Nguy cơ vỡ nợ hàng trăm tỷ đồng vì trồng hồ tiêu tự phát

Đến nay đã có khoảng 470 ha hồ tiêu ở các huyện phía Đông Nam của tỉnh Đắk Lắk bị mất trắng thiệt hại lên đến gần 300 tỷ đồng.

Diện tích hồ tiêu bị chết ở các huyện phía Đông Nam của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục gia tăng, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho các nông hộ. Mặc dù đã tốn thêm hàng chục triệu đồng thuốc chữa cho mỗi ha nhưng diệt tích bị chết vẫn chưa dừng lại, nguy cơ vỡ nợ do đầu tư quá lớn vào hồ tiêu đang dần hiển hiện.

Sau hơn 2 tháng kể từ đợt mưa lụt kéo dài hồi tháng 11-12/2016, hơn 700 trụ hồ tiêu của gia đình anh Đào Xuân Hùng ở thôn 2A, xã Ea Ô, huyện Ea Kar gần như bị xóa xổ, 2/3 diện tích bị chết khô gốc, héo quắt dây.

Nhiều vườn tiêu nay chỉ còn lại trụ.

Anh Hùng cho biết, thời gian đầu, mưa lụt chỉ phá hủy khoảng 350 trụ. Gia đình cố cứu số trụ còn lại nên đi vay 20 triệu đồng để mua phân bón lá, thuốc bảo vệ thực vật kích thích sinh trưởng ra rễ, nhưng đến nay cây không cứu được.

“Gia đình trồng hơn 700 trụ hồ tiêu, trong đợt mưa lụt 2016 đã chết hơn 300 trụ và đến thời điểm này đã có hơn 500 trụ hồ tiêu chết. Hiện tại thời tiết càng năng nhiều hồ tiêu càng chết nhanh, diện tích còn lại đang tiếp tục úa vàng lá. Gia đình đã đầu từ quá nhiều thuốc cứu hồ tiêu nhưng diện tích còn lại chắc chắn không thành công”, anh Hùng cho biết.

Cũng đối diện với tình trạng mất trắng cả cơ nghiệp vì đầu tư trồng hồ tiêu trên diện tích đất không phù hợp, Chị Nguyễn Thị Tâm ở thôn 1, xã Ea Lai, huyện M'đắk cho biết, thấy bà con trong xã ồ ạt trồng hồ tiêu, gia đình cũng thế chấp ngân hàng vay hơn 500 triệu đồng đầu tư trồng hơn 800 trụ, do đợt mưa lụt năm ngoái tiêu bị thối rễ đến nay chết gần hết, giờ không biết lấy gì trả nợ ngân hàng.

“Phong trào trồng tiêu ở địa phương đã phát triển được 3-4 năm, gia đình cũng vay vốn để trồng tiêu nhưng năm vừa rồi mưa nhiều nên tiêu yếu bộ rễ, đổ bệnh nên chết hết, thiệt hại tiền đầu tư bỏ ra cả tỷ đồng. Nếu sau này vay thêm được vốn đầu tư làm lại, gia đình sẽ không làm tiêu nữa, có lẽ sẽ trồng bơ, sầu riêng hoặc các loại cây ăn quả khác”, chị Tâm xót xa cho biết.

Bà Vũ Thị Sen, Phó chủ tịch UBND xã Ea Ô, huyện Ea Kar cho biết, trong đợt mưa lụt vừa qua, diện tích tiêu bị mất trắng của bà con trong xã lên đến 154 ha, thiệt hại ước tính hàng 100 tỷ đồng.

Với những hộ trồng tiêu ở những vùng đất trũng, không phù hợp, ngoài thống kê về thiệt hại để kiến nghị cấp trên hỗ trợ khắc phục thiệt hại, xã sẽ vận động bà con chuyển dịch cơ cấu cây trồng.

“UBND xã đã triển khai thống kê thiệt hại, đề nghị lên cấp trên hỗ trợ thiệt hại do lũ lụt cho người dân. Chính quyền địa phương của xã đã tiến hành khảo sát, cũng như vận động các hộ gia đình nhanh chóng ổn định sản xuất, chuyển đổi diện tích cây hồ tiêu sang các cây trồng khác phù hợp với chất đất của địa phương” bà Sen nói.

Theo thống kê của sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh Đắk Lắk, trong đợt mưa lụt hồi tháng 11-12/2016, hàng nghìn ha hồ tiêu người dân ở địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó thiệt hại nặng nhất là 2 huyện phía Đông Nam của tỉnh là M'đrắk và Ea Kar. Đến nay, đã có khoảng 470 ha hồ tiêu bị mất trắng, thiệt hại lên đến gần 300 tỷ đồng.

Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, hồ tiều đã vượt quá xa quy hoạch của địa phương, đợt mưa lụt vừa qua cây hồ tiêu bị ảnh hưởng rồi chết là bài học đắt giá cho việc làm tự phát./.

Tuấn Long/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/nguy-co-vo-no-hang-tram-ty-dong-vi-trong-ho-tieu-tu-phat-595028.vov