Nguy cơ 'vỡ trận' quy hoạch vôi?

Trong khi các địa phương loay hoay với việc giải quyết chuyển đổi nghề nghiệp cho hàng nghìn lao động sản xuất vôi thủ công thì các nhà máy sản xuất vôi công nghiệp được đầu tư hiện đại lại phải sản xuất cầm chừng, đối mặt với nguy cơ phá sản…

Hiểm họa từ những lò vôi thủ công luôn rình rập người lao động.

Tai nạn chết người liên tiếp nhưng lò thủ công vẫn nhả khói

Vụ tai nạn liên quan đến lò vôi thủ công gần đây nhất xảy ra ngày 3.7, tại thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, Hải Dương đã khiến 5 người thiệt mạng. Ngay ngày đầu năm 2016, 8 người chết, 1 người bị thương trong vụ ngạt khí lò vôi ở xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống, Thanh Hóa. Trước đó vụ sập lò vôi ngày 20.11.2015 tại xã Lại Xuân, Huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng cũng khiến 3 người chết… Điều đáng nói là chỉ khi nào xảy ra tai nạn chết người từ lò vôi thủ công thì câu chuyện quy hoạch phát triển công nghiệp vôi mới lại được hâm nóng. Sau tai nạn làm chết 5 người ở huyện Kim Môn, UBND tỉnh Hải Dương đã có chỉ đạo kiên quyết dỡ bỏ các lò vôi thủ công đốt gián đoạn, đối với các lò vôi liên hoàn phải giám sát chặt chẽ các điều kiện về an toàn lao động. Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng tuyên bố đến năm 2020 xóa bỏ toàn bộ 200 lò vôi thủ công (trong đó 40 lò hoạt động thường xuyên, 160 lò theo thời vụ), người dân có nhu cầu sẽ được chuyển đổi nghề, tìm công ăn việc làm mới.

Hai bên bờ sông Hóa, thị trấn An Bài dầy đặc hàng trăm lò vôi thủ công nhả khói.

Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp vôi đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch vôi) đã được Bộ trưởng Bộ XD ban hành tại QĐ số 507/QĐ-BXD ngày 27.4.2015, một trong các mục tiêu của Quy hoạch vôi là đến năm 2016 phải loại bỏ ít nhất 50% số lò thủ công đốt gián đoạn và đến năm 2020 xóa bỏ toàn bộ lò thủ công trên phạm vi toàn quốc. Thế nhưng thực tế cho thấy, việc loại bỏ lò vôi thủ công không hề dễ dàng do liên quan đến đời sống mưu sinh của hàng ngàn người lao động. Trong khi đó, không ít địa phương lần chần do nể nang và lúng túng vì không lấy đâu ra kinh phí để chuyển đổi việc làm, mưu sinh cho người lao động. Ngay tại khu vực Cầu Nghìn, thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ – nơi được mệnh danh là thủ phủ sản xuất vôi của tỉnh Thái Bình, PV chứng kiến quang cảnh sản xuất nhộn nhịp người xe và hàng trăm lò vôi thủ công đang nhả khói hai bên bờ dòng sông Hóa. Ông Nguyễn Ngọc Chiến – Phó Chủ tịch thị trấn An Bài cho biết, khu vực Cầu Nghìn có gần 200 lò vôi thuộc 30 hộ kinh doanh đang hoạt động, thu hút gần 1.000 lao động với thu nhập trung bình khoảng 3 triệu đồng/người/tháng.

Ông Chiến cũng cho biết: “Thực hiện Quy hoạch phát triển công nghiệp vôi đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, chúng tôi đã xây dựng Đề án Xóa bỏ các cơ sở sản xuất vôi tự phát, thủ công không theo quy hoạch gây ô nhiễm môi trường”.

Điều băn khoăn theo ông Chiến là để thực hiện xóa bỏ toàn bộ các lò vôi vào năm 2020, rất mong được nhà nước hỗ trợ cho các hộ dân. Theo Đề án, tính đến hết năm 2016 thị trấn sẽ xóa bỏ 25 lò xen kẽ trong khu dân cư, hành lang bảo vệ cầu và Quốc lộ 10. Đến năm 2020 sẽ xóa bỏ toàn bộ số lò còn lại. Về Đề án này, hiện đang chờ UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt.

Doanh nghiệp sản xuất vôi công nghiệp “ngồi” trên lửa

Theo Bộ XD, tổng công suất ngành vôi năm 2015 đạt khoảng 5.800.000 tấn/năm, trong đó sản xuất bằng lò cơ giới hóa là 4.300.000 tấn/năm; sản xuất bằng lò thủ công gián đoạn và liên hoàn là 1.500.000 tấn/năm.

Lộ trình thực hiện Quy hoạch vôi giai đoạn 2016 – 2020 đặt mục tiêu duy trì, phát huy công suất các cơ sở sản xuất vôi bằng lò cơ giới hóa đã đầu tư, đạt sản lượng khoảng 4.300.000 tấn/năm; đầu tư nâng công suất 17 dự án đã có chủ đầu tư với tổng công suất thiết kế 3.460.000 tấn/năm và 17 dự án chưa xác định chủ đầu tư với tổng công suất thiết kế 1.200.000 tấn/năm; Tổng công suất thiết kế năm 2020 đạt khoảng 8.960.000 tấn/năm.

Một nhà máy sản xuất vôi công nghiệp được đầu tư hiện đại vẫn phải sản xuất cầm chừng để chờ Quy hoạch vôi được thực hiện.

Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp đầu tư sản xuất vôi công nghiệp đây là mục tiêu khó khăn, nếu không muốn nói đến nguy cơ “vỡ trận”, khi các địa phương, các ngành chức năng không quyết liệt thực hiện đúng lộ trình của quy hoạch. “Ngay mục tiêu trước mắt năm 2016 chấm dứt hoạt động 50% lò vôi thủ công, nay đã quá nửa năm cũng còn chưa thực hiện được”, một giám đốc doanh nghiệp sản xuất vôi công nghiệp cho biết.

Một doanh nghiệp sản xuất vôi công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cho biết, do tin tưởng vào lộ trình thực hiện Quy hoạch phát triển công nghiệp vôi, doanh nghiệp này đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho dây chuyền sản xuất vôi tự động hóa. Thế nhưng với giá thành vôi quá rẻ từ các lò vôi thủ công, sản xuất vôi của công ty hiện nay chỉ cầm chừng, duy trì việc làm cho người lao động.

Một khó khăn đối với các nhà máy sản xuất vôi công nghiệp là nguồn nguyên liệu đá vôi cho sản xuất rất khan hiếm. Tuy nhiên, tình trạng xuất khẩu đá vôi nguyên liệu vẫn diễn ra ồ ạt gây thất thoát lớn nguồn tài nguyên của đất nước.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/nguy-co-vo-tran-quy-hoach-voi-574459.bld