Người vẽ chân dung Tổng thống Mỹ

Họa sĩ Lê Đại Chúc là hiện tượng lạ của một gia đình vào loại 'danh gia vọng tộc' về nghệ thuật sân khấu và thơ ca, do cố thi sĩ lừng danh Lê Đại Thanh ở Hải Phòng khởi xướng.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ thu hút sự chú ý của cả thế giới. Bởi lẽ, vai trò cường quốc của nước Mỹ khiến người ngồi vào chiếc ghế Tổng thống sẽ tác động không nhỏ đến cán cân quyền lực toàn cầu.

Hai nhiệm kỳ với 8 năm làm ông chủ Nhà Trắng của ông Obama đã đến hồi kết thúc. Thế nhưng, lịch sử không thể quên được Obama vì ông là người da đen đầu tiên làm Tổng thống Mỹ. Vì vậy, hình ảnh Obama cũng đầy cảm hứng nghệ thuật. Chúng tôi xin kể câu chuyện về một họa sĩ Việt đã được mời sang Mỹ vẽ chân dung Obama!

Họa sĩ Lê Đại Chúc

Họa sĩ Lê Đại Chúc

Họa sĩ Lê Đại Chúc là hiện tượng lạ của một gia đình vào loại “danh gia vọng tộc” về nghệ thuật sân khấu và thơ ca, do cố thi sĩ lừng danh Lê Đại Thanh ở Hải Phòng khởi xướng. Đại gia đình này có tới 32 nghệ sĩ nổi tiếng trong các lĩnh vực sân khấu, ca múa, âm nhạc, điện ảnh, văn chương. Nhưng riêng Lê Đại Chúc lại chẳng giống ai. Một mình một kiểu, chìm đắm với sắc màu, trôi dạt đó đây.

“Vua chân dung”

Người ta kể họa sĩ Lê Đại Chúc đã từng đi học võ để lấy sức vẽ. Nói có vẻ hài hước, nhưng quả thật có thời họa sĩ Lê Đại Chúc đã từng tập thể hình với võ sĩ Lý Đức, cũng cơ bắp hơn người. Lấy sức để cầm cây cọ múa suốt ngày trên mặt toan. Có lý. Mặc dù sau mươi năm đã nổi tiếng, với mấy cuộc triển lãm, nhưng họa sĩ Lê Đại Chúc không hề biết dừng lại nghỉ ngơi, mà vẫn mải miết vẽ và vẽ. không ngừng tìm ra những ý tưởng mới thể hiện.

Nhiều đêm anh thức trắng và có những ngày ngồi liền từ 8 đến 10 giờ đồng hồ để thả hồn vào tác phẩm. Màu và hình. Màu và đường nét. Màu với bố cục. Màu với ánh sáng tâm linh soi rọi. Phải nói khi đã cầm cây cọ với bảng màu là họa sĩ Lê Đại Chúc vẽ như lên đồng vậy.

Những chớp lóe sáng trong cung bậc cảm xúc dâng trào làm cho anh quên hết mọi sự việc xung quanh, cho đến khi tác phẩm hoàn thành. Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, ông Trần Khánh Chương, từng phát biểu rằng, họa sĩ Lê Đại Chúc có bút pháp mạnh mẽ, màu sắc mạnh mẽ, cùng với sự tuôn trào cảm xúc.

Nếu tính số lượng cả ngàn tác phẩm sơn dầu, trong đó hàng trăm bức khổ lớn, cỡ năm, bảy mét vuông, mà họa sĩ Lê Đại Chúc đã vẽ trong hàng chục năm qua, thì cũng ít mấy ai bì được. Nhiều người khó hình dung sao bước vào con đường hội họa chuyên nghiệp khá muộn nhưng Lê Đại Chúc lại có sức làm việc phi thường đến vậy.

Quả thật, nếu tính từ cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên để trình làng năm 1992, anh đã bước vào tuổi 48. Nhưng thực ra cuộc viễn mộng với hội họa của Lê Đại Chúc đã bắt đầu từ khi còn trẻ, với niềm say mê cuồng nhiệt với những khao khát cháy bỏng. Anh đã từng có những tác phẩm khá mới lạ dự triển lãm ở Hải Phòng từ hồi 1967, nhưng rồi sau đó im lặng và theo đuổi những cuộc viễn du đường dài, như một kẻ lạc loài.

Những bài học của những họa sĩ bậc thầy như Bùi Xuân Phái hay Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, và Nguyễn Tư Nghiêm, những người trực tiếp dậy anh từ thuở thiếu niên là chưa đủ, mà còn đó là những bài học đường đời, với sự dấn thân và tôi luyện nghề nghiệp để tạo nên một nhân cách nghệ sĩ. Tích lũy và tích lũy, kiến thức và lịch sử hội họa và vốn sống đã làm nên một bề dầy của một cốt cách sáng tạo, qua những cảm xúc sắc màu.

