng, khi không có quá nhiều học sinh giỏi thì sẽ bớt đi sự ganh đua. Học sinh dễ dàng hoàn thành yêu cầu trong lớp hơn và có nhiều thời gian hơn cho học ngoại khóa, thể thao hay trang bị thêm những kỹ năng khác ngoài trường học.

Chẳng may nếu em học sinh đó có điểm kém trong một số môn thì cũng không bị áp lực lớn như ở các trường chọn, lớp chọn.

Hãy cho trẻ em có được thời gian vui chơi các trò chơi truyền thống

Ngay cả đối với những học sinh giỏi, các em phải vào trường chuyên lớp chọn thì sẽ bị cuốn theo sự cạnh tranh không nhỏ trong môi trường toàn những học sinh chăm chỉ và xuất sắc. Các em sẽ đánh mất đi tuổi thơ đầy quý báu và mất đi thời gian dành cho những kỹ năng cần thiết khác trong cuộc sống.

Còn đối với những học sinh không khá, việc bị chạy vào các trường chuyên, trường điểm chỉ làm cho học sinh gặp thêm nhiều áp lực, bị mất tự tin và sinh ra cảm giác chán học .

Một số phụ huynh cho rằng, việc chạy vào trường điểm là để cho nếu con của họ học lực trung bình ở trường điểm thôi thì cũng có thể coi như ngang với học khá tại các trường thường. Suy nghĩ này là hoàn toàn sai, ở các trường thường không tên tuổi thì vẫn có rất nhiều học sinh học khá, và học sinh trung bình ở các trường điểm không chắc rằng có thể ngang được với học sinh khá ở các trường bình thường được.

Ngoài học tập trên lớp, các em học sinh cần có thời gian vui chơi, làm việc tập thể

Thứ hai, một đứa trẻ khi đứng ở top 10 trong lớp sẽ có động lực học hành và có cơ hội phát triển hơn chính học sinh đó nếu đặt ở một tập thể khác mà em đó chỉ đứng ở top cuối.

Bởi vì, tinh thần phấn chấn, sự tự tin rằng mình không kém hơn các bạn là một trong những yếu tố quan trọng giúp các em học tốt và có hứng thú trong học tập.

Ngay cả khi tất cả phụ huynh đua nhau xin cho con vào những trường được coi là tốt, khiến các trường đó trở nên quá tải, mỗi lớp lên đến hơn 50 học sinh thì liệu các giờ học có còn thực sự tốt, và tất cả học sinh trong đó đều được lĩnh hội những điều ưu việt hơn ở các trường khác?

Xin thưa chắc chắn không, lớp mà 50, 60 học sinh thì giáo viên dù giỏi đến mấy cũng không dạy tốt được và không thể đủ thời gian để giảng dạy tỉ mỉ cho từng học sinh.

Nếu muốn giảm áp lực cho học trò, phải bắt đầu từ chính phụ huynh bởi sự ganh đua của phụ huynh đã vô tình tạo nên một xu hướng trong xã hội.

Tất cả đều đổ xô vào những trường có một vài thành tích nổi bật, dẫn đến các trường đua nhau giành được những thành tích đó và vì vậy các thầy cô giáo phải tạo áp lực lên chính học sinh của mình.

Thực ra tất cả những phụ huynh cũng có thể tự nhận thấy trong xã hội có rất nhiều em học sinh học giỏi trường chuyên, trường điểm sau này lại không thành công bằng những bạn học lớp thường, trường thường với điểm số không cao bằng mình.

Bởi lẽ để thành công đâu chỉ cần điểm số, mà còn cần hơn những tố chất khác như sự kiên trì, đam mê, sáng tạo, nhạy cảm, linh hoạt, khả năng thích nghi cao...

Vậy vì lý do gì, cả xã hội đổ xô đi chạy trường điểm lớp điểm, hay chăng chỉ vì sĩ diện của bố mẹ mỗi khi có người quen hỏi về trường lớp của con?

Các phụ huynh hãy trả lại tuổi thơ cho các em, để các em trước khi thành ông này bà nọ thì được làm những đứa trẻ bình thường có một tuổi thơ hạnh phúc và đáng nhớ.

Giá như mỗi khi gặp trẻ nhỏ, thay vì người lớn chúng ta hỏi trẻ học trường nào, lớp nào, học giỏi không thì hãy hỏi xem trẻ đi học có vui không, có nhiều bạn không, có hạnh phúc khi ở trường hay không…

Nếu được vậy đó sẽ là may mắn của cả bao thế hệ học sinh của chúng ta.

NGND, GS.TS Vũ Tuấn

Bình luận

Nguồn VTC: http://vtc.vn/nguyen-hieu-truong-dh-su-pham-truoc-khi-thanh-ong-no-ba-kia-cac-em-phai-co-tuoi-tho-hanh-phuc-d278275.html