Nguồn lực kiều bào

Nhiều kiều bào được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) mời về nước dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ 3, tại TP HCM đã không khỏi xúc động khi nhận thấy sự đổi thay rất lớn của thành phố mang tên Bác kể từ sau Hội nghị lần thứ 2 vào năm 2012. Bà con kiều bào mong muốn được đóng góp công sức, trí tuệ của mình để góp phần giúp thành phố lọt vào tốp đô thị có chất lượng sống tốt nhất khu vực.

Đại biểu kiều bào về nước thăm địa đạo Củ Chi, TP HCM (Ảnh: Hồng Phúc).

Giao thông cần đi trước

Lần đầu tiên trở về Việt Nam sau 36 năm định cư ở Hoa Kỳ, nhà báo Nguyễn Phương Hùng-Việt kiều, Chủ bút KBCHN (tại Calofornia, Hoa Kỳ) đã không khỏi ngạc nhiên trước sự thay đổi của đất nước, đặc biệt là đô thị TP HCM.

Góp ý cho sự phát triển của thành phố mang tên Bác, ông Hùng cho biết, để phát triển và xây dựng TP HCM trong tương lai thì giao thông là điều tiên quyết. Nhất là lợi thế khi mà Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã có kinh nghiệm trong thời gian lãnh đạo ở Bộ Giao thông Vận tải.

“Trước hết là văn hóa giao thông cần được tuyên truyền nhiều hơn. Xử lý vi phạm luật giao thông cần phải làm nghiêm hơn. Cần nghiên cứu di dời các cơ quan hành chính ra ngoại ô và tập trung lại một điểm như tòa nhà hành chính UBND tỉnh Bình Dương, Đà Nẵng.

Các trường đại học cũng nên đưa ra ngoại ô. Nhất là các cơ sở công nông nghiệp, các nhà máy sản xuất nên đưa ra ngoài vừa tránh ô nhiễm vừa giải quyết nạn kẹt xe”, ông Hùng hiến kế.

Ông Nguyễn Phương Hùng cũng cho rằng, các tỉnh miền Tây Nam bộ nên mở thêm hệ thống di chuyển bằng tàu ngoài những đường cao tốc mới từ TP HCM.

Bởi vì ở Việt Nam ít có động đất nên việc thiết lập Metro cũng là một phương án giải quyết nạn kẹt xe. New York và các thành phố lớn ở Nga là tiêu biểu cho hệ thống Metro hiện đại cần áp dụng xây dựng tại TP HCM và đi các tỉnh.

Song song đó cao tốc vòng đai TP HCM tương tự thành phố Dallas ở Hoa Kỳ, vòng đai cao tốc dùng để vào trung thành phố từ bất cứ hướng nào Đông, Tây, Nam, Bắc dễ dàng mà không cần chạy vào thành phố.

Ngoài hệ thống đường bộ, hệ thống đường thủy cũng chưa được khai thác nhiều từ TP HCM về miền Tây. Việc gia tăng nhu cầu đường thủy kéo theo kỹ nghệ đóng tàu trong nước cũng phát triển. Việt Nam có tiềm năng rất lớn khi có một chiều dài hơn 2 ngàn cây số đường biển nhìn ra Thái Bình Dương.

Với dân số hơn 90 triệu người, Việt Nam là một thị trường lớn nên thu hút nhiều đầu tư. Do đó, ông Nguyễn Phương Hùng cũng góp ý, những cơ sở hoặc trung tâm kỹ nghệ cần được thiết lập và đề nghị tập trung vòng quanh TP HCM trung tâm kỹ nghệ miền Tây như cửa ngõ Long An, Trảng Bàng, Củ Chi, Biên Hòa, Long Thành ,...

Những cao ốc cũng cần được xây dựng ven đô. Bệnh viện đa khoa vẫn còn thiếu cần kêu gọi đầu tư nhiều từ bên ngoài.

“Cái nôi” của khởi nghiệp

TS Sinh Sott Nguyen, Việt kiều Mỹ, nguyên giảng viên Đại học Y Harvard nhìn nhận, dù có nhiều đổi mới nhưng chính sách cho kiều bào chưa hấp dẫn, do vậy chưa thu hút được việt kiều về đóng góp cho quê hương một cách hiệu quả nhất.

Chẳng hạn, quy định chỉ cần người có nguồn gốc Việt Nam về nước nhập cảnh từ 3 tháng trở lên là được phép mua nhà, nhưng thực tế không phải địa phương nào cũng thống nhất chính sách cũng như vậy.

