Nguy cơ ô nhiễm từ công nghệ rẻ

Lo ngại này không chỉ của TP. Đà Nẵng, người dân mà các chuyên gia cũng có chung sự lo ngại đó khi nói tới Nhà máy thép Việt Pháp đặt tại thượng nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam.

Hậu họa khôn lường

Nói về sự lo ngại của dư luận đối với dự án Nhà máy thép Việt Pháp mà UBND tỉnh Quảng Nam vừa phê duyệt, một chuyên gia về đánh giá tác động môi trường cho biết: Đúng là thời điểm này vấn đề môi trường đang được đặt lên hàng đầu, từ lãnh đạo nhà nước, các bộ ngành, chính quyền địa phương cho tới người dân đều quan tâm đến môi trường sống. Vì vậy, sự lo lắng của UBND TP. Đà Nẵng cũng như người dân Quảng Nam đối với môi trường nước khi vị trí Nhà máy thép Việt Pháp ở thượng nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn là dễ hiểu. Tuy nhiên, để đánh giá cụ thể tác động như thế nào thì cần có báo cáo đánh giá tác động môi trường, điều kiện tự nhiên khu vực đó, sức chịu tải ra làm sao… Dù cho dự án nhỏ hay lớn, dù cho sử dụng công nghệ gì, nếu làm cẩn thận, đúng quy trình thì không sao, nhưng nếu làm ăn tắc trách sẽ xảy ra hậu quả ô nhiễm môi trường. Vì vậy, chính quyền địa phương phải có dự báo trước, và kiểm soát ngăn chặn ngay từ đầu.

Nhà máy thép Việt Pháp tại thị xã Điện Bàn sắp di dời lên huyện Nam Giang (Quảng Nam). Ảnh: I.T

Tại buổi tiếp xúc cử tri ở phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu, Đà Nẵng) ngày 29.11, nhiều cử tri lo lắng về việc UBND tỉnh Quảng Nam cho phép xây dựng nhà máy thép ở thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn, ông Đinh Thế Huynh - Thường trực Ban Bí thư cho biết, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng sẽ có văn bản ghi ý kiến của cử tri Đà Nẵng và cả ý kiến của Đoàn Đại biểu Quốc hội để gửi Bộ TNMT, Bộ Công Thương, yêu cầu 2 bộ này giám sát ngay từ khi xây dựng đề án. “Phải đánh giá tác động môi trường, giám sát được công nghệ xả thải ra môi trường đối với nhà máy thép ở thượng nguồn Vu Gia - Thu Bồn rồi mới tính đến chuyện cho xây dựng hay không?” - ông Huynh nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, GS-TS Vũ Trọng Hồng cho rằng: “Sự lo ngại đó hoàn toàn đúng và khi phê duyệt dự án lãnh đạo tỉnh cần cân nhắc xem xét kỹ lưỡng, sau đó giải quyết triệt để vấn đề tác động môi trường. Chúng ta đã có quá nhiều bài học từ các nhà máy xây dựng bên sông, gần sông, gần biển. Đã có rất nhiều nhà máy thép, nhà máy giấy, nhà máy chế biến nằm ở thượng nguồn các con sông và đã gây ô nhiễm”.

Theo tiến sĩ Nguyễn Khắc Kinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và đánh giá tác động môi trường (Bộ TNMT), những lo lắng tác động môi trường từ nhà máy luyện cán thép Việt Pháp là có cơ sở, dù vấn đề ô nhiễm nguồn nước không đáng ngại nhưng ô nhiễm từ bụi và khí thải trong quá trình sản xuất sẽ là mối nguy hại nếu không được nhà máy xử lý chuẩn, môi trường sẽ ảnh hưởng, vì với các nhà máy kiểu này, chủ yếu xả bụi, khí thải và tiếng ồn. Bụi ít nhiều sẽ tác động đến nguồn nước khi mưa.

Cần tham vấn TP. Đà Nẵng

Theo đánh giá của các chuyên gia, Nhà máy thép Việt Pháp có quy mô không lớn, bởi những nhà máy có quy mô lớn do các bộ thẩm định, còn những dự án nhỏ địa phương sẽ thẩm định.

Tuy nhiên, vấn đề mà các chuyên gia lo ngại đó là Nhà máy thép Việt Pháp sử dụng công nghệ nhập từ Trung Quốc. Một chuyên gia làm tại Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam cho biết: “Công nghệ nhập từ Trung Quốc thì rẻ là ưu thế, nhưng kinh nghiệm cho thấy rẻ thì không tốt vì vậy cần phải xem xét cẩn thận. Các công nghệ tốt thường nhập từ châu Âu, châu Mỹ, ở đó có hệ thống giám sát chất lượng chặt chẽ, không làm ẩu, làm rởm được, chất lượng rất đảm bảo. Về việc nhà máy di chuyển lên trên núi, thượng nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn theo nhận định của các chuyên gia có thể nhằm mục đích xã hội, tạo công ăn việc làm cho bà con vùng núi khó khăn. Tuy nhiên nếu xét đơn thuần về kinh tế thì sẽ không ổn, bởi khi dời lên núi thì giao thông đi lại, hạ tầng sẽ kém hơn, việc vận chuyển nguyên liệu sẽ tốn chi phí hơn rất nhiều, điều đó sẽ làm đội giá sản phẩm của nhà máy này lên, trừ phi môi trường phía dưới xuôi không cho phép, không tải được nữa, thì nhà máy mới phải di dời lên núi”.

Để tránh những hậu quả đáng tiếc về môi trường sau này, GS-TS Vũ Trọng Hồng cho biết: “Tôi đề xuất 2 phương án: Thứ nhất, di chuyển vị trí nhà máy vào sâu hơn 3km so với vị trí hiện tại, như thế vấn đề kiểm soát ô nhiễm mới dễ thực hiện, việc thanh kiểm tra của cơ quan chức năng cũng thuận lợi hơn; thứ hai, Nhà máy thép Việt Pháp cần đào hồ chứa nước thải ít nhất 1ha để xử lý, hồ chứa có 2 ngăn, ngăn đầu để lắng các chất thải, ngăn thứ 2 để chứa nước sau khi lắng, ở ngăn này sẽ tiến hành nuôi cá, nếu cá chết thì nước thải không đảm bảo. Các đoàn kiểm tra rất dễ kiểm tra vì thấy cá chết là nước thải không đạt chuẩn. Còn khi để nước thải ra ngoài sông thì vô cùng khó cho cơ quan chức năng kiểm tra”.

Các chuyên gia đều cho rằng, việc UBND TP.Quảng Nam không lấy ý kiến UBND TP.Đà Nẵng về nghiên cứu đầu tư thực hiện dự án Nhà máy thép Việt Pháp là chưa hợp lý, bởi dự báo khi dự án này xảy ra sự cố sẽ ảnh hưởng đến nước sinh hoạt cho người dân Đà Nẵng. Trong luật có quy định phải tham vấn đối tượng có tác động trực tiếp.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/nguy-co-o-nhiem-tu-cong-nghe-re-727044.html