Người Việt mua Samsung giá đắt: Bảo hộ cho Samsung

Hiện nay nếu chúng ta đánh thuế hàng nhập về cao, cho giá sản phẩm trong nước tăng lên, vô hình chung VN đang bảo hộ cho Samsung.

Sản phẩm trong nước chi phí thấp, bán giá cao

Rà soát giá của dòng máy điện thoại Samsung trên một số thị trường, thấy rõ, giá thành ở các nước rẻ hơn giá bán tại Việt Nam khá nhiều, giá chênh lệch từ 500.000đ-5.000.000đ.

Điều này khiến nhiều người tiêu dùng Việt băn khoăn, Samsung sản xuất tại Việt Nam, không mất tiền vận chuyển, lại đang được hưởng những ưu đãi cao cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng lại không có chính sách bán hàng tốt với khách Việt.

Trước băn khoăn trên của dư luận, PGS.TS Trần Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, ĐH Nông lâm TP.HCM cho biết: "Trên thị trường cạnh tranh, để biết vì sao giá thành sản phẩm cao, cần phải xem lại, về mặt thuế phí cho sản phẩm cũng như giá các linh kiện hoàn thiện nên sản phẩm.

Giả dụ như với Samsung, họ lắp ráp tại VN, nhưng linh kiện vẫn phải nhập từ nước ngoài vào VN lắp ráp, nên giá thành có thể đội lên cao vì khâu đó.

Người Việt đang dùng điện thoại Samsung với giá khá đắt

Tuy nhiên, nếu xét về mặt logic thì Samsung sản xuất tại VN, chi phí tất yếu rẻ hơn, mà lại tiêu thụ ra thị trường nước ngoài với giá rẻ hơn, trong khi thị trường trong nước lại đắt hơn, dư luận có quyền băn khoăn đặt ra câu hỏi".

Bên cạnh đó, theo ông Ngãi, bản thân người sản xuất thực ra chưa chắc họ mong muốn bán giá cao vì nếu thế số lượng hàng hóa họ bán ra được sẽ không nhiều, đặc biệt, với những DN nước ngoài họ tính bài toán kinh tế vô cùng kỹ lưỡng.

Thế nhưng, cơ bản là vì chính sách thuế nhập khẩu của chúng ta hiện nay vẫn còn quá cao với các mặt hàng điện tử, vì thuế đó đẩy giá thị trường cao lên, vì thế mới xuất hiện thực trạng gửi mua hàng xách tay ở các nước về VN.

"Thiết nghĩ, nếu như thả tự do nhập về, đương nhiên, giá sản phẩm trong nước sẽ hạ thấp ngay, điều này rất đơn giản, Samsung không thể nào chống chịu nổi với giá đó, cho nên phải rớt giá theo.

Hiện nay nếu chúng ta đánh thuế hàng nhập về cao, cho giá sản phẩm trong nước tăng lên như vậy, Samsung tuân thủ việc đó, chiếm lợi nhuận cao, thì khác nào chính sách của chúng ta bảo hộ cho Samsung.

Nếu chi phí thấp mà bán với giá cao lợi đó mình DN hưởng, vì hàng nhập nước ngoài về không cạnh tranh được do phải chịu thuế nhập khẩu, còn trong nước thì ung dung", ông Ngãi phân tích.

Trước việc, nếu Samsung có những chính sách ưu ái với thị trường Việt Nam, chúng ta nên đề xuất trở thành một điểm đến smartphone Samsung, giống như Singapore, theo ông Ngãi, đó là chiến lược của Samsung, tùy thuộc vào năng lực, chiến lược phát triển của họ.

Còn nếu làm ở VN họ cũng có những thuận lợi nhất định, như vấn đề lao động, nhưng ngành điện tử không phải ngành cần nhiều lao động, nó chỉ cần tận dụng công nghệ và vốn, mà đây là 2 yếu tố không phải lợi thế của VN.

Cho nên đặt ở đâu họ cũng tính toán họ được lợi gì, bất lợi gì, như Singapore khách đến đó kết hợp được nhiều yếu tố chữa bệnh, du lịch, mua sắm. Vì thế, nếu VN có đề xuất thì việc được Samsung đặt kỳ vọng khả năng cũng rất thấp.

Những ưu đãi kép của Samsung

Nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác, nếu Việt Nam muốn Samsung có chính sách bán hàng tốt hơn tại thị trường Việt Nam, theo vị chuyên gia trên, chúng ta không thể thay đổi vấn đề về giá, chỉ có một cách tốt nhất để giá Samsung rớt xuống đó là giảm bớt thuế nhập khẩu các mặt hàng khác, để họ tự cạnh tranh với Samsung.

Lúc đó mặt bằng chung giá thị trường giảm xuống, khi đó, Samsung sẽ giảm, nếu không họ sẽ thất bại.

Nếu như duy trì chuyện nhập thuế với chính sách nhập khẩu, chắc chắn giá trong nước tăng, khi đó, không bao giờ có thể bắt Samsung bán giá rẻ vì họ có quyền quyết định giá của mình.

Thực ra chính sách ở đâu cũng có, muốn cho giá Samsung rớt xuống thì phải nâng môi trường cạnh tranh lên, tạo ra môi trường cạnh tranh của Samsung với các hãng khác. Samsung phải cạnh tranh với các sản phẩm đó, phải giảm giá theo, chứ không thể làm khác.

"Samsung thực tế đang được hưởng lợi quá lớn từ chính sách hạn chế nhập khẩu, chính sách thuế với hàng nước ngoài, họ có quyền bán với giá cao mà không sợ cạnh tranh. Thị trường chúng ta đắt là do thuế, còn chi phí Makerting, giao dịch, chuyển hàng không hề lớn, sự khác biệt giá của một mặt hàng nhập khẩu tại VN rất lớn.

Nếu như vậy, Samsung được hưởng ưu đãi kép, từ miễn thuế cho việc sản xuất trên lãnh thổ VN, cho đến việc bán với giá thành cao so với các sản phẩm nhập khẩu. Chúng ta bảo hộ cho DN sản xuất trong nước, DN có vốn nước ngoài trên đất nước VN, vì khi bán họ không chịu thuế nhập khẩu, bài toán này là sự bảo hộ cho người nước ngoài.

Với xe gắn máy chúng ta cũng thấy rõ, một xe gắn máy bên Thái giá thành rất rẻ, nhưng nếu như xe họ nhập tự do về VN thì hãng Honda VN sẽ chết ngay vì không cạnh tranh được.

Đây chính là lỗ hổng trong chính sách của VN, ví dụ chi phí giá thành thấp, chi phí làm ra có 10 triệu mà bán 18 triệu, vì sao bán được giá này, vì không phải cạnh tranh với dòng phải đóng thuế nhập khẩu, nghĩa là chúng ta tự làm giàu cho công ty nước ngoài trên đất nước mình.

Trong khi, người Việt phải bỏ túi tiền ra mua giá đắt, còn Samsung hưởng lợi. Giờ chỉ cần làm bài toán, một Iphone bên Mỹ nhập về VN giá bao nhiêu, đánh thuế nhập khẩu mất bao nhiêu, Samsung khi ra sản phẩm, tung ra thị trường thì có đánh thuế gì để bù đắp cho thuế nhập khẩu của Apple phải chịu; linh kiện nhập về có phải chịu thuế hay không, thuế ở mức độ nào, khi đó sẽ biết được mọi thứ", ông Ngãi phân tích.

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/nguoi-viet-mua-samsung-gia-dat-bao-ho-cho-samsung-3322012/