Từ đó, TS Sott Nguyen góp ý: Việt kiều về nước, họ phải được biết cái họ cần đóng góp cho xã hội là gì và các địa phương trong nước cần có quy chuẩn rất rõ ràng để các nhà trí thức, nhà khoa học được hưởng một cơ chế đặc thù, ít nhất là về đãi ngộ.

Đó là bởi vì, lực lượng trí thức của đội ngũ Việt kiều tại Mỹ hiện chiếm khoảng 30%, do đó cần có chính sách để thu hút nhóm trí thức kiều bào này.

Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh (nguyên cựu học viên Đại học San Jose State) cho rằng, một trong những chính sách để thu hút đội ngũ trí thức kiều vào về thành phố làm việc là phải có chính sách hấp dẫn.

Chẳng hạn, mới đây TP HCM có chính sách về khởi nghiệp, nghĩa là kêu gọi đội ngũ trí thức kiều bào về nước để khơi dậy phong trào này trên các lĩnh vực. Bản thân Thạc sĩ Tuấn Anh là một điển hình.

Bảo vệ thạc sĩ ngành quản trị hành chính công tại Đại học San Jose State (Hoa Kỳ), Nguyễn Tuấn Anh (nguyên Chủ tịch Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại California) là một trong những trí thức trẻ kiều bào đưa ra quyết định trở về quê hương cống hiến, tham gia công tác tại Thành Đoàn TP HCM. Sau đó, được phân công làm Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển kinh tế và Cung ứng lao động Q.5 (TP HCM).

Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh cho biết, với những kiến thức có được từ quốc gia có phong trào khởi nghiệp phát triển hàng đầu thế giới, anh muốn những kiến thức này sẽ chắp thêm hoài bão và ước mơ để các bạn trẻ thêm tự tin bước vào khởi nghiệp.

Tại TP HCM, việc ưu tiên cho “Thanh niên khởi nghiệp” được Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định: “Khởi nghiệp là một trong những lĩnh vực đột phá quan trọng nhằm thúc đẩy tiềm năng doanh nhân trẻ đầy sáng tạo lập nghiệp và làm giàu cho chính mình và đóng góp cho sự thịnh vượng của thành phố”.

Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh tin tưởng, TP HCM với kinh nghiệm trong “xé rào” tổ chức nhiều mô hình điểm, sau đó đều được nhân rộng cả nước thì chắc chắn phong trào khởi nghiệp của thành phố sẽ đem lại kết quả rất cao.

Nguyễn Tuấn Anh cho biết, đối tượng đầu tiên là các hộ kinh doanh cá thể để chuyển sang doanh nghiệp đã được thành phố bố trí gói đầu tư 1.000 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.

Đồng thời, việc nâng cao hiệu quả Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ; phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ để triển khai mô hình VietNam Silicon Valley hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn nữa để cổ vũ cho phong trào khởi nghiệp của thành phố.

Tính đến thời điểm này, Hội LHTNVN TP đã có hai nguồn Quỹ hỗ trợ tài chính cho người khởi nghiệp, trong đó Quỹ hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp Thành phố có quy mô vốn 100 tỷ đồng (giai đoạn 2016 - 2020), hoạt động chủ yếu theo mô hình vay tín chấp, ưu đãi lãi suất cho các mô hình khởi nghiệp; Quỹ Đầu tư khởi nghiệp và sáng tạo TP (HSIF) vừa ra mắt, với số vốn ban đầu là 30 tỷ đồng.

Nhìn vào những con số biết nói nêu trên, Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh kỳ vọng TP HCM sẽ tiếp tục là “cái nôi” của cả nước trong phát huy hiệu quả của phong trào khởi nghiệp.

Ngoài Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh, hiện nay TP.HCM cũng thu hút được hàng ngàn trí thức kiều bào giỏi về thành phố đầu tư, làm ăn, cống hiến cho thành phố.

Có những người như Giáo sư Võ Văn Tới, ông David Dương, Giáo sư Dương Nguyên Vũ, TS Nguyễn Quốc Bình, GS Nguyễn Đăng Hưng,… vẫn đang ngày đêm cống hiến trên các lĩnh vực đột phá để kỳ vọng một tương lai “hóa rồng” cho thành phố đông dân nhất nước.

Thành Luân

Từ khóa

nguồn lực Kiều bào TP HCM Đinh La Thăng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/que-huong-hai-ngoai/nguon-luc-kieu-bao/133952