Người Việt bình dân nói ngoại ngữ như Tây - Kỳ 1: Biết vài thứ tiếng, ra chợ!

Người ta dễ dàng thấy được một phong cách 'đa ngôn ngữ' rất riêng của những ngôi chợ nổi tiếng như chợ Bến Thành, chợ Bình Tây... Đó cũng là nét đặc sắc gắn liền với biểu tượng du lịch TP.HCM.

Tiểu thương đang tư vấn nhiệt tình cho du khách bằng tiếng nước ngoài - Ảnh: Lưu Trân

Có những người chưa từng được học qua bất kỳ trường lớp ngoại ngữ nào, cũng chưa từng được đi nước ngoài…Vậy mà họ vẫn có thể giao tiếp và "bắn" tiếng Anh “như gió”. Có thể bạn không tin, nhưng đó là câu chuyện “mưu sinh” có thật của những chú xe ôm, những tiểu thương hay thậm chí là những người bán hàng rong quanh khu chợ Bến Thành.

VIDEO: Muốn giỏi ngoại ngữ, nhiều người đã lao... ra chợ!

"Không biết ngoại ngữ thì chẳng ai mua hàng"

Chúng tôi ghé chợ Bến Thành vào ngày cuối tuần, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt là lượng khách nước ngoài đông đến…nghẹt thở. Từ hàng quần áo, giày dép cho đến hàng quà lưu niệm, khu hàng ẩm thực…đâu đâu cũng thấy khách Tây nhiều hơn khách ta. Cô bạn đi cùng tôi còn nói vui rằng, đi chợ Bến Thành mà tưởng đang du lịch tận châu Âu.

Lạc vào khu chợ với lượng khách Tây đông đến nghẹt thở - Ảnh: Lưu Trân

Tại một gian hàng bán quần áo, bà chủ với nụ cười tươi rói đang đon đả mời hàng một du khách người Anh. Trong suốt buổi thương lượng về giá cả của họ, điều khiến tôi thích thú nhất chính là phong thái tự nhiên và cách phát âm khá “chuẩn” của bà chủ.

Đó là bà Nguyễn Thị Bình (50 tuổi), với hơn 15 năm bán áo quần ở chợ Bến Thành. Đối với bà thì đây là “chuyện bình thường”, buôn bán với khách đa quốc tịch thì người bán cũng phải lận lưng vài ngôn ngữ làm vốn: “Nhiều người còn biết cả tiếng Thái, tiếng Pháp, tiếng Hàn nữa kìa. Nhưng hầu như là ai cũng rành tiếng Anh vì nói tiếng Anh thì khách nào cũng biết, họ nghe mình chào hàng bằng tiếng Anh thì lại càng thích mua đồ của mình hơn”.

Cặp vợ chồng người Pháp thích thú khi được chủ quán ăn mời chào bằng chính tiếng Pháp - Ảnh: Lưu Trân

Như để chứng minh những gì vừa nói là thật, bà Bình quay sang vị khách người Nhật đang ngắm nghía mấy bộ áo quần, rồi "bắn" 1 tràng tiếng Nhật: “Irasshai mase, Nanika osagashi desu ka?” (Xin chào, quý khách muốn mua gì ạ?). Và cuộc mặc cả của hai bên bắt đầu...

Tại gian hàng bán giày dép gần cửa Đông chợ Bến Thành, một anh thanh niên dáng người khá thấp, tuổi tầm 23 – 25 đang nhiệt tình giới thiệu từng sản phẩm cho nhóm khách người châu Âu. Anh chàng nói nhanh và lưu loát từ xuất xứ, chất lượng và giá cả những mẫu hàng mà khách muốn xem… Cô bạn đi cùng tôi vốn là một phiên dịch viên, lần này cũng lại thốt lên đầy bất ngờ: “Anh ta nói không khác gì người bản xứ”.

Nghĩ cũng ngộ, người ta học bao nhiêu năm ở trường này lớp nọ lại không thể mở miệng nói được câu tiếng Anh “tròn trịa”. Vậy mà những người buôn bán trong chợ, một chữ tiếng Anh bẻ đôi cũng chưa nhìn thấy "mặt mũi" ra sao, lại có thể nói rõ ràng, rành mạch đến lạ.

