Nguy cơ lây nhiễm HIV đối với người đồng tính nam tại lễ hội Songkran

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, mùa Tết cổ truyền Songkran của Thái Lan với những hoạt động giải trí mang tính đặc trưng dành riêng cho cộng đồng LGBT đã thu hút sự tham gia của rất nhiều khách du lịch là người đồng tính nam Việt Nam. Tuy nhiên, ẩn chứa bên trong những buổi party tầm cỡ Châu Á đó lại là nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS.

Nguồn gốc

Songkran là tên gọi ngày Tết cổ truyền của Thái Lan và một số nước Đông Nam Á, kéo dài từ ngày 13-15.4 hằng năm. Đây cũng là thời điểm người Thái tôn vinh Đức Phật, dọn dẹp nhà cửa và té nước vào người cao tuổi nhằm bày tỏ lòng kính trọng.

Tuy nhiên, khác với Tết cổ truyền của Việt Nam và Trung Quốc thường hướng tới về gia đình, Songkran lại mang tính cộng đồng nhiều hơn. Chính vì thế, trong khoảng vài chục năm trở lại đây, chính phủ Thái Lan đã chủ trương xây dựng sự kiện này trở thành mùa cao điểm du lịch tại "xứ sở Chùa vàng".

Hình ảnh quen thuộc trên đường phố Thái Lan vào dịp lễ Songkran

Theo Bộ trưởng Bộ Du lịch và Thể thao Kobkarn Wattanavrangkul, Thái Lan dự kiến sẽ đón tiếp khoảng 500.000 khách du lịch cho mùa Songkran năm nay. Đó là chưa tính 2 triệu người dân bản địa sẽ du lịch khắp đất nước trong 3 ngày lễ hội. Đáng chú ý nhất, chính là số lượng khách du lịch là người LGBT (Đồng tính, song tính & chuyển giới) chiếm một tỷ lệ không hề nhỏ mặc dù chưa có bất kỳ số liệu thống kê chính thức nào.

Địa điểm yêu thích của người đồng tính nam Việt Nam

Lễ hội Songkran thu hút sự chú ý đặc biệt của người đồng tính nam Việt Nam bởi rất nhiều lý do.
Ảnh minh họa

Cuối tháng 3 và đầu tháng 4 là khoảng thời gian đỉnh điểm của mùa khô tại khu vực miền Nam Việt Nam với nhiệt độ trung bình ban ngày vào khoảng 36-38 độ C. Khí hậu nắng nóng này rất dễ khiến người khác cảm thấy bực bội. Trong khi đó, Tết cổ truyền Songkran của Thái Lan lại có hoạt động té nước lên người khác như một lời chúc phúc cho những ngày đầu năm. Một sự kết hợp trên cả tuyệt vời.

Đất nước thân thiện với cộng đồng LGBT. Đối với truyền thông quốc tế, Thái Lan được đánh giá là một quốc gia Châu Á thân thiện với cộng đồng LGBT. Tại đây có những cuộc thi tôn vinh vẻ đẹp của người chuyển giới. Không ít ngôi sao của Thái Lan là người LGBT công khai và hiện vẫn còn hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Bên cạnh đó, những thành phố lớn như Bangkok, Chiangmai và Pattaya còn có hẳn những địa điểm giải trí dành riêng cho người LGBT. Chính vì những yếu tố đó mà Thái Lan được xem là một trong những địa điểm được yêu thích nhất của cộng đồng LGBT trên toàn thế giới.

Ngành du lịch của Thái Lan vào loại bậc nhất. Thái Lan từ lâu đã tối ưu hóa mọi cơ sở hạ tầng và dịch vụ của mình để có thể đón tiếp hàng triệu khách du lịch đến tham quan mỗi năm. Đối với khách du lịch người Việt Nam, Thái Lan chính là một địa điểm lý tưởng bởi giá thành rẻ và chỉ tốn khoảng 2 giờ bay, tiện cho những chuyến đi ngắn hạn. Ngoài ra, bên cạnh những hoạt động giải trí, Thái Lan còn nổi tiếng với các trung tâm mua sắm và khu chợ quần áo giá rẻ.

Những buổi party hoành tráng dành riêng cho người đồng tính nam tại Songkran

Những buổi party đẳng cấp quốc tế dành riêng cho người đồng tính nam. Trong suốt khoảng thời gian diễn ra Songkran, có rất nhiều công ty và CLB tại Thái Lan đứng ra tổ chức những buổi party mang đẳng cấp quốc tế với nhiều hình thức đa dạng, thu hút hàng ngàn người đồng tính nam tham gia. Nổi tiếng nhất có thể kể đến gCircuit với các hoạt động giải trí thường niên mang tên gCircuit Songkran được các trang du lịch đồng tính trên thế giới đánh giá cao.

Nguy cơ tiềm ẩn: HIV/AIDS và giang mai

Quá nhiều người đồng tính nam tập trung lại một chỗ sẽ khiến nảy sinh ra những hệ quả không mong muốn. Nhiều sự lựa chọn về bạn tình và tâm trạng hưng phấn trong lúc diễn ra lễ hội sẽ dễ dẫn đến việc quan hệ tình dục không an toàn và thậm chí là sử dụng các loại ma túy tổng hợp (chemsex).

