Ngưỡng mộ nhóm nông dân bỏ tiền tỷ thuê ruộng canh tác gạo sạch

Không phải là doanh nghiệp mà cũng chẳng đại gia, họ là nông dân “chính chủ”, vốn liếng ít ỏi, nhưng với tâm huyết nghề trồng lúa, họ đã tìm đất để “tích tụ” sản xuất gạo sạch. “Sau khi thỏa thuận với 15 hộ dân trồng lúa với diện tích thấp nhất 2,4 công/hộ, cao nhất 1ha/hộ, tổng cộng 20ha, mình thuê giá 39 triệu đồng/ha/năm...".

Nông dân Nguyễn Văn Bùi, một cộng sự quản lý của anh Võ Văn Tiếng trên cánh đồng lúa sạch

Sau hơn 30 phút chạy xe gắn máy từ tỉnh lộ 478 vào khu vực trại lúa nằm cách trạm bơm Lũng Tượng thuộc xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp chừng 500m, đập vào mắt chúng tôi là một lán rộng dã chiến được xây dựng bằng lá dừa nước, đây là nơi ăn ở của 10 lao động để chăm sóc cho 20ha ruộng lúa.

Nông dân trẻ Võ Văn Tiếng (26 tuổi) kết hợp nông dân già Nguyễn Văn Bùi (62 tuổi) cùng góp sức, góp của, xây dựng lên trại lúa này từ đầu năm nay.

Anh Tiếng cho biết, khác với HTX có thuận lợi về vốn liếng, được nhà nước hỗ trợ vốn vay trong việc thuê đất, còn mình là nông dân nên đi “gom” đất để sản xuất theo cánh đồng lớn ban đầu cực khó, bởi trước hết là không có tiền nhiều, còn nếu thuê đất thì giá cũng phải cao hơn mức đang áp tại địa phương là 30 triệu đồng/ha/năm.

“Sau khi thỏa thuận với 15 hộ dân trồng lúa với diện tích thấp nhất 2,4 công/hộ, cao nhất 1ha/hộ, tổng cộng 20ha, mình thuê giá 39 triệu đồng/ha/năm trong thời hạn 5 năm, tổng cộng 3,9 tỷ đồng.

Do số tiền lớn nên phải nhờ chính quyền vận động xin dân trả làm 3 đợt, bởi mình không phải doanh nghiệp hay đại gia mà sẵn tiền thanh toán một lần.

May mắn có huyện hỗ trợ tạm ứng 200 triệu đồng từ vốn ngân sách nên đến nay về “quyền sử dụng đất” coi như yên tâm. Đến nay, mình đã đầu tư hết 2,2 tỷ đồng, trong đó 20% là vốn vay”, anh Tiếng chia sẻ.

Các lao động tri thức về làm việc tại trại lúa sạch không ăn lương, chỉ học hỏi kinh nghiệm

“Tất cả hộ cho thuê ruộng đều có cuộc sống đỡ hơn vì họ lên TP làm công nhân hoặc buôn bán có thêm thu nhập, còn nông dân đi thuê, tích tụ ruộng đất để sản xuất gạo sạch cũng từng bước khẳng định có hiệu quả. Nhưng thực tế mô hình này vẫn còn rất hiếm!” - ông Nguyễn Trạng Sư, PCT UBND huyện Hồng Ngự.

Sau khi nhận bàn giao ruộng từ người cho thuê, điều đầu tiên là anh Tiếng và ông Bùi thuê máy móc san ủi mặt bằng cho liền vùng, liền thửa để thuận lợi cơ giới hóa.

Sau đó lên “giáo án” qui trình kỹ thuật trồng lúa sạch mà không dùng phân bón, không xịt thuốc trừ sâu, trong đó có việc nhổ cỏ bằng tay bao gồm cỏ voi trên bờ và cỏ dại dưới ruộng bằng chính số công lao động đang có ở trại.

Theo ông Bùi, do vùng Hồng Ngự là cái “rốn lũ” của thượng nguồn, dù năm nay lũ không về nhưng cánh đồng lớn luôn phải có đê bao bảo vệ tứ bề, nhờ vậy tận dụng thả cá (sặc rằn, thát lát, điêu hồng, cá rô) trong ruộng nước, khi nào thu hoạch thì chắt nước cho ruộng cạn để đưa cá xuống kênh, sau khi vệ sinh đồng ruộng xong lại bơm nước cho cá lên ruộng.

Cũng nhờ ruộng “thẳng cánh cò bay” mà nuôi thêm 500 con vịt đẻ, 3.000 vịt con, sau 4 tháng vịt con lời 200 triệu đồng, vịt đẻ mỗi đêm thu 600 ngàn đồng tiền bán trứng, vị chi 18 triệu đồng/tháng đủ trả tiền thuê công lao động.

Mới đây, thu hoạch lúa hè thu (tháng 5-8), năng suất đạt 4,2 tấn/ha, xay ra bán gạo sạch mang thương hiệu “Tâm Việt” (còn gọi gạo hữu cơ) giá 30 ngàn đồng/kg, vụ đầu tiên không chỉ hòa vốn tiền thuê đất mà còn lãi được 100 triệu.

Nông dân Võ Văn Tiếng nhận giải nhất cuộc thi “Dự án khởi nghiệp 2016” vào đêm 2/10 tại TPHCM

"Cho thuê đất sướng hơn"

Ông Lê Văn Quí, cho mướn 1ha theo hợp đồng 5 năm là 195 triệu đồng, ông nhận trước 2 năm đầu là 78 triệu, nói bộc bạch: “Tui trồng lúa phải đi thăm đồng thường xuyên, lãi cao nhất 40 triệu đồng/ha/năm, nay không làm gì mà thu nhập xấp xỉ từng ấy thì cho mướn đất sướng hơn. Họ cũng là nông dân, nhưng biết tính toán làm ăn nên mình có giao đất cho họ làm ăn cũng tin tưởng”.

Ông Hồ Hồng Giang, Phó chủ tịch xã Thường Thới Tiền cho biết, tỉnh và huyện đều hết sức tâm đắc và ủng hộ mô hình trồng gạo sạch, cũng như khả năng tổ chức sản xuất của anh Tiếng. “Trong điều kiện hiện nay, những người dám nghĩ dám làm như anh ấy là rất hiếm. Do đây là mô hình mới của địa phương nên huyện, xã bám sát, hàng tuần đều có báo cáo số liệu nghiêm túc”, ông Giang nhấn mạnh.

+ Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, nhằm khuyến khích sản xuất lớn, chính quyền địa phương thời gian qua đã hỗ trợ 50% lãi suất cho nông dân thuê đất để mở rộng diện tích, tối thiểu 3ha. Bước đầu thực hiện thí điểm ở các mô hình HTX như Tân Cường, Phú Bình và Tân Tiến

+ Mô hình tích tụ đất trồng lúa không dùng phân bón, thuốc trừ sâu để tạo ra hạt gạo sạch và tư duy tích cực của nông dân Võ Văn Tiếng đã giúp anh đoạt giải nhất cuộc thi “Dự án khởi nghiệp 2016” do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp cùng Dự án Sáng tạo Khởi nghiệp và Quỹ Start-up Vietnam Foundation phối hợp được tổ chức mới đây tại TP.HCM.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nguong-mo-nhom-nong-dan-bo-tien-ty-thue-ruong-canh-tac-gao-sach-post177265.html