Anh Hồ Minh Sơn (40 tuổi), chủ gian hàng đồ lưu niệm vui vẻ nói khi nghe những thắc mắc của chúng tôi: “Hồi xưa thì cũng ít người nói được tiếng Anh lắm. Nhưng mà hoàn cảnh bắt buộc, bán cho khách nước ngoài nhiều thì tự nhiên bản thân mình cũng phải ý thức được việc học ngoại ngữ cần thiết như thế nào. Không biết ngoại ngữ thì chết đói là cái chắc, vì chẳng bán cho ai được đâu”.

Cũng theo lời anh Sơn, hầu hết tiểu thương trong chợ đều học theo kiểu bắt chước, “nghe người ta nói rồi nói theo, giao tiếp thì sử dụng tiếng “bồi” là nhiều, nhưng vẫn đủ để khách nước ngoài hiểu. Riêng bản thân anh Sơn có thể nói được 3 thứ tiếng là tiếng Anh, tiếng Trung Quốc và tiếng Nhật, và tất cả anh đều học được từ những lần buôn bán, giao tiếp với du khách nước ngoài.

15 tuổi "bắn" tiếng Anh, tiếng Hàn như phim

Không chỉ riêng các tiểu thương mà ngay cả những người chạy xe ôm, những đứa bé đánh giày, bán vé số hay những người mưu sinh bên gánh hàng rong cũng đều có thể nói chuyện, giao tiếp bằng tiếng Anh “chuẩn không cần chỉnh”.

Ông Vũ Hồ Xuân (54 tuổi), chạy xe ôm gần 20 năm ở khu vực cửa Tây chợ Bến Thành, cho biết: “Tui không biết viết, nhưng mà tui nói được tiếng Anh. Mới đầu tui chỉ tập nói mấy câu đơn giản như: Hello, Good morning hay How are you. Nhưng mà hồi đó cũng sợ sợ, nói câu được câu mất mà khách thì cứ trả lời một tràng”.

Hầu hết các tiểu thương buôn bán nơi đây đều nói vanh vách tiếng Anh và "bỏ túi" thêm vài thứ tiếng khác - Ảnh: Lưu Trân

Nhưng vì lý do “khách nước ngoài trả cho mình nhiều tiền hơn khách Việt” nên ông Xuân quyết định phải giao tiếp được với khách Tây để tăng thu nhập, lo cho gia đình. "Người nước ngoài khi nói chuyện với mình họ luôn cố gắng nói thật chậm để mình có thể hiểu được. Với lại thấy mình nói tiếng “bồi” nhiều nên họ cũng thông cảm, cũng lược bớt những câu từ dài hay quá khó, chỉ nói những câu đơn giản để mình có thể hiểu, nên việc giao tiếp dần dần trở nên dễ dàng hơn", ông Xuân tâm sự.

Cũng chính môi trường xung quanh đã tạo cho ông Xuân cơ hội lý tưởng để học và nâng cao khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh. Vốn từ của ông phong phú hơn, đủ để có thể giới thiệu những nét cơ bản về một số điểm du lịch trong thành phố như chợ Bến Thành, chợ Lớn, các bảo tàng hay chùa chiền... Hiện tại, ông Xuân đã có những khách mối là người nước ngoài, mỗi dịp khách cần đi đâu thì chỉ cần gọi là ông có mặt.

Như chợt nhớ ra điều gì đó, ông lấy tay vỗ cái đét lên đùi rồi nói với giọng phấn khởi: “À, có thằng Hòa, nó mới 15 tuổi mà nói tiếng Anh, tiếng Hàn sành lắm”. Rồi ông thao thao bất tuyệt, kể: “Thằng nhỏ này ở trong mái ấm dưới chân cầu Calmette. Nó bán vé số chứ có học hành gì đâu. Vậy mà khôn dữ lắm, nói tiếng Anh như phim luôn”.

Câu chuyện bị gián đoạn khi ông Xuân ngoắc tay gọi một đứa bé bán vé số đứng cách đó chục mét. “Đây nè, nhắc tới nó là nó xuất hiện liền. Thằng này tên Hòa nói tiếng Anh, tiếng Hàn “đúng điệu” đây cô”, ông cười hề hề giới thiệu.

