Ngưỡng điểm xét tuyển cần sát với thực tế

Kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm nay cho thấy điểm của thí sinh khá cao, song nhiều trường thuộc tốp trên lại đưa ra ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển thấp gần bằng điểm sàn. Điều này có khả năng gây ra tình trạng thí sinh nộp hồ sơ ồ ạt, nhưng ít có cơ hội trúng tuyển. Vì thế việc đưa ra ngưỡng điểm xét tuyển như thế nào đang là vấn đề cần đặt ra đối với nhiều trường đại học.

Phân tích kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2017, Bộ GD và ĐT nhận định: Phổ điểm theo khối thi không bị dốc, hệ số dôi dư dồi dào... Đây là những yếu tố đem lại sự thuận lợi cho các trường đại học trong công tác xét tuyển. Tuy nhiên, diễn biến thực tế đặt ra một số vấn đề đòi hỏi các trường xem xét thêm.

Năm 2016, Hội đồng tuyển sinh quyết định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn) là 15 điểm. Với mức này, số thí sinh đạt ngưỡng điểm xét tuyển đại học là 404.282 chỉ tiêu, trong khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học là 317.639 người, hệ số dư là 1,27. Năm 2017, với mức điểm sàn là 15,5 điểm, nếu mỗi thí sinh trên điểm sàn được tính một lần duy nhất, không phân biệt số thứ tự nguyện vọng thì số thí sinh đạt ngưỡng điểm trên điểm sàn là 535.798 thí sinh. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu là 332.496, như vậy hệ số dôi dư tổng quát là 1,61. Nếu tính đã lọc thí sinh trùng theo nguyện vọng một thì hệ số dôi dư là 1,39.

Bộ GD và ĐT cho biết đã dùng hệ thống phần mềm xét tuyển, lọc ảo và đưa ra dự báo ở mức điểm sàn. Ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên, dự kiến tất cả các trường trong cả nước sẽ tuyển được 83% chỉ tiêu, trong đó có 85 trường tuyển sinh đạt 100% chỉ tiêu; 66 trường tuyển sinh đạt từ 80 đến 99% chỉ tiêu; 83 trường tuyển sinh đạt từ 40 đến 79% chỉ tiêu.

Những dự báo và số liệu nêu trên là hết sức khả quan cho công tác tuyển sinh năm 2017. Tuy nhiên, trên thực tế, các trường vẫn chưa thật sự "tự tin" sẽ hoàn thành việc tuyển sinh. Ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển do các trường tốp trên công bố cho thấy rõ điều này. Chỉ có một số ít trường đại học như: Bách khoa Hà Nội, Ngoại thương, Kinh tế quốc dân, Học viện Báo chí và Tuyên truyền... đưa ra ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển cách biệt với ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đại học của Bộ GD và ĐT (15,5 điểm). Cụ thể ngưỡng điểm xét tuyển của Trường đại học Bách khoa Hà Nội được xác định từ 20 đến 24 điểm (tùy theo ngành, nhóm ngành; ngưỡng xét tuyển của Trường đại học Kinh tế quốc dân ở tất cả 25 mã ngành là 18 điểm; Học viện Báo chí và Tuyên truyền đưa ra mức nhận hồ sơ cho một số ngành tới 26 điểm; Trường đại học Ngoại thương cũng nhận hồ sơ ở mức từ 20,5 đến 22,5 điểm (tùy từng ngành)... PGS, TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định: Ngưỡng xét tuyển mà trường quan tâm không phải là 15 điểm, mà phải 20 điểm trở lên. Ngưỡng điểm để thí sinh nộp hồ sơ của trường được xét tùy theo nhóm ngành, tùy theo thời điểm. Nếu năm trước, nhóm ngành lấy điểm nộp hồ sơ từ 21 điểm, thì năm nay, với mặt bằng điểm cao, có thể phải lấy tới 22 đến 23 điểm. Theo thống kê của Bộ GD và ĐT, mức điểm trung bình của các khối thi khi đã được tính điểm ưu tiên năm nay khá cao. Khối A, điểm trung bình là 18,38; khối A1 là 17,86; khối B là 17,72 điểm; khối C là 18,66 điểm; khối D là 17,51 điểm.

Thống kê của Trường đại học Bách khoa Hà Nội (đơn vị chủ trì nhóm tuyển sinh chung của 56 trường đại học phía bắc năm 2017) cho thấy số thí sinh đạt điểm từ 26 trở lên khá đông. Riêng số thí sinh của các tỉnh phía bắc đạt mức 26 đến 27 điểm nằm trong mối quan tâm đặc biệt của các trường "tốp trên" đã lên đến hàng nghìn thí sinh. Để lọc thí sinh, những năm trước trường chỉ cần sử dụng một tiêu chí phụ, nhưng năm nay phải sử dụng hai tiêu chí phụ.

Trong khi điểm của thí sinh cao, tỷ lệ dôi dư lớn hơn năm trước... nhưng nhiều trường thuộc nhóm có truyền thống hằng năm lấy điểm chuẩn đầu vào từ cao đến rất cao lại chỉ đưa ra mức điểm nhận hồ sơ tương ứng với mức điểm sàn như: Trường đại học Hà Nội, Trường đại học Luật Hà Nội, Trường ĐH Y Hà Nội. Tuy nhận hồ sơ mức điểm sàn, nhưng Trường đại học Y Hà Nội đưa ra tiêu chí phụ và thứ tự ưu tiên của các tiêu chí phụ dùng để xét tuyển. Vì thế, nếu thí sinh có mức điểm quanh "mức sàn" chỉ căn cứ vào mức điểm nhận hồ sơ để tìm cơ hội thì nhiều khả năng sẽ thất bại. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa ra ngưỡng điểm xét tuyển như thế nào cũng là vấn đề cần đặt ra đối với các trường có thông lệ lấy điểm trúng tuyển cao, để thể hiện trách nhiệm đối với các trường tốp dưới, trách nhiệm đối với thí sinh. Nếu đặt ngưỡng điểm nộp hồ sơ thấp để rồi thí sinh nộp hồ sơ ồ ạt, thì sẽ gây lãng phí và cả gây thất vọng đối với thí sinh.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/item/33499902-nguong-diem-xet-tuyen-can-sat-voi-thuc-te.html