Nguy cơ 'khủng hoảng' kháng thuốc kháng sinh trên toàn cầu từ ngành công nghiệp chăn nuôi

Theo Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương), trong ngành công nghiệp chăn nuôi, hơn một nửa số thuốc kháng sinh được sử dụng cho việc tăng trưởng của động vật, và để phòng, tránh các loại bệnh cho động vật hơn là để chữa bệnh. Và khi việc sử dụng kháng sinh diễn ra quá thường xuyên, vi khuẩn sẽ có khả năng kháng thuốc và những bệnh tưởng chừng rất đơn giản có thể là nguyên nhân gây chết người.

Ảnh minh họa.

trong vài năm trở lại đây, tình trạng kháng thuốc kháng sinh đã trở thành đề tài nóng hổi trên toàn thế giới. Đây là hiện tượng các bệnh đơn giản vốn được chữa trị dễ dàng bởi thuốc kháng sinh trở nên không thể chữa được do vi khuẩn kháng lại thuốc.

Cụ thể, theo báo cáo năm 2016 phản ánh về các mối đe dọa nền kinh tế trong tương lai (Drug-Resistant Infections: A Threat to Our Future Economy) từ Ngân hàng Thế giới, từ nay đến năm 2050, hiện tượng kháng thuốc kháng sinh có thể làm tăng chi phí y tế trên thế giới lên đến 1 nghìn tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Báo cáo này cũng cho biết, trước thời điểm năm 2050, sự đề kháng đối với kháng sinh có thể đẩy thêm 28,3 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực.

Còn trong báo cáo Rà soát về hiện tượng kháng thuốc kháng sinh năm 2014, chuyên gia kinh tế Jim O’Neil cho biết, đến trước năm 2050, kháng thuốc kháng sinh có thể gay ra cái chết cho 10 triệu người mỗi năm – số lượng này còn cao hơn số lượng người tử vong mỗi năm vì bệnh ung thư.

Cũng trong một khảo sát được tiến hành bởi Trung tâm Nghiên cứu Biến động bệnh dịch, Kinh tế và Chính sách (Center for Disease Dynamics, Economics and Policy – CDDEP) năm 2015, số liệu cho thấy trước năm 2030, lượng kháng sinh sử dụng trong ngành nông nghiệp sẽ tăng thêm 2/3 so với năm 2010. Số liệu năm 2010 cho thấy, lượng kháng sinh sử dụng cho động vật là 63.200 tấn, và năm 2030 sẽ là 105.600 tấn – một con số quá lớn cho lượng kháng sinh được sử dụng cho động vật.

Tuy nhiên, kiểm soát việc chủ động sử dụng kháng sinh chỉ đóng một vai trò rất nhỏ. Bên cạnh việc sử dụng thuốc trực tiếp, việc bị động đưa kháng sinh vào cơ thể qua thức ăn mà cụ thể là thịt động vật mới là nguyên nhân chủ yếu gây ra hiện tượng kháng thuốc kháng sinh.

Ngoài ra, ngày nay, nền công nghiệp và thương mại thế giới tạo ra cơ hội du lịch và vận chuyển cho cả con người, động vật và thực phẩm, mà theo đó, vi khuẩn cũng di chuyển khắp nơi trên thế giới. Chính vì thế, hiện tượng kháng thuốc kháng sinh không phải là một vấn đề của riêng một quốc gia hay một khu vực, mà thực sự là một cuộc khủng hoảng toàn cầu cần có sự kết hợp chặt chẽ từ các quốc gia trên thế giới để giải quyết.

Nhấn mạnh thêm về vấn đề trên, Tiến sĩ Margaret Chan, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới bày tỏ quan ngại sâu sắc về hiện tượng đề kháng đối với kháng sinh, và cho rằng nền công nghiệp thực phẩm thực sự cần phải giảm việc sử dụng kháng sinh vô tội vạ.

Cùng với đó, người tiêu dùng nên nâng cao nhận thức của mình về vấn đề này và nên ưu tiên chọn nguồn thịt không sử dụng kháng sinh trong bữa ăn hàng ngày. Tiến sĩ Margaret Chan còn khẳng định, sự đề kháng thuốc kháng sinh là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, trong đó thế giới đang đối mặt với kỷ nguyên hậu kháng sinh – khi mà những bệnh rất bình thường cũng có thể gây tử vong cho con người.

Trước tình trạng đó, Tổ chức Y tế thế giới (World Helath Organization – WHO) khuyến cáo người dân chỉ nên sử dụng thuốc kháng sinh khi thực sự cần thiết và theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, kiểm soát việc chủ động sử dụng kháng sinh chỉ đóng một vai trò rất nhỏ. Bên cạnh việc sử dụng thuốc trực tiếp, việc bị động đưa kháng sinh vào cơ thể qua thức ăn mà cụ thể là thịt động vật mới là nguyên nhân chủ yếu gây ra hiện tượng kháng thuốc kháng sinh.

Trong ngành công nghiệp chăn nuôi, hơn một nửa số thuốc kháng sinh được sử dụng cho việc tăng trưởng của động vật, và để phòng, tránh các loại bệnh cho động vật hơn là để chữa bệnh. Và khi việc sử dụng kháng sinh diễn ra quá thường xuyên, vi khuẩn sẽ có khả năng kháng thuốc và những bệnh tưởng chừng rất đơn giản có thể là nguyên nhân gây chết người.

Thống kê cho thấy, người tiêu dùng và các tổ chức người tiêu dùng chính là nhân tố quan trọng nhất trong công cuộc ngăn chặn cuộc khủng hoảng kháng thuốc kháng sinh trên toàn cầu. Chính nhận thức, các yêu cầu chính đáng và sự quyết tâm của người tiêu dùng mới là động lực để các doanh nghiệp nhìn nhận và thay đổi chính sách kinh doanh. Mặc dù các yêu cầu bức thiết về xã hội và sự phát triển bền vững đã tạo ra áp lực dẫn đến việc giảm lượng kháng sinh trong chăn nuôi, nhưng nhân tố người tiêu dùng mới thực sự tạo nên bước đột phá trong công tác này. Các chuyên gia đánh giá trong thời gian tới, vai trò của người tiêu dùng trong công cuộc này sẽ phát triển hơn nữa, và sẽ có nhiều bước tiến lớn trong việc ngăn chặn hiện tượng kháng thuốc kháng sinh trên toàn cầu.

L.L

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/nguy-co-khung-hoang-khang-thuoc-khang-sinh-tren-toan-cau-tu-nganh-cong-nghiep-chan-nuoi-618824.bld