Nguy cơ mất an toàn hạt nhân nếu Trump làm tổng thống

Chuyên gia kỳ cựu về an ninh hạt nhân Mỹ nhận xét với tính cách bốc đồng, liệu Donald Trump có đủ bình tĩnh để xử lý thông tin về cuộc tấn công hạt nhân nhắm vào Mỹ.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn gay cấn, ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump và đảng Dân chủ Hillary Clinton đang dốc toàn lực cho chiến dịch vận động tranh cử. Mỗi ứng viên đều thể hiện cá tính riêng, đặc biệt ứng viên Trump liên tục có những phát ngôn gây sốc.

Trong bối cảnh các ứng viên thi nhau thể hiện cá tính, Bruce G. Blair, chuyên gia về an ninh hạt nhân kiêm học giả nghiên cứu tại Chương trình Khoa học và An ninh Toàn cầu, thuộc Đại học Princeton bày tỏ những quan ngại về nguy cơ đối với nước Mỹ, đặc biệt là an toàn vũ khí hạt nhân nếu Donald Trump trở thành tổng thống.

Nguy cơ từ quyền lực tối thượng

Ở Mỹ, tổng thống là tổng tư lệnh quân đội, người nắm quyền tối thượng trong việc khởi động sử dụng vũ khí hạt nhân. Mỗi tổng thống khi bước vào Nhà Trắng sẽ nhận được một chiếc thẻ nhựa, còn gọi là “The biscuit” cùng với valy hạt nhân.

Chiếc thẻ dùng để xác nhận danh tính tổng tư lệnh quân đội và mật mã để khởi động vũ khí chiến lược thông qua valy hạt nhân ở bất kỳ nơi đâu. Tổng thống là người ra quyết định cuối cùng về việc có hay không sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công hay đáp trả cuộc tấn công của đối phương.

Trong thời đại nguyên tử, mọi quyết định phải được thực hiện một cách rất nhanh chóng, do đó tổng thống Mỹ trở thành một mẫu hình tương tự như chế độ “quân chủ hạt nhân”. Với một cuộc điện thoại, tổng thống kiêm tổng tư lệnh quân đội có quyền lực không giới hạn để "trút mưa" vũ khí hạt nhân lên bất kỳ quốc gia đối thủ nào.

Quyền lực tối thượng đặt ra cho tổng thống rất nhiều áp lực, nó chính là con dao 2 lưỡi nếu người đứng đầu Nhà Trắng không thực sự bình tĩnh và sáng suốt khi đối mặt với khủng hoảng.

Vali hạt nhân, cây quyền trượng tối thượng của các tổng thống Mỹ. Ảnh: CNN

Trump có thể đe dọa an ninh quốc gia Mỹ

Trong quá trình vận động tranh cử, ứng viên Trump liên tục thể hiện tính cách bốc đồng bằng những phát ngôn gây sốc. Điều này khiến nhiều người lo ngại về an toàn vũ khí hạt nhân nếu ông ta trở thành tổng thống.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio, người đã thất bại trước Donald Trump trong cuộc đua trở thành ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa, từng nói nước Mỹ không thể giao mã hạt nhân vào tay một cá nhân bất thường như vậy.

Trump từng phát biểu: “Tôi không có nhiều thời gian để trao đổi với người khác, cố vấn tốt nhất của tôi chính là bản thân mình, tôi có bản năng tốt để làm điều đó”. Trump có thể ra lệnh khởi động cuộc tấn công hạt nhân hủy diệt nền văn minh vào bất kỳ thời điểm nào ông ta chọn mà có thể không cần nghe lời khuyên của bất kỳ ai.

Thông tin về việc an ninh quốc gia Mỹ bị đe dọa hay bị tấn công hạt nhân được báo cáo từ các sĩ quan cấp dưới lên. Do đó, việc xác nhận tính xác thực của thông tin là cực kỳ quan trọng trước khi đưa ra quyết định đáp trả. Trong bối cảnh căng thẳng tột độ, tính cách của tổng thống trở thành vấn đề sống còn đối với nước Mỹ.

Ứng viên Donald Trump của đảng Cộng hòa. Ảnh: Huffingtonpost

Giả sử tổng thống bị đánh thức vào lúc nửa đêm bởi cuộc gọi của cố vấn hạt nhân hàng đầu nói về một cuộc tấn công hạt nhân đang đến. Thời gian bay của tên lửa từ lục địa Nga, hoặc Trung Quốc đến Mỹ khoảng 30 phút, 12 phút hoặc ít hơn nếu tên lửa được phóng từ tàu ngầm ở Đại Tây Dương.

Lúc này tổng thống chỉ có vài phút để xem xét độ tin cậy của thông tin và ra quyết định. Nếu cuộc tấn công là có thật và tổng thống đang chần chừ, các trung tâm đầu não của Mỹ có thể bị hủy diệt. Nếu thông tin về cuộc tấn công là sai và tổng thống ra lệnh tấn công đáp trả ngay lập tức có thể dẫn đến thảm họa hạt nhân cho toàn nhân loại.

Trump sẽ phản ứng thế nào với áp lực như thế? Trung tướng về hưu Mark Hertling, cựu tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Âu, cho biết tổng thống phải có tâm trí rõ ràng trong mọi tình huống.

Tổng thống sẽ phải tiếp cận một cách bình tĩnh với các yếu tố trái ngược nhau của thông tin và phải sẵn sàng lắng nghe các chuyên gia, cố vấn hàng đầu để đưa ra quyết định đúng đắn nhất. Một khi tên lửa rời bệ phóng, rất khó để kéo nó quay trở lại.

Với tính cách bốc đồng và quan điểm không thích nghe lời khuyên của người khác, Trump có thể khiến nước Mỹ đối mặt với nhiều nguy cơ với vũ khí hạt nhân.

Tuy vậy, Trump lại là người không thích vũ khí hạt nhân, trái ngược với quan điểm bốc đồng của ông ta. “Tôi rất thích một thế giới phi hạt nhân. Liệu điều đó có xảy ra, tất nhiên rất khó. Tôi nghĩ rằng đó là một điều lý tưởng nhưng không dễ thực hiện”, Trump từng nói.

Quốc Việt (theo Politico)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nguy-co-mat-an-toan-hat-nhan-neu-trump-lam-tong-thong-post692837.html