Người Việt ở Maroc

Những người Việt Nam đầu tiên sinh sống tại Maroc phần lớn là đồng bào từ Pháp sang đây từ thời chiến tranh thế giới lần hai. Sau này, có thêm những người Việt sang từ năm 1972. Vốn trong kháng chiến chống Pháp có nhiều lính gốc Phi đánh thuê cho Pháp bỏ ngũ theo Việt Minh. Nhiều người được phép lấy vợ Việt Nam – và quy tụ về Nông trường Việt Phi Ba Vì. Sau năm 1972, được sự đồng ý và giúp đỡ của chính quyền Việt Nam, họ hồi hương, mang theo cả vợ con, trong số đó có mấy chục gia đình về Maroc.

Những ngày đầu gian khó Bà Trần Thị Hồng Mây, Chủ tịch Hội người Việt ở đây nhớ lại, khi mới sang, các chị em người nào cũng một đàn con thơ gần chục đứa bé. Bà bảo, “khó khăn đầu tiên, là ai cũng một tiếng bẻ làm đôi không biết, phong tục tập quán bất đồng. Càng khó khăn hơn khi Maroc theo đạo Hồi, phụ nữ không thể tự do làm tất cả như ý mình. Nhưng với đa số chị em chúng tôi, vì người phụ nữ Việt Nam không phải chỉ có ngồi nhà trông con mặc kệ gia đình no đói, mà chúng tôi dám vượt qua phong tục để làm việc, phấn đấu cả trong gia đình và xã hội thì mới vượt qua được tất cả và nuôi con cái trưởng thành.” Bà Mây từng được học một lớp y tá cấp tốc trong kháng chiến, vì thế sang Maroc, bà quay lại với nghề này, làm việc cho đến tận bây giờ. Gia đình bà Nguyễn Thị Hiền cũng về Kenetra, nhưng cùng một nhóm bảy gia đình khác, được quy tụ trong một vùng nông trại lớn. Ngày mới về, chính quyền tỉnh giúp đỡ cho mỗi gia đình một ít bò, cừu và 5 hecta đất, làm ruộng giống như ở Việt Nam. Dù vất vả, bà tự cho là mình may mắn vì còn “có chị có em”, ở gần ngay bên những bạn bầu cùng cảnh ngộ. Con cái họ đều đông, nhưng giờ trưởng thành đều sinh sống ở nơi khác hoặc ở Pháp. Bà bảo: “Các anh ấy giờ cũng năm anh qua đời rồi, còn lại mấy chị em thân thiện với nhau như chị em ruột”. Cũng từng trong nhóm về định cư ở Kenetra, gia đình bà Nguyễn Thị Nhung sau này mở được tiệm ăn ở thủ đô Rabat - khoảng hơn 10 năm nay. Chồng bà, ông Môhamet Ben Sep Salem, về với Việt Minh năm 1952, cùng các anh em hàng binh khác là công nhân lái máy kéo của Nông trường Việt – Phi Ba Vì. Tiệm của gia đình bà bán thức ăn của cả Việt, Pháp và Maroc. Bà gọi việc ở Thủ đô của gia đình mình bằng một từ dân dã như các bà lão ở nông thôn Việt: “ra tỉnh”. “Từ ngày ra tỉnh bán hàng, gia cảnh trong nhà mới đỡ vất vả. Lúc đầu cũng từ thuê được cái tiệm be bé, rồi dần dần mới mua được, mới khá lên”. Bà bảo thế. Những ngày tháng khó khăn ấy, bà Trần Hồng Mây lặn lội đi tìm từng chị em một, dù xa mấy cũng đi, nhờ có danh sách bà giữ lại khi còn ở trong BCH phụ nữ của Nông trường Việt Phi. Thấy đời sống của các chị em đều gieo neo, bà Mây tập hợp một số chị em lại lên tận vua Maroc Hassan II để đòi chế độ. Họ đã được gặp em trai của nhà vua, được ông giúp đỡ rất nhiều từ nhận đất, rồi lĩnh tiền... và xây dựng được một cuộc sống vững chắc cho đại gia đình ở Maroc. ­­­­Tự hào là người Việt Nam Maroc cũng là thuộc địa của Pháp trong nhiều thập kỷ như Việt Nam, đến năm 1956 quốc gia này mới được độc lập về chính trị và xây dựng đất nước theo chế độ quân chủ lập hiến. Vì thế, tình cảm của người dân Maroc với người Việt trước tiên từ những sự trân trọng với truyền thống anh hùng của Việt Nam, từ việc Việt Nam sớm dành độc lập, thắng Pháp, thắng Mỹ. Nhưng lòng quý mến ấy cũng được duy trì bền lâu bởi chính cách sống chịu thương chịu khó, chu toàn của những người phụ nữ Việt ở nơi này. Cô Hà Thị Tiến đã 63 tuổi, thuộc lứa thế hệ thứ hai của người Việt ở Maroc, hiện ở thành phố Casablanca, nơi có nhiều người từ Việt Nam sang kinh doanh. Gia đình cô gồm mẹ và các em đều định cư ở Maroc, riêng cô mới sang được khoảng 6 - 7 năm nay. Bà mẹ đã mất, nhưng mối liên hệ mật thiết của ông bà như trong một gia đình với những gia đình người Việt khác, đã truyền sang thế hệ các con. Cô Tiến bảo: “Tôi được một gia đình Maroc mời làm gia sư dạy cho cháu bé học nói tiếng Việt, viết chữ Việt. Họ rất yêu Việt Nam. Mà người Việt Nam rất có uy tín ở bên ấy. Như với tôi, gia đình họ quý trọng như một vị khách chứ không phải người làm thuê. Vì thế tôi rất phấn khởi và luôn luôn tự hào mình là người Việt Nam.” Môhamet Ben Sep Salem nhớ sâu sắc quãng đời sống ở Việt Nam, nghèo, gian khổ mà tình nghĩa, nhớ những người bạn Việt của mình. Nói về những người phụ nữ Việt đã theo chồng xây dựng quê hương mới ở Maroc, trong đó có vợ mình, ông bảo, họ đều tốt vô cùng, nhanh nhẹn, chịu thương chịu khó, dù khổ mấy cũng không kêu ca. “Nhưng giờ cái gì khó khăn cũng đi qua hết rồi”. Bà Trần Thị Hồng Mây cho biết, nếu nói về tình cảm của người Maroc với người Việt Nam “thì đẹp vô cùng. Họ biết đến Việt Nam mình là một đất nước anh hùng, bất khuất trước bất cứ một cường quốc nào... Nhưng chúng tôi sống với người Maroc thì người ta rất quý và rất trọng. Trọng vì chúng tôi sống là những người chính trực, thẳng thắn, sống tốt và ở với tất cả nhân dân ở đấy rất tốt. Tiếng Việt Nam của chúng tôi ở đây có uy tín với họ. Chúng tôi lại dạy con cái rất ngoan ngoãn. Các cháu trưởng thành, đều biết thương yêu quê cha, quê mẹ, thế là chúng tôi hạnh phúc lắm rồi”. Phi Hà

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=18660&menu=1433&style=1