Nguy hiểm rình rập từ những kẻ ấu dâm lẩn khuất ở Nhật

Trong khi một số người mắc chứng ấu dâm phải đấu tranh để không làm hại trẻ em, ám ảnh ái nhi lan rộng trong văn hóa Nhật dường như lại cổ xúy cho hành vi này.

“Là một người ấu dâm cũng giống như sống với một chiếc mặt nạ”, Shin Takagi nói với phóng viên Atlantic, rồi châm lửa đốt một điều thuốc nữa giữa quán cà phê ở Tokyo.

Takagi vừa gỡ chiếc mặt nạ của mình xuống khi anh thoải mái nói về bản thân mà không bận tâm tới sự chú ý của những người xung quanh.

Giống như Takagi, một số người mắc chứng ấu dâm luôn phải đấu tranh với ham muốn để ngăn bản thân thực hiện hành vi xâm hại trẻ em. Họ hoàn toàn phải dựa vào sự tự chủ để kiềm chế mình trong khi các phương pháp chữa trị của y học vẫn còn thiếu hụt và ít tin cậy.

Để tự giúp mình và giúp những người khác, Takagi đã thành lập Trottla, một công ty sản xuất búp bê tình dục.

Trong hơn 10 năm qua, công ty của anh đã cung cấp các mô hình búp bê mô phỏng cơ thể của bé gái 5 tuổi cho các khách hàng trên toàn thế giới. Anh hy vọng các sản phẩm này có thể giúp những người ấu dâm kiểm soát bản thân và ngăn ngừa hành vi tội ác.

Hiểm họa từ văn hóa phẩm khiêu dâm

Trong khi những người như Takagi phải vật lộn để tránh làm hại trẻ em, các văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em phổ biến ở Nhật dường như lại cổ xúy cho hành vi này.

Ở Tokyo có một con phố gọi là “hẻm JK” hay “hẻm nữ sinh”, nơi các cô gái trong trang phục nữ sinh bán thời gian của họ cho khách qua đường. Đàn ông trả tiền để nắm tay, đi dạo, uống cà phê hoặc thậm chí là để ngủ trên đùi các cô gái.

Nhật Bản có khoảng 300 quán cà phê JK, nơi những người đàn ông trưởng thành trả tiền để đi chơi với các cô gái dưới 18 tuổi. Ước tính có khoảng 5.000 nữ sinh làm việc trong các quán cà phê hợp pháp này.

Đến năm 2014, việc sở hữu văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em ở Nhật vẫn là hợp pháp. Luật pháp đã được sửa đổi nhưng nạn ấu dâm vẫn tiếp diễn.

Những cuốn truyện tranh người lớn trong một cửa hàng ở Akihabara, Tokyo. Nhật Bản đã thông qua dự luật cấm sở hữu sách báo khiêu dâm vào năm 2014 nhưng lại bỏ qua nội dung khiêu dâm trên truyện tranh, hoạt hình và đồ họa máy tính. Ảnh: Getty.

Những cuốn truyện tranh người lớn trong một cửa hàng ở Akihabara, Tokyo. Nhật Bản đã thông qua dự luật cấm sở hữu sách báo khiêu dâm vào năm 2014 nhưng lại bỏ qua nội dung khiêu dâm trên truyện tranh, hoạt hình và đồ họa máy tính. Ảnh: Getty.

Phóng viên BBC đã gặp gỡ một nhà sản xuất văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em trong một bộ phim tài liệu mới đây. Người đàn ông này cho biết người mẫu nhỏ nhất mình từng ghi hình chỉ mới 6 tuổi.

“Chúng tôi quay phim cô bé trong trang phục áo tắm đang chơi đùa với vài món đồ chơi. Mẹ cô bé đứng ngay sau máy quay cầm các đồ chơi yêu thích của con để cô bé hướng mắt về máy quay”, anh này nói.

