Người Việt đã ưu tiên dùng thuốc Việt?

Sau 7 năm phát động, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có những ảnh hưởng nhất định đến tâm lý tiêu dùng của người dân. Ngày 29.10, Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TƯ Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, Trưởng BCĐTƯ CVĐ cùng đã có buổi kiểm tra việc thực hiện cuộc vận động trên của Bộ Y tế. Đoàn kiểm tra đã làm việc tại Công ty cổ phần TRAPHACO và Bệnh viện Nhi Trung ương.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân làm việc với Bộ Y tế

“Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”

Theo báo cáo của Bộ Y tế về kết quả thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tính đến hết 2015 cả nước có 163 nhà máy đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới”, doanh thu sản xuất trong nước ngày càng tăng. Thuốc sản xuất trong nước đã đảm bảo 50% nhu cầu sử dụng thuốc (về giá trị tiền thuốc sử dụng); đã sản xuất được 10/12 loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Tính đến thời tháng 10.2016, có tổng số 837 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng trên địa bàn cả nước. Trong 9 tháng đầu năm, có tổng số 8008 sản phẩm được cấp Chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm hoặc chứng nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm tại Bộ Y tế, trong đó có 4855 sản phẩm sản xuất trong nước (chiếm tỷ lệ 60,6%) và 3153 sản phẩm thực phẩm chức năng nhập khẩu vào Việt Nam (chiếm tỷ lệ 39,4%).

Đến nay trong nước đã có 160 doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế (TTBYT), trong đó 41 doanh nghiệp có vốn nước ngoài, 100 doanh nghiệp có vốn trong nước, 19 hộ gia đình với các sản phẩm chủ yếu là: Sản phẩm sử dụng một lần như bông, băng gạc, khẩu trang găng tay y tế, bơm, kim tiêm sử dụng một lần, dây truyền dịch, chỉ phẫu thuật …; Nội thất bệnh viện như giường tủ bệnh nhân, bàn khám, tủ thuốc, xe đẩy…; Thiết bị tiệt trùng như nồi hấp, tủ sấy…; Dịch lọc thận, Gel siêu âm; dung dịch vệ sinh mũi, gel bảo vệ vết thương…; Oxy y tế; Một số TTBYT công nghệ cao như vật tư can thiệp tim mạch, X-quang, dao mổ điện, thiết bị dùng khí plasma lạnh đễ hỗ trợ diệt khuẩn vết thương.

Đã có 30 doanh nghiệp và 62 sản phẩm thuốc sản xuất thuốc trong nước đã đạt Giải thưởng “Ngôi sao thuốc Việt” lần I.

Báo cáo trước đoàn kiểm tra, ông Trương Quốc Cường- Cục trưởng Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế cho biết: “Theo số liệu thu được trong quá trình tổng kết giai đoạn I (2012- 2015) của Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh và huyện đã tăng lên, cụ thể: Theo báo cáo của Sở Y tế 61 tỉnh, thành, tỷ lệ trung bình tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện năm 2015 là 67,89% (năm 2010 - trước khi triển khai Đề án: 61,5%); tỷ lệ trung bình tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh năm 2015 là 35% (năm 2010 – trước khi triển khai Đề án: 33,9%). Bên cạnh đó, có những đơn vị đã vượt mục tiêu Đề án đề ra như Ninh Thuận, Phú Yên, Lai Châu, Lâm Đồng, Long An với tỉ lệ sử dụng thuốc nội ở tuyến huyện trên 80%, tuyến tỉnh trên 60%.

Tính theo tỷ lệ số lượng mặt hàng thuốc sản xuất trong nước tại một số đơn vị tăng nhiều, như: Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức: tỷ lệ số lượng mặt hàng lại đạt đến gần 30%; Bệnh viện Chợ Rẫy: tỷ lệ số lượng mặt hàng lại đạt đến 40%. Bệnh viện Thống Nhất: tỷ lệ số lượng mặt hàng lại đạt đến gần 65,13%. Nguyên nhân là do các sản phẩm thuốc sản xuất trong nước có giá thành hợp lý thấp hơn so với thuốc nhập ngoại.

