Nguy hiểm từ chuyện tăng huyết áp

Tăng huyết áp (THA) có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng người trưởng thành chiếm tỉ lệ cao hơn cả. Bệnh mang tính chất âm thầm nhưng có thể gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng bất cứ lúc nào.

Huyết áp là áp lực của dòng máu tác động lên thành động mạch (được gọi là huyết áp động mạch). Khi tim co bóp, máu sẽ được đẩy đi và ép vào thành của động mạch làm cho thành động mạch căng ra và được gọi huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa). Sau khi co bóp, tim sẽ giãn ra và khi đó thành động mạch sẽ co lại về trạng thái ban đầu, số đo ở thời điểm này là huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu), ví dụ, số đo huyết áp là 120/70mmHg, trong đó 120 là huyết áp tối đa và 70 là huyết áp tối thiểu.

Khi nào được gọi là tăng huyết áp?

Vào năm 1978, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có quy định, khi nào huyết áp là 160/95mmHg được gọi là tăng huyết áp (THA), nhưng sau một năm (1979), WHO quy định lại, người bị THA khi chỉ số đo huyết áp từ trên 140/90mmHg, đồng thời WHO và Hội đồng Huyết áp thế giới đã phân độ THA, tăng độ I, khi huyết áp từ 140 - 159/90 - 99mmHg; tăng độ II khi huyết áp từ 160 - 179/100 - 109mmHg và tăng độ III khi huyết áp từ 180/110mmHg trở lên. Và WHO quy định huyết áp mục tiêu là huyết áp dưới 140/90mmHg, riêng người bị đái tháo đường, huyết áp mục tiêu phải dưới 130/80mmHg.

Tăng độ II khi huyết áp từ 160 - 179/100 - 109mmHg

Tuy vậy, do nhịp sinh học huyết áp của một người bình thường cũng có dao động rõ rệt, huyết áp thường cao dần từ lúc thức giấc buổi sáng cho đến 10 giờ sáng và gia tăng nhiều hay ít tùy thuộc vào sự vận động và trạng thái tinh thần. Vì vậy, lúc ngủ huyết áp đỉnh sẽ thấp hơn lúc làm việc bình thường khoảng 20mmHg, cao hơn đỉnh lúc buổi chiều là 10%. Huyết áp bình thường cũng có thể thay đổi và biến thiên theo thời gian (huyết áp thấp nhất vào khoảng từ 1 - 3 giờ sáng, lúc đang ngủ say và huyết áp cao nhất vào khoảng từ 8 - 10 giờ sáng).

WHO quy định huyết áp mục tiêu là huyết áp dưới 140/90mmHg

Nguyên nhân tăng huyết áp là gì?

Cho đến nay có khoảng từ 93 - 95% số người THA không rõ nguyên nhân (được gọi là THA nguyên phát) và số người THA biết được nguyên nhân (THA thứ phát) chỉ chiếm khoảng từ 5 - 7%. Loại THA thứ phát thường gặp ở những bệnh nhân có bệnh về thận (suy thận, viêm thận mạn…), hẹp eo động mạch chủ, bệnh cường giáp trạng hoặc do dùng một số thuốc có tác dụng phụ làm tăng huyết áp hoặc do uống nhiều rượu, bia. Tuy nhiên, để đánh giá có bị THA hay không phải được đo huyết áp đúng quy định và phải là người biết đo huyết áp. Khi đo huyết áp thấy 140/90mmHg, chưa nên kết luận ngay là người đó bị THA mà nên được kiểm tra lại vài ba đợt trong vòng một tháng, mỗi một đợt, trước khi đo huyết áp phải được nghỉ ngơi khoảng 20 phút và trước đó không uống bia, rượu, chất kích thích khác (cà phê và không hút thuốc lá).

Loại THA nguyên phát có nhiều yếu tố nguy cơ cao có thể dẫn đến THA. Các thống kê cho thấy rằng ở những người bị bệnh đái tháo đường, người nghiện thuốc lá, nghiện rượu, bia có tỉ lệ bị THA cao hơn những người không bị đái tháo đường hoặc không nghiện rượu, bia hoặc không nghiện thuốc lá. Bên cạnh đó, những người béo phì hoặc có tăng mỡ máu (cholesterol, tryglicerit), xơ vữa động mạch, tỉ lệ bị THA cao hơn những người không bị các bệnh này.

Ngoài các yếu tố có nguy cơ cao làm THA, di truyền, ít vận động, có thói quen ăn mặn hoặc có nhiều tác động xấu về tâm lý một cách liên tục (căng thẳng thần kinh, stress) cũng có khả năng mắc bệnh THA.

Tăng huyết áp nguy hiểm như thế nào?

Do THA ít có triệu chứng thể hiện ra cho nên nhiều người không biết mình bị THA mà tình cờ do khám bệnh định kỳ hay vì một lý do nào đó phát hiên ra THA. Tuy nhiên, có một số trường hợp có những triệu chứng như: hồi hộp (cảm thấy tim đập mạnh), nhức đầu, chóng mặt trong chốc lát, mặt đỏ, ra mồ hôi...

Bệnh THA rất nguy hiểm vì có nguy cơ đưa đến những biến chứng như: tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim gây suy tim cấp (do cơ tim thiếu máu cấp tính) hoặc suy thận, do đó, THA được gọi là bệnh giết người thầm lặng. Tại sao vậy? Bởi vì, ở người THA mà huyết áp không hạ vào ban đêm hoặc hạ quá mức (máu đến não kém gây nhũn não) hoặc tăng vọt bất cứ lúc nào (hay gặp nhất vào buổi sáng) đều là yếu tố bất lợi vì rất dễ bị đột quỵ não. Đột quỵ có thể tử vong nếu cấp cứu không kịp thời hoặc bị hôn mê với đời sống thực vật, nếu qua khỏi sẽ để lại di chứng nặng nề về tâm thần kinh (liệt nửa người, đi đứng, nói năng khó khăn, giảm trí nhớ, lú lẫn...).

Nguyên tắc điều trị

Về nguyên tắc khi đã phải dùng thuốc để điều trị THA cần điều trị liên tục, đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ khám bệnh cho mình. Khi điều trị nếu thấy có tác dụng phụ cần báo ngay cho bác sĩ biết để có hướng thay thuốc cho phù hợp. Người bệnh không tự thay đổi thuốc, không tự động ngưng thuốc. Cần khám bệnh định kỳ để được theo dõi huyết áp và một số bệnh liên quan (tăng mỡ máu, đái tháo đường) nhằm đưa huyết áp về dưới 140/90mmHg, nếu bị đái tháo đường là dưới 130/80mmHg.

Lời khuyên của thầy thuốc
Để phòng bệnh, không để béo phì, không ăn mặn, kiêng rượu, bia. Nếu đang THA cần kiêng rượu, bia tuyệt đối và hết sức cẩn thận với nóng, lạnh đột ngột (thời tiết chuyển mùa). Cần vận động cơ thể thường xuyên, nhẹ nhàng (đi bộ mỗi ngày khoảng 60 phút chia làm 2 - 3 lần), bơi, tập thể dục buổi sáng.

TS.BS. BÙI MAI HƯƠNG

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/nguy-hiem-tu-chuyen-tang-huyet-ap-n125133.html