Nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng: 'Tôi không tham ô, tư túi...'

“Tôi rất bức xúc khi nghe thông tin việc tôi trả lại tiền cho ngân hàng có dấu hiệu phạm tội và UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu chuyển hồ sơ qua công an. Tôi hoàn toàn không sai trong vấn đề này, bởi tôi không phải là người có ý định tham ô, tư túi…”

Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng đã được chuyển thành bệnh viện công lập. Ảnh Đình Thiên.

Như Dân Việt thông tin, UBND thành phố Đà Nẵng đã công bố kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng kinh phí tài trợ và việc quản lý, chuyển quyền sử dụng đất của Hội bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh (PNTENBH) TP.Đà Nẵng và Công ty TNHH MTV Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng (nay là Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng).

Trong đó, UBND thành phố yêu cầu chuyển vụ việc bác sĩ Trịnh Lương Trân, nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung thư tự chuyển trả hơn 37,2 tỷ đồng cho Ngân hàng Bưu điện Liên Việt sang Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Đà Nẵng và yêu cầu Hội Bảo trợ PNTENBH bàn giao 47 lô đất được thành phố giao trước đó về cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố để quản lý.

Sáng ngày 28.6, trao đổi với phóng viên về nội dung kết luận trên, bác sĩ Trịnh Lương Trân, nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng cho biết, ông chưa nhận được văn bản kết luận chính thức của Thanh tra thành phố mà chỉ nghe thông tin từ Hội Bảo trợ PNTENBH. Tuy nhiên, bác sĩ Trân nói rằng: “Tôi rất bức xúc khi nghe thông tin việc tôi trả lại tiền cho ngân hàng có dấu hiệu phạm tội và UBND thành phố yêu cầu chuyển hồ sơ vụ việc này qua công an. Tôi hoàn toàn không sai trong vấn đề này, bởi tôi không phải là người có ý định tham ô tư, túi gì hết. Trước ngày 31.8.2015, lúc đó Bệnh viện Ung thư đang hoạt động theo luật doanh nghiệp nên UBND thành phố không thể yêu cầu thu chi này kia được. Khi Ngân hàng Bưu điện Liên Việt có yêu cầu hoàn lại số tiền họ đã tài trợ thì chúng tôi đương nhiên phải thực hiện”.

Bác sĩ Trân cho biết thêm, hiện ông đang ở Sài gòn, 2 ngày nữa ông sẽ về Đà Nẵng xem lại kết luận của thành phố và làm rõ mọi chuyện. “Không thể để UBND thành phố áp đặt, quy trách nhiệm này nọ về việc tôi chuyển trả tiền cho ngân hàng được. Điều này ảnh hưởng đến danh dự của tôi…”, bác sĩ Trân nói.

Bác sĩ Trịnh Lương Trân cho rằng: “Ông không tham ô tư túi, Đà Nẵng không thể quy trách nhiệm ông được”. Ảnh Đình Thiên

Trao đổi với phóng viên Dân Việt về việc UBND thành phố yêu cầu Hội Bảo trợ PNTENBH bàn giao lại 47 lô đất được thành phố giao trước đó, bà Nguyễn Thị Vân Lan, Phó chủ tịch Hội Bảo trợ PNTENBH TP.Đà Nẵng cho biết, đã nhận được kết luận thanh tra của thành phố. Tuy nhiên, bà Lan không có ý kiến gì về kết luận này. Khi được hỏi, bà có đồng ý hay phản đối gì về kết luận của thành phố không, bà Lan nói “tôi không có ý kiến gì hết, chỉ đính chính một điều sai phạm là của Bệnh viện Ung thư cũ, còn Bệnh viện Ung bướu không sai gì. Vụ việc này tôi xin các anh dừng ở đây”.

Trước đó, năm 2014, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt tài trợ cho Công ty TNHH MTV Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng số tiền hơn 37,2 tỷ đồng để mua hệ thống chụp mạch máu số hóa (DSA) nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị ung thư cho người dân.

Đây là số tiền được ông Nguyễn Bá Thanh, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, khi giữ chức Chủ tịch Hội Bảo trợ PNTENBH vận động ngân hàng tài trợ mua trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Ung thư từ tháng 7.2014. Theo cam kết thì thời hạn sử dụng số tiền này đến hết năm 2015.

Sau đó, UBND TP.Đà Nẵng có chủ trương chuyển Bệnh viện Ung thư sang công lập. Đến tháng 8.2015, số tiền này vẫn chưa được sử dụng và được giữ trong tài khoản của bệnh viện, mở tại Ngân hàng Bưu điện Liên Việt. Ngày 1.9.2015, bệnh viện Ung Thư chuyển sang công lập và sáp nhập khoa Ung bướu - Bệnh viện Đà Nẵng, đổi tên thành Bệnh viện Ung bướu.

Tuy nhiên, trước khi bệnh viện được đưa về công lập một ngày thì ngày 31.8.2015, Bác sĩ Trịnh Lương Trân và bà Hồ Thị Diễm Phương-Kế toán trưởng bệnh viện đã ký lệnh chi để chuyển trả số tiền này về cho Ngân hàng Bưu điện Liên Việt.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/nguyen-giam-doc-benh-vien-ung-thu-da-nang-toi-khong-tham-o-tu-tui-690207.html