Ông Xuân có thể nói được tiếng Anh, tiếng Trung Quốc và một số câu chào thông dụng bằng tiếng Nhật - Ảnh: Lưu Trân

Tôi đoan chắc là Hòa mắc “bệnh nghề nghiệp” vì… sau khi lễ phép chào chúng tôi, thằng bé nhanh nhảu đưa ngay xấp vé số lên, nói: “Hello madam, you’re so beautiful. In Viet Nam, anybody like you is called a kind-hearted woman” (Xin chào quý bà, trông bà thật là quý phái, sang trọng. Ở Việt Nam, mọi người cho rằng những ai có tướng tá như bà thường là người rất tốt bụng).

Tôi chợt bật cười khi nhìn thấy gương mặt non choẹt, sạm đen của thằng nhỏ khi cố tỏ vẻ mình là một quý ông thật sự. Hẳn là có rất nhiều khách vui vẻ mua vé số cho Hòa khi nghe được câu chào mát ruột mát gan ấy.

Hòa kể, em mồ côi mẹ từ năm 8 tuổi, không hẳn vì mẹ mất, chỉ là bà không nuôi mà thôi: “Tại cha em mê đánh đề, lúc nào thua ổng cũng đi uống rượu rồi về nhà chửi mẹ con em. Cuối cùng mẹ không chịu được, mẹ bỏ em với cha đi mất tiêu”, giọng Hòa nghèn nghẹn.

Bí kíp học ngoại ngữ của Hòa - Ảnh: Lưu Trân

Tôi cũng chớm hỏi cha Hòa bây giờ ở đâu, sao em lại về mái ấm ở? Nhưng tuyệt nhiên Hòa không nhắc đến cha trong những câu trả lời: “Em về ở trong mái ấm với “má”, có đồ ăn với được “má” thương nên thích lắm. “Má” cũng cho em đi học, nhưng mà em thích đi bán vậy hơn. Vừa có tiền vừa được học tiếng Tây miễn phí”, nói đoạn, Hòa rút trong túi ra cho tôi coi mấy tờ vé số cũ được viết chi chít chữ ở mặt sau. Thằng nhỏ hào hứng khoe đó là “tài liệu học tập” của nó, phải phiên âm tiếng Việt vậy thì học mới mau thuộc.

“Vậy còn tiếng Hàn? Em giỏi tiếng Hàn hay tiếng Anh hơn?”, cô bạn đi cùng tôi thắc mắc. Hòa nghe vậy liền đáp lại bằng một chuỗi những câu tiếng Hàn, từ “Annyeong-haseyo” (Xin chào), đến “Eseo oseyo. Mueol dowa deurilkkayo?” (Xin chào, quý khách tìm mua gì vậy?), hay “Komap-sưmnita” (Cảm ơn)… Ngữ điệu và cách nhấn nhá của Hòa y hệt mấy diễn viên trong phim bộ drama Hàn Quốc. Nếu không nói thì sẽ chẳng ai biết là cu cậu học lỏm được từ… mấy bài nhạc Hàn ở quán cà phê gần chợ hay mở.

Hòa nói: “Em khoái Bigbang với SNSD (2 nhóm nhạc Hàn Quốc – PV) nên em thuộc gần hết mấy bài nhạc luôn, vài bữa lớn có tiền nhiều em sẽ đi Hàn Quốc. À, mấy câu chào hỏi thì em học thuộc lòng chứ có biết gì đâu. Với bình thường khách người Hàn tới đây cũng toàn nói tiếng Anh, lúc nào nói chuyện với nhau họ mới dùng tiếng Hàn thôi”, dứt câu, Hòa lại nhe răng cười.

Thấy tôi đưa máy ảnh lên tính chụp, nó quơ tay lia lịa, nói: “Thôi thôi, chị đừng có chụp em nha. Em không muốn thành người nổi tiếng đâu. Chị mua vé số cho em là được rồi”. Cái tướng ốm nhom, cao “3 mét bẻ đôi” của Hòa cứ như lọt thỏm trong cái áo sơ mi màu “cháo lòng” được đóng thùng cẩn thận với cái quần đùi, gu thời trang của em ngồ ngộ và không mấy liên quan đến nhau. Nhưng được cái Hòa cười suốt. Chắc em biết và áp dụng triệt để câu “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” …

(Còn tiếp)

Lưu Trân

Lưu Trân

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/nguoi-viet-binh-dan-noi-ngoai-ngu-nhu-tay-ky-1-biet-vai-thu-tieng-ra-cho-837922.html