Nguy cơ mất ưu thế vì chất lượng lao động

Đánh giá từ phía doanh nghiệp cho biết, nguồn nhân lực của Việt Nam thực sự vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Đào tạo nghề phải hướng đến những gì thị trường cần và những gì thị trường sẽ cần, nhất là trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra

Ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chỉ ra rằng, có đến 86% lao động cho các ngành dệt may và giày dép của Việt Nam có nguy cơ cao mất việc làm dưới tác động của những đột phá về công nghệ do cuộc các mạng công nghiệp 4.0.

Nếu điều này diễn ra thì con số thiệt hại sẽ rất lớn bởi các ngành như dệt may, giày dép đã và đang tạo ra số lượng lớn việc làm cho lao động trong nước.

Nguy cơ này cũng được TS. Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) chỉ rõ: “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra và sẵn sàng nhấn chìm công nghệ lạc hậu, và những lao động không có kỹ năng, kiến thức để tiếp cận tới công nghệ”.

Các chuyên gia cho rằng, lợi thế nguồn nhân lực hiện nay của Việt Nam rất có thể trở thành lực cản của quá trình phát triển trong tương lai, nếu tác động tiêu cực của cách mạng công nghiệp 4.0 không được chủ động hóa giải.

Theo các chuyên gia, kỷ nguyên công nghệ số mang đến những cơ hội đột phá về năng suất, phát triển nhân lực công nghệ cao nhưng chính điều này cũng đã khiến cho hàng chục nghìn lao động đang đứng trước nguy cơ mất việc dù chưa đến tuổi nghỉ hưu.

Nếu không sớm đưa ra các giải pháp thì Việt Nam không chỉ trở lên tụt hậu mà còn phải đối mặt với gánh nặng chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho hàng chục nghìn lao động trước nguy cơ thất nghiệp.

Trong khi đó, đánh giá từ các doanh nghiệp, trình độ của lao động Việt Nam hiện phù hợp với khâu gia công chứ chưa đáp ứng yêu cầu trình độ cao.

Bà Đàm Thị Hồng Lan, Giám đốc Công ty VietBay cho biết: “Nguồn nhân lực thực sự vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, một phần là do trong hệ thống nhà trường nhất là những trường đào tạo về kỹ thuật còn áp dụng những công nghệ rất cũ trong công tác giảng dạy".

TS. Nguyễn Hồng Minh cho biết thêm, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang trong giai đoạn đổi mới, nâng cao chất lượng và con đường để đi đến thành công là đạo tạo phải gắn với việc làm, đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động, của các doanh nghiệp.

“Các trường cần tự chủ về nhiệm vụ, về kế hoạch, về các hoạt động. Tự chủ về tổ chức, bộ máy, biên chế của trường và tự chủ về tài chính theo hướng dùng cơ chế đặt hàng theo chuẩn đầu ra của học sinh, sinh viên tốt nghiệp”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề nêu quan điểm về đổi mới, tự chủ trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Theo các chuyên gia, việc xác định lại mô hình đào tạo nghề cần được cấp thiết tiến hành. Song song với việc nâng cao chất lượng lao động, cần chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình đào tạo những gì thị trường cần và hướng tới chỉ đào tạo những gì thị trường sẽ cần. Với mô hình mới này, việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp là yêu cầu được đặt ra.

Bên cạnh đó, việc hình thành các cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp để chia sẻ các nguồn lực chung, rút ngắn thời gian chuyển giao từ kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn cuộc sống cũng là nhu cầu tất yếu trong thời gian tới.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/nguy-co-mat-uu-the-vi-chat-luong-lao-dong/731860.antd