Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2011-2016 đạt hơn 6.510 tỷ đồng

Ngày 24/3, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị “Phát triển dịch vụ môi trường rừng bền vững”.

Quang cảnh hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, trong bối cảnh nguồn lực cho bảo vệ và phát triển rừng còn chưa tương xứng với tiềm năng, chủ yếu vẫn dựa vào ngân sách nhà nước, thì việc huy động nguồn lực xã hội cho công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng là hết sức cấp thiết.

Đến nay, chi trả dịch vụ môi trường rừng đóng vai trò quan trọng trong lộ trình tái cơ cấu và định hướng phát triển nhanh, bền vững ngành lâm nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành TƯ Đảng khóa X.

Sau hơn 8 năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (2008-2016) đã từng bước lan tỏa, tạo ra nguồn tài chính mới, ổn định, bền vững cho bảo vệ phát triển rừng, gia tăng đóng góp của ngành lâm nghiệp trong nền kinh tế quốc dân, góp phần cải thiện sinh kế, ổn định đời sống của người làm nghề rừng, đặc biệt là đồng bào các dân tộc ít người ở các vùng miền núi.

Đến nay, toàn quốc đã có 42 Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng từ trung ương đến địa phương, huy động ủy thác nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2011-2016 đạt hơn 6.510 tỷ đồng, bình quân trên 1.200 tỷ đồng/năm. Tiền dịch vụ môi trường rừng đã góp phần quản lý bảo vệ 5,8 triệu ha rừng, chiếm 42% tổng diện tích rừng toàn quốc, góp phần hỗ trợ cho chủ rừng có kinh phí quản lý bảo vệ rừng; hỗ trợ các công ty lâm nghiệp khi dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên và hỗ trợ kịp thời cho người dân miền núi bảo vệ rừng có điều kiện nâng cao đời sống trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang khó khăn.

Theo ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn 3 năm 2012-2015, tiền dịch vụ môi trường rừng hàng năm thu được bình quân 1.300 tỷ đồng. Số tiền này lớn hơn số tiền ngân sách đầu tư cho toàn ngành lâm nghiệp. Trong năm 2017, đầu tư cho ngành lâm nghiệp chỉ bằng 30% so với năm 2016, tức là chỉ có khoảng 300 tỷ cho đầu tư của trung ương cho ngành lâm nghiệp. Trong 1.300 tỷ đồng có 97% là thu từ các nhà máy thủy điện cung cấp nước và hơn 2% là thu từ các nhà máy nước sạch còn lại là thu gián thu. Đây là nguồn tài chính ổn định, bền vững có khả năng sẽ được tiếp tục tăng cao do khai thác các dịch vụ môi trường rừng. Qua đó sẽ góp phần làm giảm đầu tư ngân sách nhà nước đầu tư cho ngành lâm nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, tổng diện tích đất lâm nghiệp có rừng của cả nước là 14 triệu ha (theo kết quả điều tra thống kê đến năm 2015). Từ khi thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã đem lại hiệu quả bước đầu, nhiều người dân đã có thêm nhu nhập từ rừng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng chỉ ra những bất cập về rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn, đa dạng sinh học suy giảm, hệ sinh thái không còn như trước. Người làm rừng, người trồng rừng chưa thực sự sống được từ rừng tại một số khu vực. Để giải quyết vấn đề này cần sự đồng lòng của cả xã hội, cả hệ thống chính trị; phải theo nguyên tắc “lấy rừng nuôi rừng”, đó mới là bình đẳng, không thể lấy ngân sách nhà nước ra mãi được. Phải làm sao để người trồng rừng, người làm rừng sống được nhờ rừng.

Xuân Thảo

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nguon-thu-tu-dich-vu-moi-truong-rung-giai-doan-2011-2016-dat-hon-6-510-ty-dong.aspx