Nguy cơ nhập viện từ 5 món sâu đặc sản

Thời gian gần đây trào lưu tìm đến những món ăn từ sâu đặc sản nở rộ dù khá đắt đỏ. Nhưng theo chuyên gia, không phải ai cũng ăn được món này.

Mặc dù được cảnh báo dễ gây ngộ độc thực phẩm, nhưng các món ăn từ sâu đặc sản như sâu tre, sâu chít, sâu cát…vẫn được nhiều người săn lùng mua dù giá không hề rẻ nhưng do lạ tai, lạ mắt, lạ miệng mà nó nên thu hút sự tò mò của nhiều người.

Sâu cát

Gọi là sâu cát vì nó thường sống sâu trong cát và có hình dáng giống với loài giun, còn gọi là trùn biển, sá sùng. Sâu cát được tìm thấy nhiều ở vùng bờ biển Quảng Ninh, nhất là các xã Minh Châu, Quan Lạn. Thoạt nhìn chắc nhiều người không dám ăn nhưng thực chất khi qua chế biến như sá sùng xào với tỏi tươi, người dân vùng biển Hạ Long gọi là mồi xào hay rang chấm với tương ớt, điểm thêm rau dấp cá, rau thơm và uống với bia thì ăn hoài không ngán. Nếu không thích các món sá sùng tươi sống, bạn có thể phơi khô rồi chế biến tùy ý.

Sâu đuông

 Món ăn từ các loài sâu tuy ngon, bổ nhưng không phải ai cũng có thể ăn. Ảnh minh họa

Món ăn từ các loài sâu tuy ngon, bổ nhưng không phải ai cũng có thể ăn. Ảnh minh họa

Đuông, ấu trùng của sâu, là một trong những đặc sản khó cưỡng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi cây dừa/chà là như thế có hàng trăm con đuông. Cách thưởng thức kinh dị nhất của đặc sản này là đuông sống tắm nước mắm - dành cho những tay sành ăn hay "kiên gan". Riêng với những người mới tập ăn hay "yếu vía", các món như đuông lăn bột chiên, đuông nướng, đuông luộc nước dừa, đuông hầm... là món tủ.

Sâu dừa

Đuông dừa cũng được biết đến là một món đặc sản phía Nam. Đây là ấu trùng dạng sâu của bọ kiến dương. Sau mùa giao phối, loài bọ này thường chọn cây dừa sung sức, khoét ngọn rồi đẻ trứng vào. Trứng nở ra ấu trùng và lớn dần nhờ ăn cổ hũ dừa đến khi xuyên thủng ngọn dừa, lúc đọt thối ngã ngang là lúc đuông dừa nhiều nhất.

Sâu chít

Sâu chít là côn trùng sống trong cây chít và là niềm tự hào về đặc sản đặc biệt địa phương của người dân Tây Bắc. Với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, sâu chít được xưng tụng là “đông trùng hạ thảo" của Việt Nam.

Sâu tre

Nói đến loài sâu tre, với hình dáng và màu trắng muốt, dài bằng hai đốt ngón tay sẽ khiến nhiều người giật mình. Tuy nhiên, loại sâu này chiên giòn lên, ăn vừa béo ngậy lại giòn tan cực kỳ hấp dẫn. Sâu tre gần giống với sâu chít, nhưng nếu sâu chít thường dùng để ngâm rượu thì sâu tre mọi người thường mua về chế biến. Trước đây, sâu tre được bà con mang về làm thức ăn cho gia đình. Nhưng giờ sâu tre lại trở thành “món hot” trong các nhà hàng, quán ăn đặc sản. Cũng vì lẽ đó, với giá chừng 500 - 600 nghìn đồng/kg, loại sâu tre vẫn luôn đắt khách và không dễ mua.

Ngon, bổ nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro

Nói đến các món ăn từ các loại sâu, PV có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa, Hà Nội), ông cho biết, thực chất tất cả các loại côn trùng như nhộng, kiến, tằm hay sâu tre, sâu dừa, sâu chít…đều có thể chế biến thành những món ăn bổ dưỡng.

Theo ông Thịnh, nếu sử dụng côn trùng làm thức ăn thường xuyên sẽ làm giảm nguy cơ béo phì, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, máu nhiễm mỡ… Tuy nhiên, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh cũng cho rằng, món ăn từ các loại sâu dù rất bổ dưỡng nhưng lại rất dễ gây dị ứng cho người sử dụng vì không phải ai cũng có thể hợp món khoái khẩu này.

Món ăn từ sâu nguy cơ gâydị ứng. Ảnh minh họa

Liên quan tới món ăn đặc sản từ sâu thu hút nhiều người, trước đó, trả lời báo chí, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, ở Việt Nam, việc sử dụng côn trùng làm thức ăn có từ lâu, khá phổ biến như: Cào cào, châu chấu, nhộng tằm, dế, ong, mối, nhộng ve sầu, sâu cây chít, sâu cây dâu, sâu cây sắn dây… thậm chí, còn được coi là món ăn đặc sản. Tuy nhiên, việc thiếu kiến thức trong lựa chọn, sơ chế, chế biến côn trùng làm thức ăn, cùng với tâm lý chủ quan khi lựa chọn côn trùng lạ để chế biến (ăn tái, ăn sống, ngâm rượu) và sử dụng các món ăn chế biến từ côn trùng, ấu trùng… đã và đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ngộ độc và thậm chí gây tử vong cho người sử dụng.

Nguyên nhân gây ngộ độc thường do sử dụng sâu đã chết sinh ra độc tố; sâu bị nhiễm nấm độc và chứa nhựa cây độc như cây cọc rào, cây cỏ lào, thầu dầu tía… hoặc các chất có độc tố không bị phá hủy ở nhiệt độ chế biến. Đặc biệt trong cơ thể các laòi sâu có nhiều protein lạ gây ra dị ứng với những người có cơ địa mẫn cảm…

An Dương

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/nguy-co-nhap-vien-tu-5-mon-sau-dac-san-d106292.html