Đánh giá việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng àng Việt Nam” của Bộ Y tế, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: “Đây là một trong những Bộ làm tốt nhất về chủ trương và tổ chức làm việc. Chủ trương được đưa ra rất sớm, đồng bộ và quyết liệt. Ngành y tế cũng là ngành duy nhất phát động: “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”. Điều này thể hiện được trách nhiệm chính trị với đất nước. Cùng với đó, Bộ còn biểu dương Ngôi sao thuốc Việt, tạo điều kiện cho thuốc Việt phát triển. Bộ Y tế cần làm tốt, chú trọng đến vấn đề đánh giá tương đương sinh học của thuốc. Tôi mong rằng, Bộ Y tế sẽ sử dụng cuộc vận động trên như là một công cụ để phục vụ người dân, vừa trở thành thước đo tâm đức của người thầy thuốc”.

Thuốc Việt không được ưa dùng tại bệnh viện công?

Báo cáo với đoàn kiểm tra, ông Trương Quốc Cường- Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết: “các số liệu trên cho thấy, khái niệm "sử dụng thuốc sản xuất trong nước" đã hình thành trong tiềm thức của người dân nói chung và cán bộ y tế nói riêng khi sử dụng thuốc phòng bệnh và chữa bệnh. Tuy nhiên, để nhận thức này lan rộng và mang tính bền vững, các đơn vị trong ngành cần có những biện pháp thiết thực, mạnh mẽ hơn nữa khi triển khai thực hiện đề án tại đơn vị”.

Theo ông Cường, ngoài những kết quả đạt được, công tác vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” trong ngành y tế còn nhiều tồn tại. Một số Sở Y tế, bệnh viện chưa thực sự tích cực triển khai, công tác đánh giá, báo cáo tổng kết còn chậm; đến nay chỉ có 25 Sở Y tế báo cáo thành lập Ban chỉ đạo triển khai Đề án cấp tỉnh.

“Một số bệnh viện tuyến cuối: do đặc thù riêng nên tỷ lệ sử dụng thuốc theo giá trị tiền sản xuất trong nước rất thấp, chỉ dưới 10%, thậm chí dưới 5% như BV Phụ sản TW, BV Việt Đức, Bệnh Viện Nhiệt đới TW, Bệnh Viện Lão khoa Quốc gia. Theo thống kê sơ bộ, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tính theo giá trị tại các bệnh viện tuyến TW năm 2015 vẫn còn thấp (khoảng 11%). Đặc biệt, có nhiều doanh nghiệp đã sản xuất được các sản phẩm thuốc có tác dụng điều trị tốt, giá thành phù hợp với thu nhập của người dân nhưng lại yếu trong các khâu marketing và quảng cáo nên sản phẩm của họ chưa tạo được vị thế xứng đáng trên thị trường nước nhà”- ông Cường cho hay.

Mặc dù các sản phẩm đạt danh hiệu Ngôi sao thuốc Việt của Bộ Y tế là các sản phẩm có chất lượng tốt, bán tốt tại các hiệu thuốc bên ngoài nhưng trong các bệnh viện công, việc đấu thầu các sản phẩm thuốc này rất khó khăn. Lý giải trước đoàn kiểm tra về vấn đề này, ông Trần Túc Mã- TGĐ CTCP TRAPHACO cho biết: “Chi phí đầu tư cho chất lượng cao hơn như chuẩn hóa nguyên liệu đầu vào do Bộ Y tế chứng nhận, nghiên cứu khoa học đầy đủ và bải bản, hệ thống sản xuất công nghệ cao, từ đó dẫn đến giá thành cao”.

Kiểm tra dây chuyền sản xuất của Công ty CP Traphaco, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao nỗ lực của đơn vị này trong phát triển thuốc Việt với hàng trăm héc ta diện tích trồng dược liệu sạch, tạo công ăn việc làm cho bà con vùng bản địa; đơn vị có đến 5 sản phẩm được vinh danh “Ngôi sao thuốc Việt”. Đặc biệt, Chủ tịch nhấn mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin trong khâu phân phối thuốc, tạo điều kiện cho thuốc Việt mở rộng thị trường, đến được với nhiều người tiêu dùng.

Đoàn kiểm tra cũng đã làm việc tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Do đặc thù là bệnh viện đa khoa tuyến cuối chuyên ngành nhi, nơi tập trung các ca bệnh nặng, phức tạp, điều trị thất bại ở tuyến cuối nên việc thực hiện đề án trên còn gặp nhiều khó khăn. Tỉ lệ sử dụng thuốc Việt cho bệnh nhân tại BV còn chưa cao.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân làm việc tại công ty TRAPHACO

Dây chuyền sản xuất thuốc đạt GMP

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân thăm dây chuyền sản xuất thuốc

Thùy Linh

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/y-te/nguoi-viet-da-uu-tien-dung-thuoc-viet-605809.bld