Chính vì thế mà ngay từ cuộc triển lãm chuyên nghiệp đầu tiên, tại TP Hồ Chí Minh (1992), họa sĩ Lê Đại Chúc đã nổi tiếng với những bức họa chân dung, làm rung động lòng người qua nét vẽ đầy thần thái. Đáng chú ý trong đó có chân dung danh họa Nguyễn Gia Trí, người thầy mà ông có dịp học hỏi bên giá vẽ, trong một thời gian dài, ở TP Hồ Chí Minh.

Họa sĩ Lê Đại Chúc là một trong những người học trò cuối cùng ngồi bên họa sĩ Nguyễn Gia Trí lúc hấp hối. Do vậy bức chân dung họa sĩ Nguyễn Gia Trí và tác phẩm chân dung “Bố tôi – thi sĩ Lê Đại Thanh” cùng với những bức chân dung khác đã làm nên tên tuổi của họa sĩ Lê Đại Chúc.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người đã từng xem một số triển lãm sau đó của Lê Đại Chúc cũng đã từng ca ngợi anh là một họa sĩ “Vua chân dung”. Sinh thời, họa sĩ kiêm nhạc sĩ Văn Cao cũng nói về hội họa của Lê Đại Chúc rằng, vẽ thế này có thể làm thầy được rồi.

Những ấn tượng chân dung của hội họa Lê Đại Chúc đã làm chấn động những nhà sưu tầm quốc tế. Nhiều tác phẩm của anh đã được các nhà sưu tầm tìm tới và mua về với số lượng khá nhiều. Trong số đó có cả cựu Thủ tướng Anh, Sir Edword Heatf và bà Anabel Loyd, lãnh đạo tập đoàn dầu khí Malayxia…cũng mua không ít tranh của anh.

Chính vì thế mà địa chỉ và điện thoại của anh đã được đưa vào niên giám các họa sĩ thế giới được xuất bản tại Mỹ. Riêng trung tâm Gallery Lã Vọng Hồng Kông đã chọn Lê Đại Chúc là một trong 16 gương mặt tiêu biểu của hội họa Việt Nam đương đại. Họ đã in thành sách quảng bá khắp các châu lục. Sau mấy chuyến đi triển lãm ở nước ngoài, bất ngờ họa sĩ Lê Đại Chúc đã được mời đi Mỹ vào cuối năm 2009, thực hiện một dự án khá độc đáo, vẽ các chân dung những người nổi tiếng nước Mỹ.

Có lẽ đây là một chuyến đi đặc biệt trong cuộc đời của họa sĩ Lê Đại Chúc. Nó không chỉ là một cuộc viễn du thông thường. Qua những chân dung, cuộc đời của những nhân vật mà họa sĩ vẽ đã đem lại những bài học về cuộc sống và chiều sâu của tâm hồn con người. Họa sĩ Lê Đại Chúc đã nhận ra biết bao điều, sau 6 tháng trời sống và được đặt vẽ chân dung những người nổi tiếng nhất nước Mỹ, đặc biệt trong đó có chân dung Tổng thống Obama.

Chân dung Tổng thống Obama

Đây là trường hợp hy hữu và quý báu đối với một họa sĩ Việt Nam như anh được mời làm việc này. Khi vẽ chân dung những người tỷ phú đã từng hiến hết gia tài để làm từ thiện như Bill Gates, Opra Winfrey, Warren Bufet… Họa sĩ Lê Đại Chúc đã nhận ra đó là những người có tấm lòng cao cả, và anh lấy làm tự hào khi được vẽ những chân dung đó. Cuối cùng anh đã ngộ ra trong các thứ nghệ thuật thì nghệ thuật sống mới là quan trọng nhất.

Thiền bên giá vẽ

Có lẽ cuộc sống phiêu lãng và trần ai, với những cung bậc thăng trầm trong cuộc sống đã đem lại những ý tưởng mới lạ và sâu sắc của Lê Đại Chúc, trong những đêm thức trắng với màu sắc.

“Từ-bi-hỉ-xả” có lẽ là sự mách bảo tâm linh sau những chuyến đi, cùng những trải nghiệm. Và đó chính là nghệ thuật sống, khi người ta cho đi và yêu thương loài người. Giống như một ngày nào, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã bật những cung điệu đầy nỗi niềm nhất là gì? Đó là: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…”.

Sự trở về sau bao bươn trải và vinh quang. Sự ngộ ấy đã sớm làm cho họa sĩ Lê Đại Chúc đến với những triết lý của Tôn giáo. Sự tĩnh lặng chính là ngôn ngữ thẳm sâu trong mọi sự diễn đạt nghệ thuật. Tiếp một cuộc viễn du mới trong thế giới tâm linh thiền tự. Họa sĩ Lê Đại Chúc vẽ Phật, vẽ Đức chúa Jesus, vẽ về Vũ trụ.

Thế giới chân dung nhiều chiều hơn, thoát khỏi cái biểu cảm hiện thực mà ẩn giấu những đối chọi nhân sinh, những hòa trộn giữa cái thiện cái ác. Những điều tưởng như cao siêu nhưng lại gần gũi biết bao. Những giai điệu mới của đường nét quấn quýt, những cung “thăng”, “giáng” trong mầu sắc đã làm nên những bản hòa tấu về con người và sự bao la của cuộc sống.