Việc sở hữu hình ảnh khiêu dâm trẻ em trở nên bất hợp pháp ở Nhật vào tháng 6 năm 2014. Từ tháng 7/2015 đến tháng 7/2016, đã có 37 trường hợp sở hữu loại văn hóa phẩm này được báo cáo lên các công tố viên.

Tại Anh, vào năm 2015 và 2016, số trường hợp bị bắt giữ là hơn 5.000 vụ, trong đó có 481 người bị kết tội.

Lý do cho khác biệt lớn nêu trên đến từ hệ thống pháp lý tại Nhật. Theo luật pháp Nhật Bản, khi phát hiện hình ảnh lạm dụng trẻ em, họ cần xác minh danh tính của đứa trẻ, xác nhận đó là trẻ vị thành niên và để việc điều tra được tiến hành, trước hết nạn nhân phải đưa ra cáo buộc.

Việc bắt giữ chỉ được thực hiện khi các bằng chứng chống lại nghi phạm đảm bảo dẫn tới kết án. Vì vậy, việc truy tố sẽ khó hơn nhiều so với ở Anh.

Hệ thống kiểm soát lạc hậu

Các cơ sở y tế điều trị cho người phạm tội ấu dâm ở Nhật cũng rất hạn chế. “Hệ thống điều trị của Nhật Bản tụt hậu khoảng 30 năm so với Mỹ và các nước châu Âu”, Hiroki Fukui, nhà tâm thần học đứng đầu Trung tâm Y tế Tội phạm Tình dục (SOMEC), nhận định trên Asahi.

Đáp lại lời kêu gọi bảo vệ trẻ em khỏi nạn ấu dâm, từ năm 2006, Bộ Tư pháp đã bắt đầu chương trình hồi phục cho các tù nhân bị kết án tội phạm tình dục và người phạm tội trong thời gian quản chế.

Chương trình này tập trung vào liệu pháp hành vi nhận thức với mục đích làm cho các tội phạm tình dục nhận ra “méo mó” trong ham muốn của họ và hiểu được hậu quả đối với nạn nhân.

Cổng vào khu phố đèn đỏ Kabukicho, phía đông quận Shinjuku, Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Getty.

Những người tham gia chương trình cũng được yêu cầu lập kế hoạch hành động, ví dụ làm thế nào để kiểm soát ham muốn của mình. Bộ cho biết đến năm 2016, đã có khoảng 4.500 tội phạm tham gia chương trình này.

Tại SOMEC, khoảng 300 tội phạm tình dục đã tham gia các buổi trị liệu hàng tháng ở Tokyo, Osaka và Fukuoka. Họ trả tiền cho các buổi trị liệu này, một số được kê đơn thuốc để giảm ham muốn tình dục.

Ông Fukui, quản lý của SOMEC, cho rằng Nhật Bản cần có một cuộc cải tổ sâu rộng để bắt kịp với các quốc gia khác trong việc điều trị cho tội phạm tình dục và ngăn ngừa những hành vi tội ác đối với trẻ em.

“Nhật Bản vẫn đang ở trong giai đoạn cố gắng xác định xem nên áp dụng loại hình hồi phục nào cho các tội phạm tình dục. Hiện tại, các khách hàng của chúng tôi gặp khó khăn khi chi trả cho việc điều trị của họ. Hệ thống bảo hiểm y tế nên được xem xét lại để họ được chăm sóc tốt hơn”, ông nói.

Mương nước nơi tìm thấy xác bé gái Việt bị giết hại ở Nhật Thi thể bé Lê Thị Nhật Linh được tìm thấy tại một mương thoát nước cách nhà khoảng 10 km trong tình trạng không quần áo và có dấu hiệu bị xâm hại tình dục trước khi chết.

Tuyết Mai (tổng hợp)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nguy-hiem-rinh-rap-tu-nhung-ke-au-dam-lan-khuat-o-nhat-post732234.html