Nguy cơ khôn lường khi mắc bệnh sùi mào gà

Sùi mào gà là căn bệnh xã hội phổ biến, lây truyền chủ yếu qua đường tình dục và gây ra những tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh.

Sự việc hàng chục cháu bé ở Khoái Châu, Hưng Yên bị mắc bệnh sùi mào gà sau khi cắt bao quy đầu tại một bệnh viện tư khiến cho dư luận hết sức hoang mang, lo lắng. Thậm chí, nhiều người vẫn còn rất lạ lẫm và thiếu thông tin về căn bệnh xã hội này cũng như những tác động nguy hiểm của nó đối với sức khỏe của người bệnh.

Sùi mào gà là gì?

Bệnh sùi mào gà là một bệnh lây qua con đường tình dục và có biểu hiện giống như mào của con gà. Sùi mào gà chủ yếu xuất hiện trên bộ phận sinh dục của cả nam và nữ. Bệnh sùi mào gà nếu không được chữa trị kịp thời có thể chuyển thành ác tính, gây ung thư cổ tử cung ở phụ nữ và ung thư dương vật ở nam giới.

Sùi mào gà giai đoạn đầu.

Nguyên nhân gây bệnh sùi mào gà

Bệnh sùi mào gà chủ yếu lây truyền qua đường tình dục không an toàn do virus HPV (Human papilloma virus) gây ra. Nam giới bị sùi mào gà thường là do quan hệ tình dục không an toàn, quan hệ với gái mại dâm, quan hệ tình dục bừa bãi, quan hệ với nhiều đối tác trong cùng một thời điểm.

Sùi mào gà có thể lây truyền từ mẹ sang con. Những người có sức đề kháng kém, vô tình tiếp xúc với dịch nhầy, mủ, máu hoặc các vết thương hở của người bệnh cũng có thể lây nhiễm bệnh sùi mào gà.

Những người mang virus HIV-AIDS, đối tượng chích ma túy có nguy cơ cao nhiễm virus sùi mào gà hơn đối tượng thông thường. Virus HPV có thể lây truyền ngay cả khi quan hệ tình dục qua miệng, hậu môn hoặc các tiếp xúc ngoài. Ngoài ra, việc tiếp xúc gián tiếp như sử dụng chung đồ dùng... cũng có thể lây truyền mầm mống virus sùi mào gà.

Dấu hiệu bệnh sùi mào gà

Sùi mào gà thường ủ bệnh từ 3 tuần đến 9 tháng. Biểu hiện ban đầu của bệnh sùi mào gà là những vết sùi nhỏ mềm và nhô cao lên màu hồng tươi, đường kính khoảng 1, 2 mm, có chân hoặc có cuống; hoặc là những đĩa bẹt tròn nhỏ bề mặt ráp, màu hồng, hầu như ít ngứa, không đau và dễ gây chảy máu.

Về sau, chúng có thể phát triển thành những gai hoặc lá, chiều dài có thể lên đến vài cm, có thể liên kết với nhau tạo lên mảng rộng trông giống như mồng gà hoặc hoa súp lơ màu hồng tươi. Bề mặt mềm, ẩm ướt, giữa các nhú sùi có thể ấn ra một giọt mủ.

Các tổn thương thường xuất hiện ở bộ phận sinh dục và vùng lân cận, ngoài ra tổn thương có thể xuất hiện ở khắp cơ thể. Có thể thấy tổn thương dạng phẳng rất khó phát hiện.

Ở nam giới, các biểu hiện bệnh sùi mào gà thường xuất hiện tại các vị trí như: Dương vật, bao quy đầu, dây chằng quy đầu, trên quy đầu, miệng lỗ sáo, da bìu, thậm chí là trong niệu đạo, hậu môn. Tổn thương ở giai đoạn đầu là thường là các nốt nhỏ, không có cảm giác đau hay ngứa, càng ngày càng to và nhiều lên, hình dạng giống như nốt mẩn, u nhú, hình súp lơ hoặc hình mào gà.

Triệu chứng sùi mào gà ở nữ giới có thể bao gồm: Đau nhức, ngứa rát cục bộ, ra máu và tiết dịch âm đạo sau khi giao hợp, thường gặp nhất tại âm môi, thường mềm, có màu hồng hoặc màu trắng đục, không có cuống u trên mạch máu, tập trung dầy, ban đầu xuất hiện tại những vùng ẩm ướt và vị trí tiếp xúc cọ sát như miệng âm đạo, âm hộ, lỗ niệu đạo,màng trinh, cũng có thể lan rộng đến âm môn và các vị trí khác hoặc xung quanh hậu môn.

Video: Bao cao su thông minh đổi màu khi phát hiện mầm bệnh tình dục

Phương pháp chữa bệnh sùi mào gà

Nếu không được chữa trị, các triệu chứng của bệnh sùi mào gà sẽ ngày càng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tới tâm lý và sinh hoạt của người bệnh.

Ngoài ra, người mắc bệnh sùi mào gà nếu không được điều trị còn có thể dễ dàng lây nhiễm sang cho vợ (bạn tình) khi có quan hệ tình dục không an toàn, bệnh cũng có thể lây sang cho những người xung quanh nếu có tiếp xúc với dịch mủ của người bệnh.

Bên cạnh đó, tổn thương sùi mào gà nếu xuất hiện tại bộ phận sinh dục sẽ là cơ hội cho viêm nhiễm phát triển, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản và làm tăng nguy cơ gây vô sinh hiếm muộn. Người mắc bệnh sùi mào gà còn có nguy cơ suy giảm hệ miễn dịch, là cơ hội cho các vi khuẩn, mầm bệnh khác xâm nhập, gây bệnh, đặc biệt là bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV, lậu, giang mai…

Hầu hết sùi mào gà dạng nhỏ và ít thường tự mất đi sau một thời gian, có thể không cần chữa trị gì. Những trường hợp nặng thì phải chữa ở bệnh viện có chuyên khoa da liễu. Việc điều trị sùi mào gà chủ yếu nhằm phá hủy tổn thương sùi chứ không thể tiêu diệt được virus. Hiện nay, một số cách chữa sùi mào gà phổ biến nhất đó là:

- Dùng các loại thuốc chấm, thuốc bôi để làm rụng nụ sùi như axid trichloaxetic, podophyllotoxine...

- Đốt điện, đốt lazer, đốt lạnh bằng ni tơ lòng để tiêu diệt nụ sùi

- Với những trường hợp đã có biến chứng ung thư thì việc điều trị sẽ tập trung theo hướng điều trị ung thư như: Hóa trị, xạ trị, phẫu thuật kết hợp hóa trị và xạ trị.

Quỳnh Chi (Tổng hợp)

Nguồn VTC: http://vtc.vn/suc-khoe/nhung-dieu-can-biet-de-bao-ve-ban-than-khoi-benh-sui-mao-ga.1-336312.htm