Nguy cơ lãng phí tái diễn

Ngày 10-11-2016, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết 26/2016/QH14 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Tổng mức đầu tư (TMĐT) trung hạn giai đoạn này từ nguồn ngân sách tối đa 2.000.000 tỷ đồng.

Trong đó, vốn ngân sách trung ương 1.120.000 tỷ đồng, vốn cân đối ngân sách địa phương 880.000 tỷ đồng. Mục tiêu là cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển…

Tuy nhiên, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong 2 ngày 20 và 21-2, khi bàn về vấn đề này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng tờ trình của Chính phủ về phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 còn những dự án chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo Nghị quyết 26 và Luật Đầu tư công.

Điều này sẽ dẫn đến tình trạng tiếp diễn các tồn tại, hạn chế của giai đoạn 2011-2015 như dàn trải, manh mún trong bố trí vốn, dự án dở dang, không hoàn thành do thiếu vốn đầu tư…

Nghị quyết 26 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải cam kết bố trí đủ phần vốn còn thiếu, nhưng nhiều dự án chưa được bố trí đủ nguồn vốn ngân sách Trung ương theo TMĐT. Theo giải trình bổ sung, các bộ, ngành, địa phương cam kết hoàn thành dự án do cắt giảm hạng mục, huy động các nguồn vốn khác... Tuy nhiên, tờ trình, báo cáo bổ sung, phụ lục Chính phủ đưa ra chưa thể hiện rõ cam kết này, chưa đề xuất định hướng cắt, giảm hạng mục dự án, phương án, tổng mức huy động các nguồn vốn khác để hoàn thành dự án đúng tiến độ, dẫn đến chưa đủ căn cứ để xem xét, quyết định.

Một điểm đáng lưu ý khác là theo Nghị quyết 26 “các dự án trong danh mục bố trí kế hoạch đầu tư trung hạn phải đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư công”, song nhiều dự án chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Do đó, việc xem xét, bố trí kế hoạch đầu tư trung hạn cho các dự án này chưa đúng quy định của pháp luật.

Có rất nhiều thí dụ được chỉ ra cho tình trạng bố trí vốn bất hợp lý so với thực tế. Chẳng hạn, tại Hà Giang, dự án hồ treo Sán Trù xã Bát Đại Sơn bố trí gần 5,3 tỷ đồng trong số hơn 4,4 tỷ đồng vốn còn thiếu; tại Đắk Nông, dự án nâng cấp đường Tỉnh lộ 4, đoạn nội thị trấn Đắk Mâm bố trí 560 triệu đồng trong số 514 triệu đồng vốn còn thiếu; dự án xây dựng và triển khai các hệ thống quản lý kỹ thuật của TTXVN có TMĐT (ngân sách Trung ương) 25,5 tỷ đồng, nhu cầu là 8 tỷ đồng nhưng dự kiến bố trí 107 tỷ đồng, thừa 99 tỷ đồng…

Nhiều dự án của bộ, địa phương chưa có thông tin về quyết định đầu tư, TMĐT nhưng đã được bố trí vốn giai đoạn 2016-2020 (có dự án được bố trí vốn năm 2016 trong khi thời điểm này chưa có quyết định đầu tư). Một số dự án dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021-2025, chưa có thông tin về quyết định đầu tư, TMĐT nhưng đã được bố trí vốn, như Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn có 10 dự án.

Thậm chí, ở các dự án có nguồn vay mượn là trái phiếu chính phủ (TPCP) phần lớn mới sử dụng vốn TPCP trong danh mục chưa đủ thủ tục đầu tư, chưa đáp ứng điều kiện luật định (chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, chưa có thông tin về quyết định đầu tư) song đã được dự kiến bố trí kế hoạch vốn TPCP giai đoạn 2017-2020; hoặc dự án dự án Hồ Ngòi Giành TMĐT 580 tỷ đồng, dự kiến bố trí 683 tỷ đồng…

Một trong những kỳ vọng lớn nhất của kế hoạch đầu tư công trung hạn là khắc phục tình trạng tách biệt giữa chức năng quản lý ngân sách chi thường xuyên và ngân sách chi đầu tư. Bởi đây là một nguyên nhân làm nảy sinh những tồn tại như đầu tư công quá mức và dàn trải; đầu tư công không gắn kết chặt chẽ với khả năng ngân sách (dẫn đến tình trạng nợ công tăng cao); không cân nhắc đầy đủ đến tác động dài hạn của các dự án đầu tư công tới việc gia tăng chi tiêu thường xuyên…

Hiểu nôm na, kế hoạch đầu tư được xây dựng dựa trên kịch bản thu ngân sách trong vài năm tới. Khi các kế hoạch được thống nhất và triển khai, các chủ đầu tư, bộ, ngành, địa phương sẽ biết rõ số vốn đầu tư được phân bổ trong nhiều năm, từ đó chủ động điều tiết tiến độ đầu tư các dự án tránh tình trạng lâu nay là vốn phân bổ theo năm nên các chủ đầu tư thiếu chủ động, dẫn đến nhiều dự án dàn trải, đắp chiếu. Thế nhưng, với việc bố trí vốn nêu trên, nếu kỷ luật, kỷ cương tài chính, trách nhiệm của người đứng đầu không được đề cao, rất có thể tình trạng lãng phí trong đầu tư công lại tái diễn.

ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20170222/nguy-co-lang-phi-tai-dien.aspx