Cứ 4 người đồng tính nam Thái Lan mà bạn gặp trên phố thì sẽ có 1 người nhiễm giang mai. Đây là một hiện trạng đáng báo động và lời cảnh báo cần được gửi đến những khách du lịch là người đồng tính nam.

N.M.C (22 tuổi, một người đồng tính nam tại TP.HCM), chia sẻ: "Năm ngoái, ngay khi vừa đặt chân đến sân bay quốc tế Bangkok thì điều đầu tiên mà tôi làm chính là mua một thẻ sim loại xài một tuần để có thể sử dụng dịch vụ 3G. Tới khách sạn, tôi mở Grindr trên điện thoại rồi dò xem trong tòa nhà có bao nhiêu người đồng tính nam. Không hề bất ngờ khi màn hình của tôi tràn ngập những người dùng khác với khoảng cách chỉ chừng... vài mét. Tôi chủ động trò chuyện với một vài người và sau đó là quan hệ tình dục với họ. Một cách hoàn toàn dễ dàng, chẳng cần phải 'đưa đẩy' như ngày thường. Tôi cảm thấy dường như bất kỳ người đồng tính nam nào khi đến Songkran với Grindr hay Jack' D trong tay cũng đều có sẵn tâm thế như vậy".

"Tuy nhiên, có một lần tôi quan hệ tình dục tay ba và vì quá cao hứng lẫn ngẫu hứng cho nên đã quên không sử dụng bao cao su. Sự việc lần đó đã ám ảnh tôi tôi suốt mấy tháng trời cho đến khi tôi nhìn thấy được tờ kết quả kiểm tra sức khỏe. Theo tôi được biết, bạn bè của tôi nhiều đứa cũng đã quan hệ như thế, ngay cả với các 'gogo boys'. Thậm chí còn 'chơi đá' (sử dụng ma túy tổng hợp) để làm tăng cảm hứng, điều rất dễ dẫn đến việc quên hoặc không quan tâm đeo bao cao su", anh nói thêm.

Thái Lan là quốc gia có tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS cao (1.1% so với 0.4% của Việt Nam) và được xem là điểm nóng trong khu vực châu Á. Ở nhóm nam quan hệ đồng giới thì tỷ lệ này có phần nhỉnh hơn, theo thống kê ước tính là 7.1%, tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng nam giới bán dâm là 12.2%. Con số này còn đáng kinh ngạc hơn khi khoanh vùng khu vực Bangkok - nơi được xem là thiên đường của những người đồng tính - theo báo cáo năm 2010 là 31% và năm 2011 là 29.4%. Tỷ lệ người nhiễm giang mai đã phát hiện và đang điều trị trong cộng đồng MSM là 24,4%.

Hay nói một cách đơn giản, cứ 3 người Thái đồng tính nam bạn gặp ở Bangkok thì có 1 người nhiễm HIV hoặc cứ 4 người là có 1 người nhiễm giang mai.

Ảnh minh họa

Các thông số bên trên chỉ mới khắc họa một bộ phận của dân số đồng tính đang tham gia dịp lễ này tại Bangkok, bởi trong mùa lễ Songkran này, còn có sự tham gia của người đồng tính nam từ nhiều quốc gia trên thế giới. Mỗi một nhóm đồng tính ở một quốc gia mang theo mình một phần bức tranh dịch tễ HIV từ đất nước họ, góp thêm vào bức tranh HIV nhiều màu ở Bangkok. Như vậy, nhìn nhận chung, số người nhiễm tại đây có xu hướng tăng tạm thời trong suốt mùa lễ.

T. T. C (28 tuổi, một người đồng tính nam tại TP.HCM), cho biết: "Ban đầu, tôi chỉ đi chung với nhóm bạn tới Songkran do ham vui, tuyệt nhiên không có bất kỳ ý định nào cho hành động tìm kiếm bạn tình. Mặc dù vậy, khi bước xuống Bangkok mà đặc biệt là khu Silom vào năm ngoái, tôi đã choáng ngợp hoàn toàn với số lượng người đồng tính nam ở đây. Họ đa dạng từ quốc gia cho đến màu da, màu tóc và cả ngoại hình. Cảm giác giống như bạn đang xem 'một cuốn catalog sống động' dành cho gay vậy. Ngay cả bản thân tôi cũng thường xuyên tìm thấy được 'tuýt' người của mình ở đây, điều rất hiếm khi xảy ra ở Việt Nam. Tâm trạng vui vẻ cộng thêm việc đang ở nước ngoài, tôi đã quan hệ tình dục với khoảng 3-4 người và phân nửa trong số đó tôi không hề mang bao cao su. Chính vì thế, lời khuyên của tôi dành cho các bạn gay Việt khi đến Songkran chính là đừng nói bạn 'sẽ không' mà hãy thực hiện điều đó một cách an toàn".

Mai Thảo

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/lgbt-c-131/nguy-co-lay-nhiem-hiv-doi-voi-nguoi-dong-tinh-nam-tai-le-hoi-songkran-60712.html