Nguồn gốc và ý nghĩa của Lễ Khai ấn đền Trần

Lễ Khai ấn đền Trần là nghi lễ được tổ chức vào đầu năm mới với ý nghĩa mang tính nhân văn thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông dựng nước, giữ nước.

Lễ khai ấn đền Trần là một tập tục có từ thế kỷ XIII, chính xác là vào năm 1239 của triều đại nhà Trần. Tại phủ Thiên Trường, vua Trần mở tiệc chiêu đãi và phong chức cho những quan quân có công. Những năm kháng chiến chống Nguyên Mông sau đó, Lễ khai ấn bị gián đoạn cho tới năm 1262 thì được Thượng hoàng Trần Thánh Tông cho mở lại.Trải bao thế kỷ, ấn cũ không còn.

Năm 1822, vua Minh Mạng qua Ninh Bình có ghé lại đây và cho khắc lại. Ấn cũ khắc là “Trần triều chi bảo”, ấn mới khắc là “Trần triều điển cố” để nhắc lại tích cũ. Dưới đó có thêm câu “Tích phúc vô cương”. Lễ khai ấn là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ Trời, Đất, tiên tổ, thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông.

Lễ hội đền Trần năm 2017 sẽ được tổ chức từ ngày 7-12/2/2017 (Ảnh Internet)

Ý nghĩa của Lễ Khai ấn đền Trần

Không phải ai về xin ấn đền Trần cũng hiểu được hết ý nghĩa của nghi lễ này. Bản chất của bốn chữ “Tích phúc vô cương” trên ấn là Nhà Trần ban cho con cháu cái phúc, dạy con cháu, bách gia trăm họ phải biết giữ gìn phẩm chất đạo đức, tích phúc thật tốt, phúc đức càng dầy thì được hưởng lộc càng bền vững. Đấy là ý nghĩa giáo dục sâu sắc nhất của việc ban ấn. Ý nghĩa của ấn chỉ đơn giản như vậy nhưng không phải ai cũng hiểu mà vẫn còn một số lầm tưởng rằng, xin ấn để cầu “thăng quan, tiến chức”. Vì vậy, những ai cầm ấn trong tay mà không hiểu bản chất ý nghĩa sâu sắc đó thì ấn cũng chẳng có giá trị gì.

Lễ phát ấn sẽ bắt đầu từ lúc 5h ngày 15 tháng Giêng, tại khu vực nhà Giải Vũ, nhà trưng bày và đền Trùng Hoa. (Ảnh Internet)

Lễ khai ấn đền Trần năm 2017

Lễ khai ấn đền Trần tại Nam Định diễn ra tại Đền Trần, Chùa Tháp là di tích lịch sử, văn hóa ở làng Tức Mặc phường Lộc Vượng, TP Nam Định, nơi xưa là quê hương nhà Trần.

Lễ hội đền Trần năm 2017 sẽ được tổ chức từ ngày 7-12/2/2017 (ngày 11-16 tháng Giêng năm Đinh Dậu), với trọng tâm là Lễ khai ấn vào đêm 14 tháng Giêng.

Theo kế hoạch, đêm 14 tháng Giêng, sau khi Ban Tổ chức thực hiện xong nghi lễ dâng hương, rước kiệu ấn và khai ấn, từ 23h55 phút, đền Trần sẽ được mở cửa để nhân dân và du khách vào lễ đầu năm.

Lễ phát ấn sẽ bắt đầu từ lúc 5h ngày 15 tháng Giêng, tại khu vực nhà Giải Vũ, nhà trưng bày và đền Trùng Hoa. Từ 7h ngày 16 sẽ tiếp tục phát ấn cho đến khi hết. Ban Tổ chức lễ hội dự kiến chuẩn bị số lượng ấn đáp ứng nhu cầu của nhân dân, du khách.

Ngoài ra, trong thời gian lễ hội, Ban Tổ chức sẽ tổ chức các hoạt động truyền thống như múa lân, múa rồng, hát chèo, chầu văn, thi đấu cờ người…

K.N (tổng hợp)

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/nguon-goc-va-y-nghia-cua-le-khai-an-den-tran-128589/