Người Việt bình dân nói ngoại ngữ như Tây: Ông bà U.90 làu làu nhiều thứ tiếng

Khi thực hiện loạt bài viết này, chúng tôi còn được diện kiến những cụ ông, cụ bà 'bắn' ngoại ngữ cực siêu ở những điểm thu hút đông khách quốc tế nhất ở TP.HCM. Họ đều xấp xỉ 90 tuổi nhưng nói nhiều thứ tiếng khiến giới trẻ phải... thán phục!

Cụ Ngộ tóc bạc trắng, lưng còng vẫn miệt mài mưu sinh với vốn ngoại ngữ phong phú của mình - Ảnh: ẢNH: AN HUY

Họ xem đó là niềm vui khi được giao tiếp hằng ngày với khách năm châu và sống trên chính đồng tiền bản thân làm ra, không phải nhờ con cháu.

VIDEO: Những ông bà cụ gần 90 tuổi mưu sinh nói tiếng Anh khiến giới trẻ nể phục

Nói tiếng Anh, tiếng Pháp như người bản địa

Chúng tôi đặc biệt ấn tượng với ông cụ Dương Văn Ngộ (87 tuổi), người dịch và viết thư tay lâu năm bậc nhất Việt Nam ở bưu điện trung tâm Sài Gòn. Dù tuổi cao, nhưng hằng ngày từ 8 giờ sáng, cụ đạp xe từ Thị Nghè (Q.1) sang bưu điện bắt đầu côngviệc viết và dịch thư tay từ tiếng Việt sang tiếng Anh, tiếng Pháp cho nhiều người trong nước có nhu cầu gửi thư cho người thân và bạn bè ở nước ngoài.

Đồng thời, người nước ngoài tới nhờ ông viết bưu thiếp có phần chuyển ngữ sang tiếng Việt để làm kỷ niệm.

Chúng tôi đến gặp ông vào một buổi sáng, lúc bưu điện chật cứng khách trong nước và ngoại quốc. Ông vẫn ngồi đó, trên chiếc bàn gỗ gần cuối bưu điện, đeo kiếng và tỉ mỉ dịch từng chữ Việt sang tiếng Anh cho một người chuẩn bị gửi thư đi nước ngoài.

Với cặp kiếng lão dày cộp, mái tóc bạc trắng, làn da nổi nhiều vết đồi mồi của tuổi già, cụ Ngộ vẫn chăm chú cầm viết "múa" đều đặn trên trang giấy trắng cho vị khách Tây đang chờ. Thỉnh thoảng, gặp một số từ nhiều nghĩa, ông lấy ngay cuốn từ điển dày đã cũ bên cạnh tra từ và cẩn thận viết vào. Đối với ông, chuyển ngữ và viết thư tay là công việc đã quen như hơi thở.

Ông làm ở đây không hẳn tất cả là vì mưu sinh, mà là để giúp mọi người trong vấn đề liên lạc, tạo nét đẹp của Sài Gòn trong mắt du khách quốc tế.

Cụ Ngộ đang tỉ mẩn viết thư cho khách - Ảnh: An Huy

Ông cho biết mình giỏi hai ngoại ngữ là Anh và Pháp, có thể nghe, nói, đọc, viết thành thạo. Cũng nhờ hai ngoại ngữ này mà ông có dịp làm việc với không biết bao nhiêu vị khách quốc tế. Có những trường hợp qua nét chữ của ông, nhiều cuộc hội ngộ, đoàn tụ đã được diễn ra, ông xem đó là niềm vui và sẽ quên khi hoàn thành.

Kể về việc giỏi ngoại ngữ của mình, ông Ngộ nhớ lại và trải lòng, thế hệ của ông sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn trong thời kỳ Pháp thuộc. Nền giáo dục thời đó ở Sài Gòn cũng theo cách của người Pháp. Ông học tiểu học trường Phú Lâm (Q.6). Cấp tiểu học, ngoài các môn học chính, giáo viên còn dạy tiếng Pháp cho học sinh.

“Khi đó, học sinh tiểu học được dạy tiếng Pháp bằng cách viết và đọc. Thầy giáo dạy rất kĩ và khoa học, tạo sự thích thú cho học sinh nên hầu hết khi hoàn thành xong bậc tiểu học thì tiếng Pháp ai cũng nói và viết thành thạo. Tui giỏi ngôn ngữ Pháp đến giờ là nhờ học khi đó và rèn luyện mấy chục năm qua”, ông Ngộ cho biết.

Nhiều người cần viết thư tay thuê bằng tiếng Anh và tiếng Pháp khi đến bưu điện Sài Gòn đều tìm đến ông Ngộ - Ảnh: ẢNH: AN HUY

Năm 1942, sau khi tốt nghiệp tiểu học, lên học trung học trường Petrus Ký (nay là trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM), gặp người Pháp, ông đã có thể trao đổi như người bản xứ. Đến năm 36 tuổi, ông thi và đậu vào làm thủ quỹ tại bưu điện Sài Gòn. Sau đó bưu điện đã hỗ trợ ông đi học tiếng Anh. Ông bắt đầu nghề dịch và viết thư thuê từ đó cho đến nay.