Đó là những nét mới về một chân dung cuộc sống lớn lao giữa “Vũ trụ và Con người” được đánh dấu, qua cuộc triển lãm lần thứ 9 của anh vào năm 2008. Từ đó đến nay, họa sĩ đã bắt đầu vẽ cho người, chứ không còn chỉ nghĩ vẽ cho mình. Cái “Tôi” và cái “Ta” đã hòa trộn. Bởi lẽ những cái đẹp bao giờ cũng thuộc về nhân loại.

Hơn nữa, qua hàng trăm bức vẽ của anh biểu lộ, ở đây không phải là một thứ tôn giáo thuần nhất trong ý thức, mà đó còn là những hình tượng ẩn sâu một triết lý ngỡ như vô thức vậy. Tuy nhiên, chất thiền trong tranh Lê Đại Chúc lại đậm đặc tính phản biện, trong sự thâm trầm của cái tĩnh lặng. Tác phẩm "Đức Phật và cõi trần gian" "Vũ điệu của nữ thần" và các bức "Jesus Chrite" đã nói lên điều đó.

Sự tương quan của cõi thiền cổ sơ ấy lại ẩn dấu những vận động vô thường của cuộc sống. Sự phản biện trong triết lý Lê Đại Chúc càng thể hiện rõ ở tác phẩm "Hoàng hôn của các thiên thần". Đó là sự sống tươi sáng với vẻ đẹp hoang sơ và nguyên bản. Vũ trụ là ở đấy và con người cũng ở đấy. Luân hồi là vậy.

Trong thế giới nghiêng của phật mà Lê Đại Chúc tạo nên qua cái tưởng như cân bằng tĩnh lặng càng làm cho nổi rõ cái bể đời cay đắng. Con người cần thiện hơn và thiền hơn để nằm trên cái trầm luân của cuộc đời. Những bức chân dung của anh về cha về mẹ, về con cháu cùng những chân dung các danh sĩ cũng tỏa ra hương khói u trầm của cõi thiền. Sâu ấm và đầy cảm xúc, tự tấm lòng yêu thương cuộc đời của người nghệ sĩ, đã gây một ấn tượng rất riêng, rất Lê Đại Chúc. Ắt hẳn ai xem tranh của anh cũng sẽ thấy lẽ đó nảy sinh.

Sức sáng tạo của anh không dừng lại ở một ngưỡng nào. Ở mỗi hướng đi anh đều có những tác phẩm đạt hiệu quả cao trong triết lý của mình. Hình của anh bật lên trong vô thức; Màu của anh cũng bừng lên trong vô thức; Nhưng bố cục của anh lại đầy tính phản biện đến lạ lùng; Đó là hình Mặt trăng màu đen; Ngựa 6 chân Người hai đầu...

Và thật đặc biệt khi ta chú ý tới bức "Người và Ngựa" với những ý tuởng nằm trong vô thức lóe sáng khi ngựa là người và ngưòi trên lưng ngựa lại chính là phần hồn của con người nên hình tượng mờ ảo liêu trai. Triết lý của tác giả hiện lên khi khẳng định hồn côt mới là sự sống vĩnh hằng con người là cõi tạm mà thôi. Tính phản biện càng rõ rệt khi thể hiện trong các bức tranh Phật. Bức thì chỉ toát lên sắc lục đầy trầm luân có bức lại rực rỡ sắc mầu.

Vô Thường

Họa sĩ Lê Đại Chúc luôn khám phá và thể hiện những điều tưởng như bất biến. Khi khai thác được mối tương quan nhiều chiều bao giờ nghệ sĩ cũng đi tới bản chất của tư duy và sáng tạo phong phú. Từ chân dung đời thường chan chứa hồn cốt, đến chân dung lắng sâu triết lý tôn giáo hay vũ trụ bao giờ họa sĩ Lê Đại Chúc cũng vẽ đi, vẽ lại với những cách thể hiện khác nhau. Từ chân dung Văn Cao, Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái…đến chân dung Đức Phật, Jesus…anh đều có nhiều bản vẽ. Kể cả chân dung tự họa, anh cũng có tới hàng chục tác phẩm. Điều đó nói lên sức lao động không biết mệt mỏi của anh.

Sáng tạo và sáng tạo không ngừng. Đó chính là sứ mạng và phẩm chất của người nghệ sĩ trước thời cuộc. Các tác phẩm của họa sĩ Lê Đại Chúc ẩn chứa triết lý sâu sắc, thông qua tính phản biện trong hình tượng, để tiến sát tới bản chất của sự vật, của vũ trụ, của con người mà anh hằng quan tâm. Hơn 25 năm sáng tạo, sau những bươn trải muộn màng, những thành tựu của họa sĩ Lê Đại Chúc quả là rực rỡ.

VƯƠNG TÂM

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nguoi-ve-chan-dung-tong-thong-my-post180520.html