Người Việt lạc trong màu xanh Amsterdam

Nếu như Singapore được biết đến là đất nước xanh ở châu Á, thì thủ đô Amsterdam của Hà Lan cũng được ví như “Singapore của châu Âu”.

Shutterstock

Gần gũi với thiên nhiên

Máy bay chưa đáp xuống phi trường Schiphol nhưng tôi đã nhận ra mình sắp ghé thăm một thành phố tươi đẹp, trong lành khi nhìn qua ô cửa sổ thấy những cánh đồng xanh bát ngát xen kẽ những con kênh.

Là sân bay nhộn nhịp thứ 3 ở châu Âu chỉ sau Heathrow ở Anh và Charles de Gaulle ở Pháp, Schiphol không chỉ là cửa ngõ vào thành phố Amsterdam mà còn là của cả Hà Lan. Vậy mà, nằm cạnh sân bay chính là rừng quốc gia Amsterdamse Bos có diện tích hơn 10 km2, gấp 3 lần Central Park ở New York, Mỹ.

Đây là khu rừng được trồng từ những năm 1930 của thế kỷ trước, có chức năng như công viên, cho phép người dân vào tham quan và hoạt động dã ngoại, đặc biệt là chèo thuyền trên hồ Bosbaan. Vào mùa đông, tuyết phủ trắng cả khu rừng, tạo nên cảnh tượng ngoạn mục đối với du khách.

Đi vào trung tâm thành phố là hàng chục công viên, khu vườn lớn nhỏ khác nhau với vô số các con kênh chảy qua. Trong đó, Voldelpark chính là công viên lớn nhất trong nội ô, cũng là điểm ưa thích của những người yêu thiên nhiên.

Hệ thống kênh chằng chịt của Amsterdam được UNESCO công nhận là di sản thế giới dài hàng trăm ki lô mét và có hàng ngàn cây cầu bắc qua, nước trong và xanh ngắt. Trên những con kênh này, hằng năm diễn ra nhiều lễ hội, trong đó có lễ hội tự hào đồng tính vào đầu tháng 8 thu hút hàng trăm ngàn du khách khắp nơi trên thế giới, với những con thuyền được trang trí nhiều màu bắt mắt.

Điểm nhấn của buổi diễu hành là đoàn thuyền nối đuôi nhau đi qua cây cầu Magere Brug nổi tiếng, có khả năng đóng - mở. Cũng không lạ gì khi đây là lễ hội lớn nhất tại Amsterdam và cũng là một trong những lễ hội lớn nhất cả nước bởi chính Hà Lan là đất nước đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới vào năm 2001.

Phía trên những con kênh là các con đường lát đá dẫn du khách len lỏi qua các con phố, các điểm du lịch, các trung tâm thương mại. Ngoài đi bộ, xe đạp là phương tiện không thể thiếu của thành phố. Du khách có thể thuê một chiếc xe đạp mà rảo qua mọi ngóc ngách phố xá.

Những công trình nổi tiếng

Tôi bắt đầu đi từ nhà ga trung tâm Amsterdam. Đây không chỉ đơn giản là nhà ga đi đến mọi nơi ở Hà Lan hay đến Pháp, Bỉ, Đức, Thụy Sĩ… mà còn là di sản quốc gia được tham quan nhiều nhất. Nhà ga được xây từ năm 1878, công trình đồ sộ hòa quyện phong cách gothic và tân phục hưng với tường màu đỏ. Phía trước nhà ga là con đường Damrak sầm uất dẫn vào quảng trường trung tâm Dam.

Tại quảng trường Dam có cung điện hoàng gia Amsterdam tuổi đời gần 400 năm. Được biết, ban đầu tòa nhà có chức năng là tòa thị chính, sau đó trở thành cung điện cho vua Louis Napoleon, em trai của Napoleon Bonaparte, rồi sau là cung điện của hoàng gia Hà Lan. Bên trái là nhà thờ cổ Nieuwe Kerk được xây dựng từ thế kỷ 14. Phía trước cung điện là Tượng đài chiến tranh quốc gia, tưởng nhớ về cuộc chiến tranh thế giới thứ 2.

Nằm cạnh công viên Voldelpark là Quảng trường viện bảo tàng. Gọi tên như thế cũng bởi nơi đây có 3 viện bảo tàng: Rijksmuseum, Van Gogh và Stedelijk. Rijksmuseum lưu trữ hơn 1 triệu cổ vật lịch sử; Bảo tàng Van Gogh thì trưng bày đúng như tên gọi của nó về cuộc đời và các tác phẩm của danh họa lừng danh Van Gogh; còn Stedelijk có các bộ sưu tập nghệ thuật hiện đại và đương đại. Phía trước các viện bảo tàng là dòng người rồng rắn xếp hàng chờ vào tham quan.

Cũng tại quảng trường này, có dòng chữ tiếng Anh “I amsterdam”. Đây có lẽ là biểu tượng hiện đại của thành phố, nơi mà du khách rất thích thú đứng tạo dáng chụp hình.

Đi bộ một lúc là đến nhà Anne Frank, viện bảo tàng đông thứ 3 Hà Lan, chỉ sau Rijksmuseum và Van Gogh, nói về cuộc đời của thiếu nữ gốc Do Thái Anne Frank - người viết nhật ký trong chiến tranh thế giới thứ 2. Cũng tại một con kênh cạnh đó là khu vực tượng đài tưởng nhớ những người đồng tính bị phát xít Đức giam cầm với hình tam giác đơn giản - lấy cảm hứng từ biểu tượng do phát xít Đức phân loại các tù nhân với 3 đỉnh hướng về Tượng đài chiến tranh quốc gia, nhà Anne Frank và Trung tâm COC về quyền người đồng tính.

Để thay đổi không khí, du khách có thể ghé qua chợ trời Albert Cuyp mà lựa cho mình những bông hoa tulip tuyệt đẹp hay những món ăn đặc sản và nhất là phải thử món bánh truyền thống Oliebol lạ miệng trước khi tiếp tục chuyến tham quan.

Tiến bộ và cởi mở

Amsterdam có lẽ là đại diện tiêu biểu nhất cho đất nước Hà Lan tiến bộ và cởi mở. Len lỏi qua các con đường nhỏ hẹp, cuối cùng tôi cũng đến được “phố đèn đỏ” nổi tiếng. Tuy nhiên, một người bạn bản xứ nói với tôi rằng khi đi vào con phố đó, xin đừng chụp hình những người cô gái đứng sau tấm kính, nhằm thể hiện sự tôn trọng.

Tư tưởng cởi mở còn thể hiện ở thái độ phóng khoáng. Không có gì lạ khi du khách bắt gặp các cặp tình nhân dù đồng tính hay dị tính thể hiện tình cảm nơi công cộng, cùng nắm tay, ôm hôn, tạo dáng và chụp hình. Tôi thậm chí may mắn bắt gặp một cặp tình nhân đang cầu hôn giữa phố. Họ đáp lại tiếng vỗ tay của tôi bằng lời cảm ơn.

Đây chính là điểm phân biệt rất rõ so với Singapore ở châu Á khá hà khắc với mại dâm, với người đồng tính. Nếu như Singapore nổi tiếng về sự xanh sạch thì Amsterdam của châu Âu đọng lại trong tôi còn hơn cả sự xanh sạch - đó là về tính nhân văn, sự tiến bộ và cởi mở.

Nguyễn Thế Phúc

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/nguoi-viet-lac-trong-mau-xanh-amsterdam-816802.html