Với công việc của mình, hàng ngày ông tiếp xúc rất nhiều khách quốc tế, theo đó nét chữ của ông đã đến nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, dù khách ngoại hay Việt, ông chỉ lấy thù lao mỗi bức và bưu thiếp từ 15.000 - 20.000 đồng.

Ông Ngộ luôn vui vẻ trò chuyện và quảng bá hình ảnh Sài Gòn mỗi khi giao tiếp với du khách quốc tế - Ảnh: ẢNH: AN HUY

Theo ông, nhiều khách quốc tế đến Việt Nam luôn tâm niệm rằng, đến Sài Gòn mà chưa lấy được danh thiếp mang chữ của ông là xem như chưa đến, nên bạn bè quốc tế rất thường xuyên ghé chỗ ông. “Dù mệt nhưng tôi luôn dành thời gian chào hỏi và trò chuyện với họ, tôi xem đó như là nhiệm vụ của mình, như quảng bá nhân cách và con người Sài Gòn đến với bạn bè thế giới”, ông Ngộ nói.

Cụ bà 89 tuổi bán thức uống bên vỉa hè sống khỏe vì biết 4 ngoại ngữ

Một trường hợp đặc biệt khác là cụ Trần Thị Định (89 tuổi), bán thức uống góc ngã ba Phạm Ngũ Lão - Trần Hưng Đạo (Q.1). Cụ Định thông thạo tiếng Anh, Pháp, Hoa, Campuchia. Nhờ vốn ngôn ngữ phong phú của mình, gần 40 năm qua, cụ sống khỏe nhờ bán nước giải khát ở trung tâm thành phố cho khách ngoại quốc.

Cụ sinh ra và lớn lên ở tỉnh Tây Ninh, sát biên giới Campuchia. Khi đó nhà cụ có rất nhiều đất, gia đình mướn lao động từ Campuchia qua làm. Qua giao tiếp hằng ngày, cụ đã học được tiếng Campuchia thành thạo.

Đến khi lớn lên, cụ xuống Sài Gòn học nghề trang điểm và phục vụ sắc đẹp cho những phụ nữ Pháp và Mỹ theo chồng tại Sài Gòn.

Nhờ nghề trang điểm gần 30 năm, tiếp xúc với rất nhiều người phụ nữ ngoại quốc, cụ Định đã học được thêm 2 thứ tiếng là Anh và Pháp.

“Khi trang điểm, mấy bà tây bảo làm thế này thế kia, ban đầu không hiểu nhưng họ chỉ và bày hoài nên biết tiếng luôn. Sau mấy năm làm nghề đã có thể giao tiếp trao đổi bình thường với họ. Tôi chỉ học tiếng thôi, còn chữ thì không biết, đến giờ vẫn vậy. Nhiều ông người Pháp qua đây thấy tui biết tiếng của ổng liền há miệng ngạc nhiên”, cụ Định kể.

Còn về tiếng Hoa, cụ cho biết khi đó có nhà trong khu người Hoa nên nghe và thăm hỏi mọi người lâu ngày, riết thuộc tiếng luôn. Nhờ 4 ngoại ngữ trên mà gần 40 năm bán nước, tui có một lượng lớn khách ngoại quốc ghé ủng hộ nên có tiền nuôi con cái ăn học thành người.

Cụ Định dù đã 89 tuổi, lưng còng nhưng ngày ngày vẫn mưu sinh bán đồ giải khát cho mọi người từ trong nước đến quốc tế - Ảnh: ẢNH: AN HUY

Đánh giá về chuẩn phát âm ngoại ngữ của nhiều người Việt hiện đang mưu sinh bằng nghề bán hàng rong và buôn bán tại các chợ trên địa bàn TP.HCM, anh Richard (40 tuổi, đến từ Úc) cho biết, đối với anh, người Việt Nam bán hàng rong ở nhiều khu vực trên địa bàn TP.HCM phát âm và nói tiếng Anh rất tốt so với các nước Đông Nam Á khác. Hầu như khi mọi người nói, tôi có thể đoán và hiểu được. Tuy nhiên, có một lỗi hầu như mọi người thường mắc phải là các âm cuối tiếng Anh vẫn chưa trọn vẹn..

“Tôi thường gặp và trao đổi với người Việt ở khách sạn, đi dạo trên đường phố và họ nói tiếng Anh rất tốt. Nếu bỏ qua các lỗi về ngữ pháp, các bạn hoàn toàn có thể giao tiếp với người bản ngữ một cách bình thường”, Richard cho biết.

An Huy

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/nguoi-viet-binh-dan-noi-ngoai-ngu-nhu-tay-ong-ba-u90-lau-lau-nhieu-thu-tieng-838447.html