Người vùng cao Sơn La mong bình yên qua sông suối

“Không có cây cầu cứng ở mỗi con suối, dòng sông, con người dễ gặp nhiều hiểm nguy. Bởi thế, chúng tôi rất muốn có những cây cầu vững chãi để qua suối dữ” – anh Đinh Văn Thực (xã Huy Thượng, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) chia sẻ.

Mất người, mất của bởi thiếu cây cầu vững

Hiện mọi du khách khi đến Sơn La có thể đi từ nhiều tỉnh lân cận: Hà Nội qua Hòa Bình đến Mộc Châu theo tuyến Quốc lộ 6; Yên Bái về Phù Yên lên Sơn La theo Quốc lộ 41 hoặc 37; Than Uyên (Lai Châu) về Quỳnh Nhai đến Sơn La theo tuyến Quốc lộ 279… Trên những tuyến đường ấy, thời gian đi đường cũng như hiểm nguy đã đươc rút ngắn bởi Sơn La đã được đầu tư nhiều cây cầu cứng vững chãi bắc qua con sông Đà hùng vĩ cũng như nhiều sông, suối khác.

Vượt suối Nậm Lừn về với xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La
những ngày không có mưa lũ. Ảnh: K.T

Nhưng đấy chỉ là chuyện trên các tuyến quốc lộ. Khi đến những xã, bản của vùng cao, việc phải vượt qua những chiếc cầu tạm chòng chành với vài ba khúc tre, gỗ giản đơn bắc qua sông, suối thì không ít người phải rùng mình. Anh Đinh Văn Thực, dân tộc Mường ở xã Huy Thượng, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La tâm sự: Suối Mường Tấc này thường ngày êm ả vậy thôi. Nhưng khi mùa mưa lũ đến, nước cũng dâng cao và chảy xiết lắm đấy. Ngày trước, do chưa có những cây cầu vững chãi, đã có không ít người bị ngã xuống suối, mất xe đạp, mất của cải và mất cả mạng người…

Ông Phạm Duy Hưng - lãnh đạo, một trong những doanh nghiệp từng tham gia xây dựng nhiều cây cầu bắc qua suối Sập trên đất Phù Yên kể: “Khi tôi cùng lãnh đạo huyện Phù Yên đi khảo sát tuyến để làm cầu tại xã Quang Huy năm 2012, ông Hoàng Quốc Khánh, khi ấy là Bí thư Huyện ủy Phù Yên đã phải nhảy xuống suối để đẩy xe giúp dân qua suối Tấc và cùng nghe người dân kể về những cái chết bi thương, những tai nạn đau lòng trên con suối này. Vì thế, dù rất khó khăn nhưng huyện Phù Yên vẫn cố gắng để có những cây cầu treo, cầu cứng, đập tràn vững chãi bắc qua suối Tấc.

Mong cây cầu cứng

Trong những đợt mưa lũ vừa qua, đến với nhiều làng, bản của Sơn La, chứng kiến những cây cầu chỉ sau một trận lũ lớn là biến mất hoặc trơ lại một vài mảnh gỗ nhỏ với vòng dây thép loằng ngoằng mới hiểu thêm được những khao khát của người dân nơi đây.

Với người dân bản Na Va, xã Sập Vạt huyện Yên Châu thì: Bắc một cây cầu qua suối không chỉ đơn giản là nối hai bờ con suối mà còn phải đảm bảo cầu cây ấy an toàn trong mọi thời tiết. Ông Quàng Văn Quý-Trưởng bản Na Va, thật thà: “Con suối Sập này vốn rất hung dữ bới có độ dốc cao, khe hẹp, nhiều đá lớn chắn dòng. Nhưng ngày 19.8, một trận lũ về và cây cầu trở thành mối đe dọa còn nguy hiểm hơn cả khi vượt suối.

Anh Quàng Văn Thanh, dân bản – người hướng dẫn chúng tôi qua suối, bảo: “Nếu không biết cách qua suối thì ngày thường cũng có thể sa vào vùng nước sâu hoặc mắc đá ngầm, chết máy. Nếu gặp ngày mưa lũ thì chỉ có cách… ngồi đợi nước rút. Các cán bộ ở xa, có khi cả đời chỉ qua đây một lần chứ chúng tôi ở đây, mỗi ngày phải qua suối mấy lần nên rất khao khát một cây cầu vững chãi”.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/nguoi-vung-cao-son-la-mong-binh-yen-qua-song-suoi-719028.html